Việc đồng lõa với chủ doanh nghiệp che giấu tai nạn lao động để hai bên cùng có lợi trước mắt, về lâu dài chính người lao động sẽ phải chịu thiệt thòi...
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại Công ty TNHH Bơm Ebara Việt Nam (TP Hải Dương)
Khi tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc, thay vì báo cáo cơ quan chức năng, nhiều người bằng lòng thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi. Việc này sẽ khiến cho người lao động (NLĐ) đối mặt với nhiều nguy cơ mắc tai nạn lao động (TNLĐ) hơn và có thể thiệt thòi về sau nếu thương tật chuyển biến xấu.
Doanh nghiệp gợi ý
Cách đây chưa lâu, chị Phạm Thị H. (35 tuổi, ở phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) là công nhân của một công ty chế tạo cơ khí bị máy cắt chém vào tay trong lúc đang làm việc. Khi xảy ra tai nạn, công ty cử người đưa chị đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Do vết thương chủ yếu ở phần mềm nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của chị H. nên lãnh đạo công ty đã thương lượng với chị. Theo đó, chị H. sẽ làm hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thân thể, công ty cũng cho chị H. nghỉ dưỡng thương đến khi nào hồi phục. Trong khi nghỉ, chị H. vẫn được hưởng đủ lương theo sản phẩm (tương đương tiền lương khi chị H. đi làm). Điều kiện đặt ra là chị H. sẽ không được khai báo với cơ sở y tế là bị tai nạn trong khi làm việc để không phải lập hồ sơ TNLĐ. Nhờ vậy, công ty cũng không phải khai báo sự việc với cơ quan chức năng. Thấy mức hỗ trợ của công ty khá tốt nên chị H. chấp nhận phương án trên.
Trong lúc làm việc tại một công ty sản xuất nhôm kính, anh Nguyễn Văn B. (đang trọ tại phường Bình Hàn, TP Hải Dương) cũng sơ ý bị một vật sắc nhọn cắt đứt gân ngón trỏ tay trái. Lúc vào cơ sở y tế điều trị, anh B. thành thật khai báo là TNLĐ. Sau khi vết thương đã lành, anh mang giấy xác nhận của bệnh viện đến yêu cầu công ty hoàn thiện hồ sơ để anh được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định. Đại diện công ty đã phân tích rằng nếu làm theo đúng quy định là anh B. bị TNLĐ thì mức hưởng cũng không được nhiều vì tai nạn không quá nghiêm trọng, tỷ lệ suy giảm sức khỏe ít nên chỉ được bảo hiểm thanh toán 1 lần. Nếu anh B. bằng lòng rút lại hồ sơ không làm thủ tục hưởng bảo hiểm do TNLĐ thì công ty cam kết sẽ hỗ trợ một khoản kinh phí thỏa đáng. Anh B. cho biết: "Trong thời gian tôi điều trị tại bệnh viện, lãnh đạo công ty thường xuyên đến thăm, đưa trước một khoản tiền nói là hỗ trợ điều trị. Sau đó, họ cam kết sẽ thanh toán đầy đủ cho tôi tiền lương những ngày nghỉ, đồng thời hỗ trợ thêm một khoản không nhỏ nữa". Sau khi cân nhắc, thấy mức bồi thường này thỏa đáng nên anh B. đã chấp nhận không làm hồ sơ TNLĐ nữa. Cũng theo anh B, ngành nghề anh đang làm rất hay xảy ra tai nạn. Nếu tai nạn không quá nghiêm trọng thì hầu hết mọi người đều đồng ý phương án bồi thường của chủ sử dụng.
Theo quy định, hằng năm các doanh nghiệp đều phải báo cáo tình hình an toàn vệ sinh lao động, TNLĐ cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không thực hiện đúng quy định này. Với những trường hợp doanh nghiệp và NLĐ cố tình che giấu TNLĐ, đặc biệt là những tai nạn không thực sự nghiêm trọng thì ngành lao động rất khó nắm bắt, xử lý.
Lợi trước mắt, thiệt lâu dài
Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền các kiến thức pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho công nhân trong khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương)
Để lấy lòng NLĐ, hầu hết chủ sử dụng sẽ đưa ra mức bồi thường bằng hoặc cao hơn mức chi trả của bảo hiểm trong trường hợp xảy ra TNLĐ. Vừa không mất thời gian làm hồ sơ giấy tờ, vừa không mất lòng chủ sử dụng nên phần lớn NLĐ sẽ chấp nhận phương án này. NLĐ đương nhiên được lợi trước mắt, nhưng về lâu dài chính họ sẽ chịu thiệt.
Theo phân tích của một số cán bộ trong ngành lao động, khi NLĐ đồng lõa với chủ sử dụng bao che TNLĐ sẽ để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng sẽ không biết hoặc không có cơ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục sử dụng những máy móc, thiết bị tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNLĐ. Quá trình này kéo dài, NLĐ sẽ phải đối mặt với tai nạn thường xuyên hơn.
Thỏa thuận đền bù giữa anh B. và chủ sử dụng đã xong nhưng nhìn ngón tay của anh B. chúng tôi thấy lo cho anh. Vì gân ngón tay đứt bị tụt xuống không nối vào được nên giờ ngón tay bị thương cứng đơ bất động. Anh B. cho biết đi xe máy đường xa anh chỉ đi một tay vì ngón tay kia chỉ va chạm với tay lái là anh sẽ bị tê nhức đến tận bả vai. Thậm chí mọi hoạt động hằng ngày cũng phải hết sức khéo léo, tránh cho ngón tay bị thương không va chạm vào bất cứ vật gì thì mới không đau. Nếu sau này ngón tay bị thương có biến chứng thì anh B. sẽ phải tự xử lý. Vì không kê khai là TNLĐ nên mọi hậu quả về sau chủ sử dụng, cơ quan bảo hiểm cũng không phải chịu trách nhiệm.
Bản thân NLĐ cần nhận thức rõ được và mất trong trường hợp bị TNLĐ. Không nên chỉ vì cái lợi trước mắt mà chấp nhận để mình cùng đồng nghiệp làm việc trong môi trường kém an toàn. Các cơ quan chức năng liên quan cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ về vấn đề này; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp.
NGỌC THANH