Doanh nghiệp và ngân hàng đã có tiếng nói chung

15/07/2012 07:11

Hầu hết các ngân hàng sẵn sàng hạ các khoản vay cũ về 15%/năm, qua đó giúp doanh nghiệp tháo gỡ một phần khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển...



Giảm lãi suất cho vay giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động


Công ty TNHH Phú Tân (xã Duy Tân, Kinh Môn) đang vay khoảng 200 tỷ đồng, trong đó khoảng 40 tỷ đồng vay ngắn hạn với lãi suất từ 12% - 16%/năm. Khoản vay nặng nhất đối với công ty lúc này là khoản vay trung và dài hạn khoảng 160 tỷ đồng, với lãi suất 17,5%/năm. Hàng hóa ế thừa cộng với lãi suất ngân hàng cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Theo chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 15 - 7, lãi suất các khoản vay cũ sẽ giảm xuống dưới 15%/năm. "Nếu được như vậy, mỗi tháng chúng tôi có thể dư ra hàng trăm triệu đồng, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì sản sản xuất, bảo đảm thu nhập cho công nhân", ông Cao Văn Tý, Giám đốc công ty cho biết.

Cũng hy vọng được giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm, anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam (TP Hải Dương) bày tỏ: "Công ty đang có khoản vay 4,5 tỷ đồng với lãi suất 17%/năm. Với mức lãi suất này, mỗi năm công ty phải trả khoản lãi khoảng 500 triệu đồng. Nếu giảm lãi suất cho vay xuống dưới 15%/năm, mỗi năm công ty sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá".

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hào hứng với thông tin giảm lãi suất cho vay của ngân hàng. Ông Nguyễn Xuân Trang, Giám đốc Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương cho biết, thời gian gần đây, do khó khăn chung của nền kinh tế, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất. Vì vậy tỷ lệ vốn vay ngân hàng cũng giảm. Công ty chỉ còn vay ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng với lãi suất 15%/năm. Hiện tại, nhiều ngân hàng trên địa bàn đang mời công ty vay với mức lãi suất chỉ còn 13%/năm. Đây là mức lãi suất khá ưu đãi đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty cũng chưa dám vay vì việc mở rộng sản xuất lúc này là hành động mạo hiểm. Vì vậy, thông tin ngân hàng giảm lãi suất cho vay không làm doanh nghiệp này hào hứng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hải Dương cho biết, BIDV Hải Dương đang còn khoảng 10% tổng dư nợ với mức lãi suất 15,5%/năm, tập trung vào các gói vay trung và dài hạn. Ngay sau khi có Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh đã rà soát lại toàn bộ hợp đồng vay vốn của khách hàng và xây dựng kế hoạch giảm lãi suất vay xuống dưới 15% từ ngày 15 - 7 theo quy định. Hiện tại, mức lãi suất cho vay của BIDV Hải Dương dao động từ 11 - 13%/năm, thậm chí đối với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, mức lãi suất chỉ còn 10%/năm.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh khu công nghiệp còn khoảng 137 tỷ đồng dư nợ gói tín dụng trung hạn với mức lãi suất 16%/năm. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh đã rà soát lại toàn bộ hợp đồng vay vốn, chuẩn bị để thực hiện quy định mới từ ngày 15 - 7. Ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc chi nhánh cho biết: "Đối với các khoản vay ngắn hạn, chúng tôi đã giảm lãi suất xuống dưới 15% từ ngày 20 - 6. Mặc dù giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng, nhưng với chủ trương chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, coi cứu khách hàng cũng là cứu chính mình, nên chúng tôi sẽ thực hiện chủ trương giảm lãi suất vay theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước"

Sẵn sàng giảm lãi suất để trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng cũng là quan điểm của nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khâm, Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chi nhánh Hải Dương cho biết: "Từ ngày 10 - 7, Sacombank dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi áp dụng cho các khoản vay mới đối với khách hàng doanh nghiệp nhằm đưa dòng vốn giá rẻ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mức lãi suất cho các khoản vay mới, nhận nợ mới chỉ duy trì ở mức 13%/năm. Đồng thời, Sacombank xem xét lại các hợp đồng để đưa mức lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% theo quy định. Nếu thực hiện theo những quy định này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm, nhưng trong điều kiện hiện nay, đây là hướng đi cho cả ngân hàng và các doanh nghiệp".
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hải Dương cũng đã triển khai chủ trương giảm lãi suất các khoản vay cũ từ 15,5% - 17%/năm xuống dưới 15%/năm, với tổng dư nợ khoảng 430 tỷ đồng. Việc giảm lãi suất được thực hiện đối với tất cả các khoản vay, không phân biệt cá nhân, tổ chức, loại hình, đối tượng vay. Ngoài việc giảm lãi suất, Vietcombank Hải Dương còn giảm hàng loạt phí các loại dịch vụ nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Hy vọng với chủ trương mới, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ nhằm khôi phục sản xuất. Đồng thời, các ngân hàng cũng có thể giải ngân được nguồn vốn đang ứ đọng.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp và ngân hàng đã có tiếng nói chung