Sau “cú đấm bồi” từ dịch Covid-19, ngành du lịch đã rục rịch hoạt động trở lại nhưng khó khăn thì vẫn chất chồng. Vắng khách và thiếu vốn kinh doanh là hai lực cản lớn nhất khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành phải loay hoay.
Hướng dẫn viên của Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt dẫn du khách thăm Nhà tù Phú Quốc
Hoạt động trở lại sau dịch Covid -19 lần 2, nhiều doanh nghiệp lữ hành đang phải đối mặt với khó khăn bởi cuối năm là mùa thấp điểm của thị trường du lịch nội địa, trong khi thị trường khách quốc tế vẫn đóng cửa.
Tự cứu mình
Sau “cú đấm bồi” từ dịch Covid-19, ngành du lịch đã rục rịch hoạt động trở lại nhưng khó khăn thì vẫn chất chồng. Với các đơn vị lữ hành, hai khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp (DN) đang gặp phải đó là vắng khách và thiếu vốn kinh doanh.
Vắng khách là bởi trong bối cảnh hiện nay người dân vẫn còn tâm lý e ngại, chưa sẵn sàng đi du lịch, kinh tế lại đang ở thời điểm suy thoái chung. Thiếu vốn bởi lượng vốn kinh doanh của DN hầu hết đã nằm ở các đối tác như hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng… sau 2lần khách đồng loạt hoãn, hủy tour mà chưa biết khi nào có thể cấn trừ được hết.
Trước tình cảnh này nhiều DN đang từng bước nỗ lực để tự cứu mình. Một số đơn vị lữ hành đã tung ra các tour với giá hợp lý. Hiện nhu cầu của du khách tập trung vào du lịch biển hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc. Các tour trải nghiệm mùa thu với điểm đến ở các tỉnh vùng núi phía Bắc có mức giảm từ 40-50%; các tour đến vùng ven biển Nha Trang, Quy Nhơn, Bình Thuận… giá giảm từ 30-40% so với mọi năm. Với các tour này, DN lữ hành kỳ vọng sẽ phần nào thúc đẩy thị trường du lịch ấm trở lại trong hai tháng cuối năm nay.
Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt (TP Hải Dương) hoạt động trở lại từ đầu tháng 9, đến nay đã có khoảng 400 khách, chủ yếu là các DN ngoài quốc doanh, các nhóm gia đình… Lượng khách này mới chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng mở ra tia hy vọng sau chuỗi ngày nghỉ dài do dịch Covid-19. Nhận thấy nhu cầu của du khách có sự thay đổi, thay vì các tour du lịch dài ngày, khách tập trung các tour ngắn ngày, tour nghỉ dưỡng trong nước, công ty đã liên kết với các đối tác để thiết kế các tour phù hợp với mức giá ưu đãi. Đơn cử tour đi Phú Quốc chỉ từ 4.590.000 đồng/khách; tour du lịch Côn Đảo giá từ 5.790.000đồng/khách; tour du lịch Pù Luông giá từ 1.590.000 đồng/khách… giảm khoảng 30% so với năm trước.
Tương tự, Công ty CP Du lịch Nữ Hoàng (TP Hải Dương) cũng có các tour ưu đãi cho khách hàng. Sau dịch, công ty đã phục vụ khoảng hơn 300 khách. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc công ty thì lượng khách này chưa được như kỳ vọng. Sau đợt dịch lần 2, các DN đối diện với nhiều khó khăn mới khi khách đã chán đi các tour thông thường nên buộc các đơn vị phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn du khách. Hiện tại, trong khi các DN lữ hành chỉ khai thác được khách từ thị trường nội địa thì số khách du lịch tự túc lại khá nhiều, không cần đến sự hỗ trợ của các công ty du lịch.
Đối với công ty còn non trẻ như Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quốc tế Đất Việt (Hà Nội) đặt chi nhánh ở TP Hải Dương thì khó khăn còn gấp bội bởi lượng khách cố định của công ty tập trung vào đối tượng học sinh đi du lịch trải nghiệm, nhưng năm nay do dịch nên các trường cũng hạn chế tổ chức hình thức này. Trước tình hình chung buộc công ty phải đổi mới các tour để hút khách. Hai tháng hoạt động trở lại sau dịch, DN cũng đón khoảng hơn 300 lượt khách, nhưng với lượng khách này đơn vị vẫn trong tình trạng “thu không đủ bù chi”.
Mộc Châu là điểm đến được nhiều du khách Hải Dương lựa chọn trong lần này
Cần hỗ trợ
Sau dịch Covid-19 lần hai, các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều ảnh hưởng nặng nề. Trong khi các DN vận tải du lịch gần như đóng cửa vì không có khách thì 95% DN lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Nhiều DN không phát sinh doanh thu nên gần như mất khả năng trả lãi vay ngân hàng…
Trước tình thế này, tháng 9 vừa qua, song song với việc phát động kích cầu du lịch lần hai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một loạt giải pháp cấp bách hỗ trợ DN du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng cho các DN, áp dụng đến tháng 12.2021; chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ, khoanh món nợ, khoanh tiền lãi vay, không tính lãi vay quá hạn…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho các DN từ 10% xuống 5% trong năm 2020-2021. Hiện nay, Quốc hội đã có Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập DN (Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19.6.2020) nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phần lớn các DN nhỏ và vừa không thể có lãi; việc giảm thuế thu nhập DN hầu như không có tác dụng đối với DN du lịch…
Đồng tình với các đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Hoàng Thị Thúy, đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt cho biết: Ngành du lịch nói chung, các đơn vị lữ hành nói riêng đều đang gặp khó khăn nên để vực dậy ngành du lịch cần có sự chung sức của nhiều đơn vị. Trong hoàn cảnh này, các cơ quan quản lý cần đồng hành cùng DN tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch. Nhà nước cần có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giãn thời hạn nộp thuế đối với các DN du lịch. Các ngân hàng cần có gói hỗ trợ DN du lịch vay vốn với lãi suất ưu đãi và thủ tục nhanh gọn để các DN tái cơ cấu lại hoạt động.
“Các DN du lịch đều có tài khoản ký quỹ tại ngân hàng theo quy định. Cụ thể, DN du lịch nội địa là 100 triệu đồng, DN du lịch quốc tế là 500 triệu đồng. Giai đoạn này các DN đều đang cần vốn để tái khởi động hoạt động du lịch nên có thể tạo điều kiện vay từ 50-70% số tiền ký quỹ tại ngân hàng”, bà Thúy đề nghị.
HUYỀN ANH