Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn do giá xăng dầu thế giới biến động liên tục trong khi giá xăng dầu trong nước điều chỉnh không sát…
Các đơn vị kinh doanh xăng dầu mong muốn giá xăng dầu sớm ổn định để yên tâm kinh doanh
Giá xăng dầu liên tục tăng, giảm, mức chiết khấu thấp, càng bán càng lỗ là những khó khăn của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu gặp phải trong thời gian qua.
Thị trường bất ổn
Hiện nay, Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương (trực thuộc Công ty Xăng dầu B12) có 36 cửa hàng xăng dầu và 25 khách hàng nhượng quyền. 8 tháng năm 2022, chi nhánh cung cấp ra thị trường 90.854 m3 xăng dầu. Theo ông Tăng Văn Trồi, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương, chi nhánh đã lỗ hơn 500 triệu đồng. Thông thường, mức chiết khấu (tiền hoa hồng) từ 800 đồng/lít thì đại lý mới có lãi. Nhưng hiện nay, mức chiết khấu của Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương áp dụng cho các đại lý trong hệ thống là 100 đồng/lít. Ông Trồi cho biết: "Hiện nay, việc giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 10 ngày/lần không sát với những biến động liên tục của giá xăng dầu thế giới. Từ nay đến cuối năm, tình hình giá xăng dầu trong nước tiếp tục có nhiều biến động theo giá xăng dầu thế giới nên chi nhánh cố gắng phấn đấu... hòa vốn. Việc kinh doanh khó khăn cũng đã ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách. Dự kiến năm 2022, chi nhánh nộp ngân sách 255 tỷ đồng, giảm 225 tỷ đồng so với năm 2021".
Anh Trần Ngọc Bích, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Vật tư xăng dầu Hải Dương cho biết hiện nay công ty có 10 cửa hàng sở hữu, 86 khách hàng nhượng quyền ở Hải Dương và một số tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng... Trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 m3 xăng dầu, chủ yếu nhập từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Trước đây, giá xăng dầu thế giới dao động ở biên độ thấp trong khi hiện nay dao động ở biên độ rất lớn. Công ty phải bù lỗ khi có thời điểm giá nhập vào cao hơn giá bán ra.
Dù kinh doanh xăng dầu 17 năm nay nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Đình Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Dũng ở xã Thanh Giang (Thanh Miện) gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng, giảm, khó lường trước những biến động, thay đổi của thị trường. Có thời điểm, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp lỗ hơn 1.000 đồng, dầu lỗ hơn 2.000 đồng. Nguyên nhân do chưa bán hết lượng hàng mới nhập thì giá xăng dầu lại giảm. Thời điểm giá xăng tăng thì lại không dám nhập nhiều. Cũng theo ông Bằng, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước cần được thực hiện sát với thị trường thế giới. Đơn cử như ngày 1.9, cơ quan chức năng lẽ ra phải điều chỉnh giá xăng dầu để kịp ngay với thị trường thế giới nhưng đến ngày 5.9 mới điều chỉnh đã khiến cửa hàng bán lẻ lỗ nặng. Với tình trạng càng bán ra càng lỗ, nhiều lúc cửa hàng muốn đóng cửa nghỉ bán nhưng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nếu như nghỉ bán không có lý do chính đáng.
Bên cạnh những đơn vị tuân thủ đúng quy định, theo phản ánh của người dân, để tránh lỗ một số cây xăng trên địa bàn tỉnh ngừng bán trong một số thời điểm với lý do mất điện hoặc nghỉ bán sớm...
Tính đến tháng 9.2022, trên địa bàn Hải Dương có 190 doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu
Bảo đảm nguồn cung
Mặc dù khó khăn nhưng Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương vẫn nỗ lực bảo đảm nguồn cung phục vụ thị trường. Chi nhánh đánh giá tình hình thị trường để xây dựng đơn hàng hợp lý. Từ ngày 15-19 hằng tháng, căn cứ vào tình hình tiêu thụ trên thị trường thông qua hệ thống phân phối, chi nhánh lập đơn hàng đăng ký sản lượng xăng dầu với Công ty Xăng dầu B12 để gửi lên Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Công ty CP Vật tư xăng dầu Hải Dương cũng có một số biện pháp hỗ trợ các đại lý như có thời điểm hỗ trợ tiền vận chuyển xăng dầu.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy giá xăng dầu trong nước biến động và phụ thuộc theo giá thế giới. Hiện nay từ doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ xăng dầu đều gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do Bộ Tài chính đang áp dụng các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức từ năm 2014. Mức tính này đã không còn phù hợp với thực tế trong bối cảnh giá cước vận chuyển, nhiều chi phí đã đội lên. Thông qua một số cuộc họp trực tuyến, Sở Công thương đã kiến nghị với Bộ Công thương về vấn đề này. Sở cũng thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu, thực hiện dự trữ theo đúng quy định.
Sở Công thương đã tổ chức đoàn kiểm tra thực hiện các quy định trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đã cố gắng chủ động nguồn cung xăng dầu để cung cấp cho hệ thống phân phối và khách hàng công nghiệp. Chỉ đạo các thương nhân giám sát các cửa hàng thuộc sở hữu, đồng sở hữu; các đại lý, nhượng quyền thương mại thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, thời gian bán hàng và duy trì thực hiện theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống, bảo đảm thực hiện đúng thời gian bán hàng, giá bán hàng; không đầu cơ, tích trữ xăng dầu...
Tính đến tháng 9.2022, trên địa bàn tỉnh có 190 doanh nghiệp (chi nhánh của doanh nghiệp) tham gia kinh doanh xăng dầu. Trong đó có 1 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (Công ty CP Vật tư xăng dầu Hải Dương); 2 đơn vị là chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương thuộc Công ty Xăng dầu B12 và Chi nhánh Pvoil Hải Phòng tại Hải Dương). 10 thương nhân phân phối xăng dầu; 1 đơn vị quản lý kho dự trữ, trung chuyển xăng dầu (Xí nghiệp Kho vận K132) và 176 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Hệ thống bán lẻ xăng dầu gồm 266 cửa hàng, trong đó có 249 cửa hàng trên đất liền và 17 phao nổi trên sông. |
HUYỀN TRANG