Doanh nghiệp không trả lương thâm niên: Công nhân chịu thiệt

17/05/2017 07:31

Muốn đào thải lao động lớn tuổi, hạn chế tối đa số tiền đóng bảo hiểm cho người lao động nên nhiều doanh nghiệp không trả lương thâm niên cho công nhân.



Nhiều doanh nghiệp tính lương trả cho công nhân mới và cũ như nhau, hoặc chỉ
chênh nhau không đáng kể (ảnh mang tính minh họa)


Điều này khiến những công nhân làm lâu năm cảm thấy bị thiệt thòi, áp lực về tâm lý.

Cào bằng mức lương

Theo phản ánh của người lao động (NLĐ), hiện nay, việc trả lương ở rất nhiều công ty đang được tính theo kiểu cào bằng. Nghĩa là công nhân mới vào làm hoặc người đã vào làm lâu năm đều nhận mức lương ngang nhau hoặc có sự khác biệt không đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Huyền ở khu 4, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đang làm cho một công ty chuyên lắp ráp linh kiện điện tử kỹ thuật cao ở khu công nghiệp Đại An cho biết: "Công ty tôi đi vào sản xuất hơn 10 năm nay, nhưng mức lương của người vào làm từ ngày đầu như tôi so với những người mới vào không có sự khác biệt. Có chăng chỉ là khoản tiền tăng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Chúng tôi chưa bao giờ thấy lãnh đạo công ty đề cập đến việc trả tiền lương thâm niên cho những lao động làm lâu năm, hay chia bậc lương thợ cho những người có tay nghề khác nhau".

Tương tự, chị Trần Thị Nguyệt ở xã Tân Hương (Ninh Giang) hiện đang làm cho một công ty may có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phản ánh ở chỗ chị làm việc trả lương thâm niên cho công nhân gần như chỉ mang tính hình thức. Những công nhân làm đủ từ 1 năm trở lên mỗi người được tính thêm 100.000 đồng/tháng; đủ từ 2 năm trở lên được tính thêm 130.000 đồng/tháng; đủ từ 3 năm trở lên được tính thêm 160.000 đồng/tháng. Số tiền này cũng là mức hưởng cao nhất áp dụng chung cho tất cả công nhân làm lâu năm. Nghĩa là có người dù vào làm cả chục năm cũng chỉ nhận được khoản tiền thâm niên với mức tính thêm trên.

Chủ doanh nghiệp thu lợi



Không được hưởng tiền lương thâm niên nên những công nhân làm lâu năm
 cảm thấy thiệt thòi (ảnh mang tính minh họa)


Theo ông Lương Văn Thắng, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành công thương, trước đây, tiền lương thâm niên được pháp luật quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Tuy nhiên, trong Bộ luật Lao động hiện hành không quy định cụ thể về vấn đề này. Đây là chủ trương để các doanh nghiệp tự cân đối việc trả lương cho NLĐ nhằm tạo ra sự khác biệt trong chính sách đãi ngộ để giữ chân công nhân.

Các doanh nghiệp tự căn cứ vào tình hình thực tế, các quy định của pháp luật để xây dựng thang, bảng lương đăng ký với cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền tại địa phương. Thực tế đã có một số đơn vị khi xây dựng thang, bảng lương có nhiều bậc lương khác nhau nhưng khi tính thâm niên lại cào bằng nhằm giảm số tiền phải đóng các khoản bảo hiểm cho NLĐ, giảm quỹ tiền lương.

Một nguyên nhân nữa khiến các doanh nghiệp không trả lương thâm niên cho công nhân do lực lượng lao động phổ thông trên thị trường vẫn dồi dào. Do lao động trẻ có nhiều thế mạnh về sức khỏe, khả năng đáp ứng công việc nhanh, chi phí trả lương ban đầu thấp... nên doanh nghiệp không cần tìm cách giữ chân công nhân lâu năm. Đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điện tử công nghệ cao như nơi chị Huyền làm việc kể trên, thì những công nhân làm lâu năm ở chỗ chị chỉ cần đủ thời gian công tác tối thiểu theo quy định, dù còn sức khỏe và nhu cầu lao động, công ty vẫn tìm cách "thanh lý".

Nhiều doanh nghiệp hiện tính mức lương cho công nhân theo hình thức khoán sản phẩm. Với các cách thức khuyến khích NLĐ làm nhiều, tăng sản lượng để tăng nguồn thu nhập nên doanh nghiệp cũng lờ luôn việc trả lương thâm niên. Những công nhân làm lâu năm cũng nghĩ rằng doanh nghiệp tính lương theo sản phẩm nên không đòi hỏi tiền lương thâm niên.

Việc trả lương thâm niên dù không còn là quy định bắt buộc nhưng đây là một trong những chính sách rất thiết thực đối với NLĐ, tránh thiệt thòi cho những người đã làm việc lâu năm, hạn chế tối đa việc "vắt chanh bỏ vỏ" của doanh nghiệp. Để giúp NLĐ được hưởng chính sách này, công đoàn cơ sở cần tích cực vào cuộc.

Tại các cuộc đối thoại, hội nghị NLĐ, công đoàn cần là cầu nối để NLĐ nêu lên nguyện vọng của mình. Qua đó, đưa nội dung này vào bản thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động với từng cá nhân làm căn cứ để doanh nghiệp thực hiện. Trả lương thâm niên là đòi hỏi chính đáng của NLĐ để tránh thiệt thòi, vì vậy công đoàn phải có trách nhiệm "mặc cả" với chủ sử dụng lao động. Thanh tra ngành lao động cũng cần vào cuộc kiểm tra việc thực hiện thang, bảng lương của các doanh nghiệp đã đăng ký có đúng với thực tế để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp không trả lương thâm niên: Công nhân chịu thiệt