Làm ăn thua lỗ, muốn tuyên bố phá sản nhưng phải đối mặt với hàng loạt thủ tục, thời gian xử lý kéo dài... là thực tế của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Mặc dù Công ty CP Dịch vụ thương mại Thu Hằng đã phải bán cây xăng này nhưng vẫn chưa trả hết nợ.
Doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán song chưa thể phá sản
Mỗi năm, có hàng chục, thậm chí là hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải ngừng hoạt động nhưng lại có rất ít doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản.
Không dễ phá sảnTheo các chuyên gia kinh tế, các luật sư, mục đích của Luật Phá sản là tạo "lối thoát nhân đạo" cho doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn tài chính, mất khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, trước những quy định của Luật Phá sản năm 2004, thì một doanh nghiệp muốn phá sản cũng không phải chuyện dễ.
Công ty CP Dịch vụ thương mại Thu Hằng ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008. Công ty hoạt động kinh doanh trong 2 lĩnh vực là xăng dầu và nước sạch. Do năng lực tài chính yếu kém, kinh doanh không hiệu quả dẫn đến thua lỗ. Đầu năm 2013, công ty đã phải bán cây xăng để trả nợ 12 tỷ đồng. Việc đầu tư kinh doanh nước sạch cũng không hiệu quả nên công ty vẫn còn nợ gần chục tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, một trong những chủ nợ của doanh nghiệp này là ông Đinh Trọng Hùng đã khởi kiện lên tòa án để đòi số tiền 2 tỷ 640 triệu đồng cùng với 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà công ty mượn để thế chấp. Nhận thấy doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán nên bà giám đốc Đinh Thị Hằng đã làm đơn xin phá sản doanh nghiệp. Bà Hằng cho biết: "Sở dĩ tôi nộp hồ sơ lên tòa án để xin được phá sản vì tôi mong có đơn vị hoặc doanh nghiệp nào đó có tiềm lực tài chính mua lại hệ thống đường ống cung cấp nước sạch của doanh nghiệp. Đây là tài sản còn lại duy nhất của doanh nghiệp có thể dùng để trả nợ cho các chủ nợ". Tuy nhiên, do bà Hằng và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty bất đồng về quan điểm, tranh chấp nội bộ nên hiện nay Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đã thu hết con dấu dẫn đến báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp và một số giấy tờ khác theo yêu cầu của tòa án vẫn chưa đáp ứng được. Để có giấy tờ, thủ tục theo yêu cầu của Tòa án Nhân dân tỉnh, hiện nay bà đang nhờ Văn phòng Luật sư Tâm Đức Phúc ở TP Hải Dương giúp đỡ để hoàn thiện các thủ tục xin phá sản nộp cho tòa án. Muốn phá sản doanh nghiệp hiện cần rất nhiều thủ tục. Thành lập doanh nghiệp thì dễ mà phá sản thì khó nên chưa biết đến bao giờ công ty mới có thể phá sản được.
Trên đây chỉ là một doanh nghiệp "dũng cảm" dám nộp đơn xin phá sản khi mất khả năng thanh toán. Còn trên thực tế, có hàng trăm doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, mất khả năng thanh toán nhưng vẫn không dám đứng lên tuyên bố phá sản.
Thủ tục rắc rốiTrong những năm gần đây, do kinh tế khó khăn, mỗi năm trên địa bàn tỉnh ta có hàng trăm doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Theo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2013, toàn tỉnh có 259 doanh nghiệp phải giải thể, 355 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 47 doanh nghiệp phải giải thể, 154 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Theo Toàn án Nhân dân tỉnh, mặc dù vậy, từ khi Luật Phá sản năm 2004 ra đời và đi vào cuộc sống, đến nay, cơ quan này mới chỉ giải quyết được 1 doanh nghiệp thực hiện việc phá sản. Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh cho biết: Hiện nay có tình trạng doanh nghiệp đã phá sản hoặc giải thể nhưng không làm bất cứ thủ tục gì để tuyên bố giải thể hoặc phá sản. Họ cứ để doanh nghiệp tự "chết" mà không làm bất cứ thủ tục gì để "chôn", hoặc để doanh nghiệp chết "lâm sàng" kéo dài nhiều năm. Đây là vấn đề gây rất nhiều khó khăn đối với việc xử lý các tồn đọng của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, một số người còn nhìn nhận việc doanh nghiệp phá sản là vấn đề "không bình thường". Chủ các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả thường bị coi là yếu kém. Khi một doanh nghiệp lâm vào khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, không ít doanh nghiệp vì "sĩ diện" vẫn không thực hiện các thủ tục để tuyên bố phá sản. Còn đối với các chủ nợ luôn có tâm lý nếu ra tòa chưa chắc đã đòi được nợ nên cũng rất ít khi họ khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp làm các thủ tục phá sản. Việc doanh nghiệp tuyên bố phá sản hoặc làm các thủ tục phá sản đệ đơn ra toà chỉ thường xảy ra khi doanh nghiệp mất đi sự đoàn kết, nảy sinh mâu thuẫn nội bộ. Phổ biến nhất là những người không có quyền cao nhất trong công ty làm các thủ tục tuyên bố phá sản. Luật sư Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm Đức Phúc (TP Hải Dương) cho biết, việc một người không có quyền cao nhất trong công ty đệ đơn ra tòa án xin phá sản chính là yếu tố khiến cho nhiều vụ việc doanh nghiệp xin phá sản gặp rắc rối hoặc không thể thực hiện được. Bởi hiện nay, theo các quy định của Luật Phá sản, để một doanh nghiệp thực hiện được việc phá sản thì cần có những yêu cầu như: Có sổ sách của doanh nghiệp trong vòng vài năm, báo cáo tài chính trong 3 năm liên tục. Khi có mâu thuẫn thì người cao nhất trong công ty sẽ thu hồi con dấu mà các giấy tờ không có con dấu thì tòa sẽ không tiếp nhận hồ sơ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp lẽ ra phải làm các thủ tục để phá sản nhưng vẫn không thực hiện được.
Theo quy định hiện nay, để phá sản doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thủ tục rắc rối, một doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục phá sản nhanh nhất cũng phải 6 tháng. Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết, còn thực tế một doanh nghiệp muốn phá sản ít nhất cũng phải mất cả năm hoặc nhiều năm.
VŨ ÚY