Dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều thói quen của người dân, từ mua sắm đến sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí... Và nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt nhanh chóng “bắt trend”, ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đầu tư mạnh cho các sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng số hóa
Sau những kinh nghiệm "xương máu" có được từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quyết định tập trung đầu tư mạnh cho chuyển đổi số nhằm đảm bảo vừa phát triển kinh doanh vừa phòng dịch và luôn có phương án thay đổi linh hoạt nếu chẳng may dịch tái diễn.
Tận dụng cơ hội từ dịch bệnh
Do sợ mùi bệnh viện, sợ đám đông, sợ xếp hàng và sợ nhất là COVID-19... anh Nguyễn Đức Tâm (TP Hồ Chí Minh) đã thử tìm đến dịch vụ y tế tận nhà và đánh giá rất cao dịch vụ này. Sau khi trải nghiệm, anh Tâm cho biết các cuộc điện thoại chăm sóc khách hàng cực kỳ dễ thương từ mấy bạn bên dịch vụ, dặn dò đủ kiểu...
"Mình thấy dịch vụ này quá tốt, cả việc khám sàng lọc các loại bệnh, tầm soát ung thư và các vấn đề liên quan tất tần tật. Một năm mình khám tổng quát 2 lần, gói cao cấp chưa tới 200 USD. Dịch vụ cưng khách hàng như trứng - hứng khách hàng như hoa. Nói chung tôi sẽ chọn ngồi yên, bác sĩ tới nhà làm gì đó thì làm, đỡ mất công di chuyển xếp hàng..." - anh Tâm nói.
Trong khi đó, nhà chị Xuân Yến (TP Hồ Chí Minh) có người thân bị bệnh và phải thường xuyên đi xét nghiệm để theo dõi tình hình sức khỏe. Việc tuần nào cũng phải đến bệnh viện xếp hàng khiến cả nhà chị mất rất nhiều thời gian và mệt mỏi. Dịch bệnh lại càng khiến cả nhà lo sợ, nên chị Yến thử tìm đến dịch vụ xét nghiệm tại nhà.
"Chỉ cần vào ứng dụng di động, đặt lịch hẹn như đặt đồ ăn trực tuyến là sẽ có nhân viên liên lạc chăm sóc rất chu đáo. Đến hẹn có y tá tới tận nhà lấy máu đem đi, kết quả xét nghiệm được thông báo và tư vấn rất kỹ lưỡng" - chị Yến nhận xét.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tại nhà ngày càng tăng mạnh, đặc biệt khi có sự tác động rất lớn của COVID-19, những DN trong lĩnh vực này đã tranh thủ tận dụng cơ hội. "COVID-19 khiến cho nhận thức của cộng đồng về rủi ro đối với sức khỏe được đánh thức và nâng lên đáng kể. eDoctor xem đây là cơ hội lớn để phát triển" - Vũ Thanh Long, Tổng Giám đốc eDoctor, chia sẻ.
Đặc biệt, dịch bệnh được xem là "bệ phóng" cho dịch vụ giao hàng, bởi nhu cầu mua sắm qua mạng và giao đồ ăn, hàng hóa tận nhà đã gia tăng chóng mặt. Mới đây, dịch vụ Giao hàng nhanh đã đưa vào vận hành kho phân loại hàng hóa tự động thứ ba của mình tại Hà Nội, nâng tổng công suất phân loại hàng lên trên 1,5 triệu đơn/ngày, giúp rút ngắn thời gian toàn trình của đơn hàng.
"Từ cuối năm 2020 đến nay, chúng tôi cũng khai trương nhiều bưu cục mới, nâng tổng số lên hơn 1.000 bưu cục, giúp rút ngắn khoảng cách từ người bán đến bưu cục, đơn luôn được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng hơn" - đại diện đơn vị này cho biết.
Phải chuyển đổi số bằng mọi giá
Để thích ứng với trạng thái "bình thường mới’ trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều DN đã thay đổi tư duy, đầu tư nhiều hơn cho chuyển đổi số. Theo bà Phạm Thị Sơn, Chủ tịch Công ty Hồng Ngọc Hà (TP Hồ Chí Minh), trong năm 2021 DN này đặt quyết tâm phải chuyển đổi số bằng mọi giá.
"Chúng tôi vừa ký hợp đồng triển khai ERP với một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, ứng dụng công nghệ Big Data để phân tích doanh thu, phân tích khách hàng nhằm tăng trải nghiệm khách hàng, nghiên cứu thị trường, đưa ra chiến lược marketing phù hợp" - bà Sơn cho biết.
Cùng với việc tự phát triển các sản phẩm công nghệ phù hợp với tình hình thực tế, một lãnh đạo Hãng xe Mai Linh cho biết DN này cũng hợp tác với các hãng công nghệ lớn để số hóa hoạt động quản trị và nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng di động, đặc biệt là đang "dịch chuyển taxi truyền thống sang taxi công nghệ" bằng nhiều dịch vụ và tính năng mới, hoàn thiện quy trình trải nghiệm của người dùng, từ lúc đặt xe cho đến khi kết thúc chuyến đi và thanh toán.
Một DN khác trong ngành vận tải là Công ty CP xe khách Phương Trang cũng vừa hợp tác với ví điện tử MoMo để phân phối vé trực tuyến cho hãng xe này. Đây được xem là bước đi chiến lược để Phương Trang có thể tận dụng nền tảng công nghệ hiện đại và tiếp cận lượng người dùng "khủng" lên đến 23 triệu người của MoMo...
Nhiều DN công nghệ đã nhanh chóng "bắt trend" đầu tư lớn vào các sản phẩm, ứng dụng, công nghệ phục vụ cho các đối tác, khách hàng. Sau 3 tháng triển khai, hệ thống điều hành sản xuất akaMES, do Công ty phần mềm FPT phát triển, đã giúp Công ty sản xuất pin lithium Vinfast giảm được 70% phí vận hành so với trước. FPT Software cũng đang tích hợp thêm một số tính năng mới để có thể mở rộng đối tượng khách hàng sang các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, dệt may.
Startup Tanca - cung cấp giải pháp quản lý thời gian, nhân sự và làm việc từ xa của Công ty Ứng dụng di động xanh (TP Hồ Chí Minh) - đang tập trung phát triển những tính năng cần thiết cho các DN và người dùng thời COVID-19 như quản lý công việc từ xa, chấm công qua camera AI...
"Các DN đang buộc phải chuyển đổi số nhanh và đây là cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số như chúng tôi" - ông Trần Viết Quân, CEO công ty, chia sẻ.
Ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc marketing Công ty Appota - cung cấp các giải pháp và nền tảng cho ngành công nghiệp giải trí số, cũng cho biết nửa đầu năm 2021 Appota đặt trọng tâm vào các sản phẩm chuyển đổi số như giải pháp quản lý vận hành DN từ xa, dịch vụ ví điện tử không tiền mặt, bán hàng qua mạng...
Tăng hợp tác để nâng cao năng lực, mở rộng quy mô Nhiều DN, start-up công nghệ cũng đẩy mạnh hợp tác mới nhằm nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi hoạt động. Chẳng hạn, Công ty AppotaPay (thuộc Appota Group) vừa ký hợp tác với Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho phép người dùng ví Appota liên kết tài khoản với thẻ nội địa Ngân hàng OCB. Cụ thể, OCB và AppotaPay hợp tác các dịch vụ như: liên kết ví điện tử, cổng thanh toán, thu hộ chi hộ... Theo ông Lương Văn Minh - giám đốc kinh doanh AppotaPay, sự hợp tác này sẽ góp phần mở rộng tập hợp khách hàng của cả hai bên. AppotaPay sẽ có thêm một lượng lớn khách hàng từ OCB, và ngược lại, OCB sẽ có thêm các tiện ích thanh toán mới với công nghệ tiên tiến để phục vụ khách hàng được tốt hơn, giảm rủi ro cho khách hàng khi giao dịch bằng tiền mặt. Trước đó, start-up ví điện tử G-Pay thuộc Tập đoàn công nghệ G-Group cũng công bố khoản đầu tư ở vòng gọi vốn thứ nhất (series A) từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỉ đồng để tăng trưởng người dùng và phát triển các giải pháp công nghệ. Start-up giao đồ ăn và thương mại điện tử của Việt Nam - Loship - nhận đầu tư từ nhà đồng sáng lập phần mềm Skype - Jaan Tallinn - thông qua quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings để mở rộng mạng lưới giao hàng, phát triển nhân sự, phát triển công nghệ và phát triển thị trường... |
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn! Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn. Sau COVID-19, làn sóng chuyển dịch các nhà sản xuất lớn trên thế giới ra khỏi Trung Quốc diễn ra rất mạnh và Việt Nam gần như là một điểm đến quan trọng nhất của các nhà sản xuất ấy. COVID-19 cũng cho thấy công nghệ và Internet chắc chắn sẽ trở thành tất cả trong cuộc sống. Nếu không có công nghệ và Internet, thế giới sẽ dừng lại. "Thách thức còn lại là chúng ta có thể trở thành một DN xuất sắc hay không? Để đạt được mục tiêu đó, những công ty như VNG sẽ có rất nhiều việc phải làm: xây dựng sản phẩm, phát triển con người, xây dựng văn hóa công ty, minh bạch hóa... Trong đó, quan điểm phát triển DN trong bối cảnh này của chúng tôi là tiếp tục đầu tư mạnh cho việc phát triển con người" - ông Minh khẳng định. |
Theo Tuổi trẻ