Doanh nghiệp đã quan tâm hơn

28/04/2016 09:31

Sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong bảo vệ và nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường và vấn đề này luôn được các cấp, các ngành và cá nhân quan tâm.



Bột đậu đen của Công ty TNHH Bánh đậu xanh Gia Bảo, sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế hút khách

Khẳng định vị thế

Là người thích uống bột đậu đen, chị Nguyễn Thanh Hương ở phố Trương Mỹ (TP Hải Dương) cho biết: "Vào mùa hè, tôi thường mua bột đậu đen của Công ty TNHH Bánh đậu xanh Gia Bảo về uống. Sản phẩm này có mùi vị đặc trưng nhiều người trong gia đình rất thích". Theo ông Nguyễn Ðình Giang, Giám đốc Công ty TNHH Bánh đậu xanh Gia Bảo, năm 2005, sau nhiều công nghiên cứu, công ty cho ra mắt sản phẩm bột đậu đen uống liền gồm 5 nguyên liệu là bột đậu đen, đường, lạc, dừa, dầu chuối và đã đăng ký độc quyền sáng chế với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Sau này, một số đơn vị "bắt chước" làm sản phẩm này của công ty nhưng bắt buộc phải thiếu một nguyên liệu, bởi nếu giống cả 5 nguyên liệu sẽ bị Công ty TNHH Bánh đậu xanh Gia Bảo kiện vì đã vi phạm quyền SHTT. Ngoài bột đậu đen uống liền, từ năm 1998, công ty đã đăng ký nhãn hiệu "Gia Bảo" đối với các sản phẩm khác. "Ðể làm ra một sản phẩm hấp dẫn về mẫu mã, chất lượng tốt và đặc biệt được người tiêu dùng ưa chuộng thì chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức. Chúng tôi đăng ký SHTT là bảo vệ sản phẩm khỏi bị làm nhái, làm giả và tránh phiền phức khi có tranh chấp", ông Giang nói.

Không chỉ trong sản xuất quy mô công nghiệp, nhiều nông dân, nhóm nông dân cũng đã chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của mình. Anh Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gà đồi Chí Linh cho biết: Hiệp hội có 600 thành viên, mỗi hộ nuôi từ 1.000 con gà trở lên. Từ khi xây dựng nhãn hiệu "Gà đồi Chí Linh", việc tiêu thụ dễ dàng hơn nhiều. Ðể được cấp nhãn hiệu hàng hóa, các sản phẩm phải sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt.

Từ khi được xác lập quyền SHTT, một số sản phẩm khác cũng khẳng định được vị thế trên thị trường. Tiêu biểu như gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn đóng trong bao bì có nhãn mác được bán với giá 30.000-32.000 đồng/kg, cao hơn gạo cùng loại không đóng trong túi 8.000 đồng/kg. Bánh đa Hội Yên đóng trong bao bì có nhãn hiệu cũng có giá từ 28.000-30.000 đồng/kg, cao hơn bánh đa cùng loại không có bao bì 5.000 đồng/kg.

Thay đổi nhận thức

Ðể nâng cao nhận thức của cá nhân, doanh nghiệp đối với việc xác lập quyền SHTT, tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ. Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) thường xuyên mở các lớp tập huấn liên quan đến SHTT cho các đơn vị liên quan, cá nhân, doanh nghiệp. Với mỗi nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng đăng ký bảo hộ, cá nhân, doanh nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ từ 4-5 triệu đồng. Những sản phẩm được đăng ký SHTT thường được tỉnh lựa chọn tham gia các hội chợ Techmart, Agroviet... Qua đó, sản phẩm không chỉ đến gần hơn với người tiêu dùng mà nhiều đơn vị còn ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với cả doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài.



Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được tiêu thụ dễ dàng hơn, bán với giá cao hơn nhờ xây dựng được nhãn hiệu tập thể


Bà Phạm Thị Huệ, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và SHTT (Sở KHCN) cho biết: Do đẩy mạnh tuyên truyền nên nhận thức của cán bộ, người dân đối với vấn đề SHTT đã thay đổi đáng kể. Ngoài chủ động nâng cao trình độ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình công nghệ tiên tiến, đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường thì các doanh nghiệp còn quan tâm xác lập quyền SHTT để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh. Họ đã chủ động đến Sở KHCN tìm hiểu và đăng ký SHTT đối với các sản phẩm do mình làm ra. Từ năm 2011-2015, toàn tỉnh có 1.329 đơn đăng ký bảo hộ, tăng 443 đơn vị so với giai đoạn 2004-2010. Sở KHCN đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ cho 219 nhãn hiệu và 22 kiểu dáng công nghiệp của 193 tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Tỉnh ta đứng thứ 7 trên cả nước về số đơn yêu cầu bảo hộ SHTT.

Thời gian tới, Sở KHCN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp nắm được chính sách mới, cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập, những cam kết của nước ta liên quan đến các hiệp định thương mại tự do đã ký kết trong lĩnh vực SHTT. Ngoài tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hiện hành, Sở KHCN sẽ kiến nghị tỉnh bổ sung thêm chính sách hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho đối tượng là sáng chế, giải pháp hữu ích. Hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tiếp tục xây dựng thương hiệu cho một số đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, các cá nhân, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký quyền SHTT đối với những sản phẩm do mình nghiên cứu, sáng tạo ra. Bởi lẽ đây không chỉ là quyền lợi chính đáng của đơn vị mà còn góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm trên thị trường hàng hóa.

PV

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, do con người sáng tạo ra. Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: quyền tác giả các tác phẩm văn học và nghệ thuật, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, chỉ dẫn địa lý (tên gọi xuất xứ hàng hóa), tên thương mại, giống cây trồng mới, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp đã quan tâm hơn