Nếu doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm, đứng ngoài cuộc thì rất khó có thể dẹp được nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Mặc dù sản phẩm hương Thu Hiền bị làm giả nhưng doanh nghiệp này
vẫn ngại tố cáo hoặc khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi
Trong khi các cơ quan chức năng nỗ lực tìm giải pháp kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại thì có không ít doanh nghiệp vẫn thờ ơ với hàng hóa của chính mình bị làm giả, làm nhái.
E ngạiCơ sở sản xuất hương Thu Hiền ở thị trấn Gia Lộc liên tục nhận được khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng hương nhãn hiệu Thu Hiền hay tắt và kém thơm, màu hương đen, không đậu lộc… Khi cử người đi khảo sát, cơ sở này phát hiện hương của họ đã bị làm giả. Hương Thu Hiền giả có bao bì giống hệt với sản phẩm chính hãng nhưng địa chỉ và số điện thoại cố tình ghi sai, mỗi túi hương chỉ có khoảng 30 nén, ít hơn gần một nửa so với hương Thu Hiền thật. Chị Đỗ Thị Sen, chủ cơ sở sản xuất hương Thu Hiền cho biết: “Để bảo vệ uy tín và thương hiệu, chúng tôi đã gửi thông báo đến các đại lý và cửa hàng phân phối để tránh nhập phải hương Thu Hiền giả và dán tem chống hàng giả lên mỗi gói sản phẩm”. Sản phẩm bị làm giả đã khiến doanh nghiệp này thiệt đơn, thiệt kép nhưng khi chúng tôi đề cập đến việc tố cáo sản phẩm hương bị làm giả để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì doanh nghiệp này lại không muốn.
E ngại, không muốn tố cáo hàng hóa của mình đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng được biết sản phẩm của mình đang bị làm giả hoặc làm nhái là tâm lý chung của không ít doanh nghiệp hiện nay. Lãnh đạo một doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Dương (xin giấu tên) cho biết sản phẩm bị làm giả khiến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc điều tra, phát hiện cơ sở, đối tượng làm giả nhưng doanh nghiệp muốn tự giải quyết và chưa tính đến việc tố cáo hoặc thông báo hàng hóa của mình bị làm giả với cơ quan chức năng, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong khi người tiêu dùng lo lắng và muốn biết những thông tin về hàng giả, hàng nhái thì các doanh nghiệp bị hại lại thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm của mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại không hợp tác với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn. Theo quy định, để xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái phải có sự tham gia của các doanh nghiệp bị hại thì cơ quan chức năng mới có đủ căn cứ pháp lý xác định vi phạm và xử lý vi phạm. “Thế nhưng khi lực lượng quản lý thị trường đề nghị phối hợp xác minh hàng hóa đó là giả thì nhiều doanh nghiệp lại từ chối. Việc này khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn khi điều tra, xác minh hàng hóa vi phạm”, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết.
"Tại anh, tại ả"
|
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chân chính chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng khiến việc kiểm tra, xác minh hàng hóa bị làm giả gặp khó khăn |
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và phát hiện gần 800 vụ gian lận thương mại, tổng giá trị thu phạt và bán hàng tịch thu hơn 1,2 tỷ đồng. Đáng chú ý là vi phạm bán hàng giả mạo nhãn hiệu "Hương Thu Hiền", "Hương Nhật Hoa"; đá cắt, đá mài giả mạo nhãn hiệu DAMAHAD của Công ty CP Đá mài Hải Dương; giấy vệ sinh giả mạo nhãn hiệu Watersilk; quần áo, tất chân giả mạo nhãn hiệu Adidas; phụ tùng, tem xe máy, mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Honda; keo xây dựng giả mạo nhãn hiệu Titebond Heavy Duty... Nhưng nghịch lý trong việc chống hàng giả, hàng nhái ở chỗ những doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả lại thiếu hợp tác xử lý vụ việc, thậm chí có doanh nghiệp còn tỏ ra không vui khi cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông. Theo chủ đại lý chuyên bán sản phẩm Adidas chính hãng trên đường Hoàng Hoa Thám (TP Hải Dương) thì nguyên nhân do doanh nghiệp sợ bị ảnh hưởng đến thương hiệu. Chủ đại lý này cho biết: “Tháng 12 năm ngoái khi phát hiện ngay ở TP Hải Dương 1 cơ sở bán nhiều sản phẩm giả thương hiệu Adidas tôi lập tức gọi điện cho đại diện nhà phân phối thương hiệu này tại miền Bắc và đề nghị thông báo với cơ quan công an của tỉnh vào cuộc. Thế nhưng, trái với ý định của tôi, anh lại bảo tôi đừng thông báo cho họ để công ty tìm cách giải quyết. Anh ấy lo sợ nếu làm lớn chuyện thương hiệu của chúng tôi tại Hải Dương cũng bị ảnh hưởng, hàng chính hãng cũng khó bán”.
Doanh nghiệp ngại tố cáo cũng xuất phát từ việc xử lý nạn hàng giả, hàng nhái của các cơ quan chức năng chưa triệt để. “Trước đây, tôi đã từng mạnh dạn tố cáo, lực lượng chức năng của tỉnh đã vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, đâu lại đóng đấy, sản phẩm hương Thu Hiền của chúng tôi vẫn bị làm giả rất nhiều. Do đó chúng tôi cũng chẳng muốn thông báo nữa”, chị Đỗ Thị Sen, chủ cơ sở sản xuất hương Thu Hiền nói.
Một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp không muốn khiếu kiện khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái do thủ tục quá rườm rà, quy định xử lý phức tạp. Doanh nghiệp phải điều tra, xác minh, gửi mẫu hàng hóa vi phạm đi giám định để xác nhận bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Sau đó, doanh nghiệp muốn bồi thường thiệt hại phải khởi kiện ra tòa. Nhưng để chứng minh thương hiệu bị thiệt hại tại tòa mất nhiều thời gian và rất khó khăn. “Trong khi doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chật vật tìm bằng chứng để tố cáo thì phần lớn những đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt thiếu sức răn đe nên chúng tôi cũng nản”, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo cho biết.
Hàng giả, hàng nhái ngày càng được sản xuất tinh vi, đối tượng kinh doanh cũng có nhiều thủ đoạn, cách thức để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp là đầu mối cung cấp thông tin chuẩn xác nhất về danh tính, địa điểm làm hàng giả, hàng nhái cho cơ quan quản lý. Do đó nếu doanh nghiệp vẫn thờ ơ, đứng ngoài cuộc thì rất khó có thể dẹp được nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
PV