Việc doanh nghiệp chậm chi trả các chế độ đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho NLÐ. Ðể chấm dứt tình trạng này, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kiên quyết.

Nhiều lao động nữ nhận được tiền thai sản sau khi sinh con 1 năm
Đủ kiểu chậm trễChị Nguyễn Thị Trinh quê ở huyện Bình Giang từng làm việc khoảng 2 năm tại Công ty TNHH May xuất khẩu và thương mại Vĩnh Thịnh (TP Hải Dương). Khi nghỉ việc, chị Trinh viết đơn gửi lên ban lãnh đạo và được chấp nhận nhưng doanh nghiệp lại không trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho chị. Một năm sau đó, chị Trinh mất rất nhiều thời gian đi lại để yêu cầu công ty trả sổ BHXH. Lần nào chị cũng nhận được câu trả lời chờ thêm một thời gian nữa, công ty chưa giải quyết ngay được, mặc dù trong thời gian làm việc tại đây chị không hề vi phạm về trích nộp BHXH. Phải đến tháng 3 vừa qua, khi chị Trinh có đơn kiến nghị và công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp xem xét giải quyết, chị mới nhận được sổ BHXH.
Tương tự, tháng 8-2015, chị Phạm Thị Hương nghỉ việc tại Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam (TP Hải Dương) nhưng công ty cũng chưa trả ngay sổ BHXH cho chị. Việc này khiến chị Hương rất lo lắng vì nơi làm việc mới yêu cầu chị phải có sổ BHXH mới chấp nhận đóng nối. 7 tháng sau, chị Hương mới nhận được sổ BHXH sau khi có sự can thiệp của công đoàn cấp trên.
Chị Phạm Thị Linh ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) đang làm việc cho một công ty may tại TP Hải Dương. Cách đây khoảng 2 năm, chị Linh nghỉ sinh con. Ngay sau khi sinh, chị đã hoàn tất các giấy tờ gửi lên công ty để làm thủ tục hưởng chế độ thai sản. Vì hoàn cảnh gia đình, hết thời gian nghỉ thai sản chị Linh chưa đi làm ngay mà tiếp tục nghỉ thêm. Không đi làm đồng nghĩa với việc không có thu nhập nhưng công ty cũng không thanh toán tiền thai sản do BHXH chi trả cho chị. Chị Linh cho biết: "Ðể có thể lấy tiền thai sản tôi phải tiếp tục đi làm. Tuy nhiên, sau 3 tháng đi làm trở lại tôi mới được nhận khoản tiền này". Cũng theo chị Linh thì công ty chị đang làm việc có hàng trăm lao động nữ và rất nhiều người đã hoặc đang có con nhỏ. Hầu hết mọi người chỉ nhận được tiền thai sản sau khi sinh 1 năm.
Công ty TNHH Samil Hà Nội Vina (TP Hải Dương) cũng rất chậm trễ trong việc trả chế độ thai sản cho NLÐ. Chị Nguyễn Thị Xuân, công nhân công ty phàn nàn, sau khi sinh con đi làm trở lại hàng năm trời vẫn không được thanh toán chế độ thai sản mặc dù rất nhiều lần chị có ý kiến với cán bộ quản lý của công ty. Nhiều nữ công nhân còn phản ánh họ không được hướng dẫn làm hồ sơ cụ thể nên phải làm lại giấy tờ nhiều lần, vừa mất công sức, vừa kéo dài thời gian chờ đợi hưởng chế độ theo quy định.
Trường hợp của chị Ðào Thị Tuyến từng làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng (Ninh Giang) cũng gây nhiều bức xúc. Ðầu năm nay, chị Tuyến viết đơn xin nghỉ việc theo đúng quy định. Tuy nhiên, công ty trả lương tháng 1-2016 cho chị theo mức lương tối thiểu vùng năm 2015 (năm 2016 mức lương tối thiểu vùng đã được nâng lên) và không thanh toán tiền phép những ngày chị Tuyến chưa nghỉ trong thời gian làm việc. Sau khi nghỉ làm nhưng chị Tuyến vẫn mất rất nhiều thời gian đi lại yêu cầu công ty hoàn tất việc chi trả các chế độ trên. Cuối cùng chị Tuyến phải nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng mới nhận lại được những khoản tiền mình được hưởng theo quy định.
Cần biện pháp mạnhTừ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 13 cuộc đình công, với sự tham gia của gần 3.000 công nhân, lao động, hầu hết là trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Một trong những lý do chính được công nhân nêu ra là do công ty chậm chi trả các chế độ theo quy định. Ðiển hình là các công nhân Công ty TNHH một thành viên Tháp UBI (Kim Thành), Công ty TNHH Four Well Vina (Chí Linh)... rất bức xúc về tình trạng doanh nghiệp nợ tiền lương, tiền thai sản trong thời gian dài. Theo hồ sơ ghi chép của Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cũng có rất nhiều kiến nghị của NLÐ nhờ can thiệp giải quyết việc nợ đọng tiền thai sản, sổ BHXH, tiền nghỉ phép năm... của doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Ðức Hạnh, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước chậm chi trả các chế độ cho NLÐ. Nhiều nữ công nhân phản ánh họ không được thanh toán kịp thời các chế độ, nhất là tiền thai sản. Sở dĩ có tình trạng này vì khi chị em sinh con, được BHXH chi trả một khoản tiền không nhỏ so với mức thu nhập của họ. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nếu giữ lại tiền thai sản của chị em có thể sử dụng quay vòng cho các mục đích khác. Có một số doanh nghiệp vẫn trừ tiền BHXH của công nhân nhưng họ lại không đóng cho cơ quan bảo hiểm. Vì vậy, khi lao động nữ sinh con họ không thể yêu cầu cơ quan bảo hiểm thanh toán tiền thai sản cho NLÐ. Ðồng thời, đối với những lao động nghỉ việc, công ty cũng không thể chốt sổ BHXH để trả cho họ.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm những lỗi trên do các chế tài xử phạt chưa mạnh hoặc khi NLÐ phản ánh thì cơ quan chức năng cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp khắc phục nên hiệu quả chưa cao. Ðể chấm dứt tình trạng này, cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền kiến thức pháp luật cho NLÐ để tự bảo vệ mình. Khi chủ sử dụng vi phạm, NLÐ cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Các cán bộ công đoàn cơ sở làm tốt công tác phối hợp để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ cho NLÐ. Các cơ quan chức năng khi nhận được phản ánh của NLÐ có thể thanh tra, kiểm tra để xử phạt nghiêm những đơn vị vi phạm, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLÐ.
NGỌC HÂN