Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp với chính quyền các cấp.
Xưa nay ta vẫn nói chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhưng đến thời điểm này, những rào cản về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp và người dân đã được sửa đổi, dần xóa bỏ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ công ngày một thông thoáng hơn. Trong dịp công bố chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cấp tỉnh năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đánh giá: "Môi trường đầu tư, kinh doanh có tích cực hơn năm 2017. Chi phí không chính thức tiếp tục cắt giảm. Cải cách hành chính đang chuyển biến rõ rệt, tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp". Còn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận xét: "Năm nay (2018) chỉ số PCI đạt mức cao nhất từ khi chúng ta bắt tay vào thực hiện báo cáo năm 2005".
Như vậy, cải cách hành chính đã có những kết quả khả quan, đường tiệm cận giữa cơ chế chính sách và nhu cầu của doanh nghiệp, người dân đã tiến sát gần nhau, khoảng cách quản lý Nhà nước (chính quyền các cấp) và doanh nghiệp đã không còn cách xa nhau. Vấn đề đặt ra ở thời điểm này cần có cái nhìn biện chứng là: Doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính quyền, chứ không chỉ nghĩ giản đơn một chiều: Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Có như vậy mối quan hệ tương tác giữa quản lý Nhà nước và doanh nghiệp mới trở thành mối liên kết thống nhất, động lực của sự phát triển. Một số chuyên gia kinh tế cao cấp nhận xét: Các cơ chế chính sách "mở" của chúng ta đã "kịch trần" như đất đai, môi trường, thuế, hải quan, tín dụng... Cần phải có bứt phá nội lực của nền kinh tế. Vậy còn lại là các chủ thể thực thi các chính sách đó, mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp chủ động đồng hành cùng chính quyền các cấp.
Năm 2018, Hải Dương không nằm trong tốp các tỉnh, thành phố xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI cao, nhưng lại là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao, đạt 9,1%, 15/15 chỉ tiêu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Hải Dương cũng là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách thu chi trên địa bàn và còn đóng góp ngân sách nhà nước theo kế hoạch giao. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 11, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 13 trong cả nước. Qua đó cho thấy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI không đồng nhất với kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Vì sao có tình trạng này? Giải đáp thấu đáo vấn đề này cần có thời gian và ở mức độ phân tích, lý giải cao hơn. Ở bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến một yếu tố cơ bản là: Sự đồng hành của doanh nghiệp. Sự đồng hành của doanh nghiệp với chính quyền các cấp, các sở, ngành chưa ăn ý. Tốc độ tăng trưởng GRDP 9,1%, thu nộp ngân sách nhà nước đạt trên 16.000 tỷ đồng, cao như vậy. Thành tựu ấy là do các doanh nghiệp, người dân tạo ra, thì sao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, doanh nghiệp lại đánh giá thấp. Nếu chính quyền không đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì làm sao có được những kết quả ấy. Cũng không thể nói sự quản lý điều hành nền kinh tế của tỉnh yếu, vì chính kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là điều quyết định. Vậy thì, điểm nghẽn ở đây, theo tôi đó chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa thật sự đồng hành một cách chặt chẽ với chính quyền các cấp, mà ở đây chủ yếu là nghiệp vụ quản lý kinh tế của doanh nghiệp chưa tiếp cận được với quản lý Nhà nước. Do vậy, chưa phối hợp giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình đầu tư, kinh doanh, thường bị động, trông chờ vào cơ chế chính sách, thiếu kiên trì và dự án đầu tư, kinh doanh thiếu tính khả thi, nên khi thực hiện thường trục trặc, gặp khó sinh nản lòng. Không thiếu những nhà đầu tư tầm cỡ "bỏ cuộc", kêu ca đổ lỗi cho cơ chế chính sách.
Nhằm khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp cần thật sự cầu thị, đồng hành cùng chính quyền các cấp, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tự nâng cao trình độ quản lý, nhanh nhạy nắm bắt kịp thời những quy định mới trong đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ những điểm nghẽn để tạo cơ chế thông thoáng hơn. Ngày 18.4 vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố đã tổ chức đối thoại lần thứ nhất năm 2019 với cộng đồng doanh nghiệp, nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh yêu cầu các hội, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần chủ động gửi báo cáo hằng tháng, hằng quý cho lãnh đạo tỉnh để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Như vậy, thời gian tới để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp với chính quyền các cấp.
VŨ HOÀNG