Nhắc tới cuộc Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không thể không nhắc tới bộ phim "Thị xã trong tầm tay", được đạo diễn - nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh thực hiện năm 1983.
Phóng viên Isao Takano (đeo kính) của báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản đi đưa tin tại thị xã Lạng Sơn những ngày đầu của cuộc chiến đấu
Chuyện phim kể về Vũ, phóng viên một tờ báo trung ương được cử lên Lạng Sơn ngay sau khi quân Trung Quốc rút khỏi thị xã. Và anh đã trở thành một nhân chứng lịch sử, chứng kiến tội ác của quân giặc, cũng như cái chết của một nhà báo Nhật Bản, phóng viên quốc tế hiếm hoi có mặt ở điểm nóng bên sông Kỳ Cùng 40 năm về trước.
Nhà báo Nhật xấu số ấy là nhân vật có thật, mang tên Takano Ishao, là đặc phải viên của báo Akahata (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản) tại Hà Nội. Trước lúc vĩnh viễn ra đi ở tuổi 36, nhà báo Takano đã kịp ghi lại những hình ảnh đau thương mà kẻ địch từ phương Bắc đã gây ra trên mảnh đất xứ Lạng, để nhân dân thế giới thấy được bản chất của cuộc chiến phi nghĩa mà chính quyền Bắc Kinh khi ấy thực hiện.
Đoạn phim tái hiện những phút cuối của nhà báo Takano cũng khá giống với trong thực tế. Theo ông Nông Văn Đuổng, thương binh hạng 2/4, là một trong những người lính đi cùng đoàn nhà báo trong nước và quốc tế đi thị sát thị xã Lạng Sơn ngày 7.3.1979 thì sự việc xảy ra vào khoảng 15 giờ chiều.
Cách đây 2 năm, ông Đuổng kể lại, hôm ấy ông được Chính ủy mặt trận thị xã Lạng Sơn Triệu Việt Hương giao nhiệm vụ dẫn đoàn nhà báo, gồm 2 phóng viên người Nhật, 5 phóng viên trong nước cùng một phiên dịch viên, vào thị xã tác nghiệp từ mốc km số 8 (nay là xã Quảng Lạc).
Theo lời ông Đuổng, lúc bấy giờ, quân thám báo của Trung Quốc vẫn còn trong thị xã. Nên khi đến Km số 4, đạn pháo quân địch bắn dồn dập buộc đoàn phải xuống xe, tránh đạn. Có quả nổ cách xe khoảng 30m, sợ nhà báo Takano trúng đạn, ông Đuổng nằm đè lên che chắn, nhưng nhà báo Takano thản nhiên nói: “Tôi không sao, vì nhiệm vụ, lúc nào cũng sợ thì làm sao vào được thị xã, có hy sinh cũng vì chân lý, vì nhân dân Việt Nam.”
Chiếc xe Uoát đưa đoàn nhà báo đến thị xã Lạng Sơn, cảnh tượng hoang tàn, đổ nát hiện ra. Nhà cửa đổ nát, xác chết ngổn ngang.
Ông Đuổng dẫn đoàn vào hang Chùa Tiên tránh pháo, đạn pháo bay tới tấp bắn suốt từ 9 giờ tới 14 giờ. Suốt khoảng thời gian ấy, trong hang, nhà báo Takano kể về những nẻo đường ông đã đi qua, về gia đình, về Xứ sở hoa anh đào xinh đẹp.
Khoảng 15 giờ, khi tiếng súng đã yên, 2 chiếc xe chở các nhà báo lăn bánh và dừng lại trước cửa Thị ủy Lạng Sơn đổ nát. Lúc đó người dân thị xã đã sơ tán về khu vực Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nên khung cảnh hoàn toàn vắng lặng.
Trước cửa Thị ủy, nhà báo Takano từ trên xe nhảy xuống bấm máy chụp liên tiếp. Ngay lúc đó, phía bên đầu cầu Kỳ Cùng, đạn quân thù bắn tới tấp.
Người thương binh già xúc động nhớ lại: "Ban đầu đạn bắn còn ít nhưng sau đó đường đạn đỏ lừ từng bó hướng về phía đoàn xe, khi đạn đại liên của địch vụt đến, mọi người trong cả 2 xe đều nhảy xuống tìm chỗ ẩn nấp. Tôi dùng súng AK bắn lại quân địch và bị thương ở tay trái. nhà báo Takano đã vào chỗ an toàn nhưng thấy tôi bắn nhau, anh lại lao lên chụp ảnh. Tôi chưa kịp hô gọi quay lại thì anh ấy đã trúng đạn vào trán và anh dũng hy sinh."
Trưa ngày 8.3.1979, thi hài nhà báo Takano được đưa về Hà Nội.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, những dòng tin, bức ảnh của các nhà báo quốc tế như Takano đã cho thế giới thấy được những tội ác của quân xâm lược Trung Quốc gây ra với đồng bào, chiến sĩ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chính từ những dòng tin ấy, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã lên án hành vi xâm lược của chính quyền Bắc Kinh, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chính nghĩa.
40 năm đã trôi qua, những khác biệt quá khứ đã được khép lại để hướng tới tương lai. Nhưng những người đã nằm xuống, như nhà báo Takano sẽ được nhớ mãi.
Theo TTXVN