Đoản khúc buồn

02/10/2014 17:34



Nhà ông bà Hào mấy hôm nay hình như có chuyện buồn. Con người ta buồn vui chả giấu được ai. Mấy người cùng phố hỏi thăm, ông bà chỉ ậm ừ cho qua, thành thử chẳng ai biết rõ ông bà buồn vì chuyện gì.

Nhìn vào gia cảnh ông bà Hào tuy chẳng cao sang nhưng so với nhiều người cùng phố được như thế cũng rất ổn. Ông bà đều là người nhà nước nghỉ hưu, lương không cao nhưng cũng đủ ăn, đủ tiêu trong gia đình. Cậu Cả tuy phải cái hơi ngớ ngẩn, không học hành đến nơi đến chốn nhưng lại khỏe mạnh, đẹp trai, nhà mặt đường ông bà mở cho cái quán bơm vá, sửa chữa xe máy, xe đạp nhì nhằng cũng có đồng ra đồng vào. Ông bà vẫn phải để ý kèm cặp mặc dù cậu cũng đã vợ con đầy đủ. Cô vợ buôn đầu chợ, bán cuối chợ, người nhà quê khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thật thà lại chịu thương chịu khó, biết tằn tiện, biết lo việc nhà chồng nên ông bà cũng yên tâm. Hai đứa cháu nội khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang lại rất xinh đẹp nên ai nhìn vào cũng thấy mát lòng, như các cụ thường nói “bố mẹ cú lại đẻ ra công” vậy. Hai cô con gái em thằng Cả nhanh nhẹn, thông minh, đều học xong đại học công tác ở ngay thành phố. Đẹp người, đẹp nết, có công ăn việc làm đàng hoàng, những tưởng ông bà chẳng phải lo gì chuyện kén rể, vậy mà cô chị đã hơn ba mươi, cô em cũng xấp xỉ ngưỡng “băm” mà vẫn lầm lũi đi về lẻ bóng. Lúc đầu ai cũng tưởng chị em nhà ấy kén chọn quá mà lỡ thì. Nào ngờ...

Thời kỳ chống Mỹ ông Hào có gần bốn năm làm lính bộ binh. Đơn vị của ông thuộc diện “B ngắn” có nghĩa là chỉ vào chiến trường theo mùa chiến dịch, đánh nhau xong lại rút quân ra, để phân biệt với “B dài” là những đơn vị đóng quân hẳn trong chiến trường vùng sâu, vùng xa. Người ta gọi đấy là lính “cơm Bắc giặc Nam”, ông Hào thì “cơm Bắc” là chắc chắn rồi nhưng “giặc Nam” thì chỉ có đơn vị ông đi, chiến dịch nào ông cũng được phân công ở lại hậu cứ để trông nom kho tàng, vũ khí, hàng hóa. Cũng có lẽ vì tính ông thật thà, chỉn chu, chịu khó nên thủ trưởng tin tưởng cho ở lại. Vì thế tiếng là lính quân giải phóng mà bàn chân ông chưa bước qua bờ sông Bến Hải.

Ra quân ông chuyển về công tác ở ngành xăng dầu cho tới lúc nghỉ hưu. Hai vợ chồng cùng ngành, tuy chỉ là công nhân nhưng cũng dành dụm được chút vốn cùng với số tiền bán cái cơ ngơi ở nhà quê do ông bà để lại mua được căn nhà mặt phố. Ngày bà Hào có thai thằng Cả, kinh tế còn khó khăn lắm, ăn uống kham khổ, vậy mà cái thai lại rất to, đẻ khó. Chả biết họ can thiệp kiểu gì mà thằng Cả có lớn chả có khôn. Bà Hào vẫn nói với mọi người cứ như bây giờ thì con tôi chẳng đến nỗi nào. Hai cô con gái em thằng Cả lần lượt ra đời, xinh xắn, khỏe mạnh thông minh, học hành giỏi giang. Ông bà thường bảo nhau: Thôi thì nhà mình có cái hạn to, hạn nhỏ gì thằng Cả nó gánh hết cho các em nó được nhờ.

Vào một chiều mưa cách đây đã chục năm, sau khi dự đám cưới của thằng Cả chừng mươi ngày, cậu “ Tỉnh lém” ít hơn ông mấy tuổi là lính cùng đơn vị cũ tìm đến nhà ông chơi. Thuốc nước xong, Tỉnh vào đề ngay:

- Thế là em lo cho em cái khoản “da cam da quýt” xong rồi, cũng tốn kém chút ít nhưng mình được hưởng chế độ lâu dài, khoản phụ cấp thường xuyên chẳng nhiều lắm nhưng cứ đều đều hằng tháng nên kinh tế cũng đỡ. Ở nhà quê chúng em thêm được một đồng cũng là quý.  

- Thế chú mày cũng bị à! Con cái thế nào? Tao xem ti-vi nhìn những đứa trẻ dị dạng tội nghiệp lắm!
- Con cái em vẫn bình thường, mà em cũng chẳng biết mình có nhiễm hay không. Cái lý lịch quân nhân của em có thời gian công tác ở vùng chất độc da cam, họ chỉ thêm vào đấy cái bệnh cho phù hợp là xong.

- Thế là chạy à? Có tốn kém lắm không?
- Không chạy thì đi chắc! Đi thì có mà đến tết Tây, còn tốn kém thì dứt khoát phải có, cũng chẳng nhiều nhặn gì.

Thế rồi “ Tỉnh lém” bày cách cho ông Hào làm “chất độc da cam”. Cứ như lời hắn thì ông Hào thuận lợi hơn nhiều. Đơn vị ấy có vào chiến trường, ông Hào là chiến sĩ của đơn vị ấy thì phần lý lịch quân nhân là rất ổn. Chả có ai lại đi vạch vòi danh sách những người nào đi chiến đấu, những người nào ở lại hậu cứ, lúc ấy mà ông Hào có ở Hà Nội thì vẫn cứ là người đã qua vùng chất độc da cam. Ông Hào lại có thằng Cả ngớ ngẩn, hãy bảo vợ quên ngay cái chuyện thai to, khi đẻ phải dùng cái loại kẹp gì đó để hỗ trợ. Cứ đổ tất cả cho thằng Mỹ, cho cái chất độc quái quỷ ấy. Con thế, bố thế, chỉ thêm vào một ít tiền nữa là xong. Có điều kiện tội gì không làm, có ai thừa tiền đâu, với lại cũng phải lo lâu dài cho thằng Cả chứ. Nghe bùi tai vợ chồng ông Hào đưa tiền cho “ Tỉnh lém” làm cái “chất độc da cam”.

Cũng phải gần một năm mới xong. Tháng đầu tiên nhận tiền, ông Hào lôi Tỉnh vào quán thịt chó cuối phố làm một chầu “lên bờ xuống ruộng”. Kể ra cũng có tiếng ì xèo nhưng chỉ như gió thoảng qua. Dẫu sao người ta cũng có những năm tháng ở chiến trường ác liệt, ở giữa vùng chất độc da cam, bây giờ Nhà nước có cho thêm chút ít như thế cũng là tốt. Thà bị nhầm còn hơn bỏ sót.

Thời gian cứ thế trôi đi. Hai cô con gái học hành xong, công việc cũng đã ổn định, bắt đầu bàn đến chuyện chồng con. Thỉnh thoảng chúng đưa bạn trai về nhà, đứa nào cũng khỏe mạnh, đẹp đẽ, nghề nghiệp đàng hoàng, ngoan ngoãn, ông bà Hào thấp thỏm mừng nhưng chỉ một thời gian sau là biệt tăm. Lúc đầu ông bà Hào vẫn bình chân như vại, con gái mình lấy chồng thì khó khăn gì, chắc là chưa đứng số đấy thôi. Ông bà chỉ ngại chúng nó kén chọn quá khéo lại lỡ thì. Gần đây cô chị đưa một chàng trai tên Khoa về nhà, so với những đứa trước thì kém xa. Người thấp lùn, da đen, lại ở mãi tít cái huyện vùng sâu, vùng xa cuối tỉnh. Được cái thật thà, hiền lành, ít nói, cũng học xong đại học, công tác ở ngay thành phố. Thôi thì tuổi nó đã cao, mặc dù không toại nguyện nhưng ông bà vẫn nhất trí cho hai đứa đi lại tìm hiểu. Vậy mà chỉ một thời gian sau, Khoa không đến nữa. Nghĩ là con gái mình chê, ông Hào nhỏ nhẹ:

- Thôi con ạ! Người ta đến với nhau là cái duyên trời se. Nó tuy thế nhưng mà hiền lành ngoan ngoãn, mình tuổi cao rồi con đừng đứng núi nọ nhìn núi kia mãi nữa.
Con gái ông òa lên khóc, nó khóc như chưa bao giờ phải khóc, tức tưởi như đứa trẻ bị đòn oan, nức nở như nát tan từng khúc ruột. Ông bà gặng hỏi mãi nó mới nói:
- Bố ơi! Bố có bị chất độc da cam thật không?
- Sao con lại hỏi bố như thế! Cái đó đã có y học xác định trong hồ sơ cả rồi.
- Con hỏi bố điều này: Bố bị chất độc da cam thật hay là do chạy chọt mà được hưởng chế độ? Bố ơi bây giờ có nhiều trường hợp làm giả lắm, các cơ quan nhà nước đã bắt tay vào điều tra rồi. Điều ấy với con không quan trọng, con chỉ cần biết nếu như bố nói dối Nhà nước thì chị em con lại có phận nhờ.

- Ơ! Sao lại như vậy, những người làm cho bố tính toán kín kẽ lắm, kiểm tra làm sao được. Bố thì đã ở chiến trường, thằng Cả thì như thế, ai nỡ lòng nào...
- Thế đấy bố ạ! Bố và anh Cả có được chút tiền là đời chúng con khổ. Bây giờ ai cũng hiểu là chất độc da cam còn hại tới đời con, đời cháu. Bạn trai nào của con biết chuyện nhà mình cũng đều lảng tránh. Không trách người ta được, ai chả lo cho tương lai. Nhà mình thế mình đành phải chịu. Bố tưởng chúng con kén chọn lắm ư! Khổ lắm bố ạ! Nếu như là thật thì chúng con chịu thiệt thòi cũng được, nhưng nếu là giả thì oan uổng quá bố ơi!
Cả đêm ấy ông Hào không chợp mắt. Sáng hôm sau ông lần về nhà “Tỉnh lém”. Thấy ông hắn kêu lên:
- Sao trông bác não nề thế này, có chuyện gì anh em mình cùng bàn cách giải quyết.
- Hỏng bét hết rồi chú ơi! Cả đêm qua tôi tính nát nước nát cái mà vẫn chưa đâu vào đâu cả, cái chuyện “da cam da quýt” của tôi ấy mà.
- Sao! Họ phát hiện ra giả à.
- Trời ơi! Giá mà họ phát hiện ra giả thì tôi lại thấy yên lòng.
- Bác nói cái quái quỷ gì tôi không hiểu?
- Chú thì làm sao mà hiểu được. Hai đứa con gái của tôi quá lứa lỡ thì cũng vì cái “da cam da quýt” ấy đấy.

- Thôi, em hiểu rồi, đúng là có chuyện ấy thật, nhìn những đứa trẻ dị dạng như thế ai mà không sợ, mà nghe đâu nó còn tác hại đến mấy đời ấy chứ, “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống” mà lỵ.
Có lẽ do tâm thần bất an ông Hào bỗng hỏi một câu ngớ ngẩn:
- Bây giờ chú cho anh biết anh có bị chất độc da cam thật không?
- Cái đó bác biết quá đi rồi, lại còn hỏi em làm gì? Hay là vì mấy năm nhận trợ cấp làm cho bác nhầm tưởng mình là người nhiễm chất độc da cam thật.
- Thế thì tôi phải đi thú nhận với Nhà nước vậy.

Tỉnh mắt tròn, mắt dẹt, mồm ngoác đến mang tai mà mãi sau mới tiếp tục vào câu chuyện. Cứ theo như hắn thì không thể lạy ông tôi ở bụi này như thế được. Bởi nếu thú nhận, công an sẽ lần theo đường dây có mà chết cả chùm. Mà cái bọn chết ấy nó có để yên cho không. Nhẹ nhất nó cũng tung dư luận: Ông Hào bị chất độc da cam thật, nhưng vì con gái không lấy được chồng mới nói là không bị, mồm miệng thiên hạ thanh minh đến bao giờ mới xong. Lại còn dư luận xã hội nữa chứ!
- Dư luận thì tôi cóc sợ, mình sai thì mình nhận mình sửa, nhìn con cái tôi thấy nẫu ruột lắm rồi.
- Cái đó thì tùy bác, con cái em đều đã yên bề gia thất, với lại hình như người nhà quê đơn giản hơn, chả sâu xa như các bác ở trên thành phố. Dù sao em cũng muốn bác phải tính toán xuôi ngược cho kỹ, kẻo “cái sảy nảy cái ung” thì hối không kịp.

Thế là chả được việc gì. Về đến nhà ông Hào nằm thườn thượt, ai cũng nghĩ là ông ốm. Bà Hào thủ thỉ:
- Có gì thầy nó cứ suy tính cho kỹ, nhưng cũng đừng lo nghĩ quá mà lăn ra ốm thật thì khổ cả nhà.
- Chẳng cái gì bằng sự thật thà bà ạ! Khôn ngoan không lại với trời, dối lừa với người thì được chứ làm sao mà dối được trời. Thôi thì mình cứ nói thật hết ra, đánh kẻ chạy đi chứ không ai nỡ đánh người chạy lại. Tôi ân hận lắm, biết là đã muộn những vẫn còn hơn không, mình làm thế mới mong được trời thương.
Gọi hai đứa con gái vào phòng, ông Hào nghẹn ngào:

- Bố có lỗi với các con, bố không bị chất độc da cam da quýt gì đâu, bố nhẹ dạ lại hám lợi nên vô tình làm hại các con. Sau này nếu có ai thương các con cứ nói rõ ra như vậy, gặp người tốt chắc họ sẽ hiểu và thông cảm. Còn với Nhà nước, bố cũng sẽ xin không nhận tiêu chuẩn gì nữa, có phải trả lại từ đầu bố cũng vui lòng. Được như vậy bố mới thanh thản sống nốt quãng đời còn lại.
Ông Hào nấc lên...

 NGUYỄN PHÚ NINH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đoản khúc buồn