Những ngày này, một số gia đình không tiếc tiền sắm cho người đã khuất những đồ lễ “hạng sang” như biệt phủ, siêu xe, điện thoại iPhone...
Khách mua hàng mã dịp rằm tháng bảy
Với quan niệm “cúng quanh năm không bằng rằm tháng bảy”, những ngày này, một số gia đình không tiếc tiền sắm cho người đã khuất những đồ lễ “hạng sang” như biệt phủ, siêu xe, điện thoại iPhone, máy tính bảng, quần áo, túi xách...
Từ đầu tháng 7 âm lịch, các cửa hàng chuyên bán hàng mã ở TP Hải Dương, các huyện Ninh Giang, Gia Lộc luôn nhộn nhịp người mua. Hàng mã đa dạng và phong phú về chủng loại, kiểu dáng. Nhiều sản phẩm kỳ công, tinh xảo giống như hàng thật. Ngoài các sản phẩm truyền thống cúng rằm, nhiều đồ mã cao cấp như ô tô hạng sang Lexus, Mercedes, điện thoại iPhone 7, iPad, túi xách Chanel, dầu gội, nước hoa hàng hiệu… được bày bán khá nhiều.
So với mọi năm, giá các mặt hàng không có nhiều biến động. Các loại quần áo, váy có giá từ 3.000-30.000 đồng/bộ, ô tô, xe máy từ 40.000-80.000 đồng/chiếc. Bộ đồ trang điểm gồm gương, lược, son, vòng tay, cài tóc, hoa tai, nhẫn… giá 25.000 đồng/bộ. Bộ đồ công nghệ với điện thoại, tai nghe, sim, thẻ nạp có giá 15.000 đồng/bộ. Biệt phủ, nhà lầu kèm sổ đỏ dành cho người âm có giá cao hơn tùy vào chất liệu, kích thước và kiểu dáng. Biệt thự 2 tầng với đầy đủ đồ dùng bên trong, sân vườn, hàng rào, ghế đá có giá 150.000 đồng.
Chị Bùi Thị Kiên chủ cửa hàng mã Dực Kiên ở chợ Hui, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) cho biết, chất lượng giấy làm mã năm nay tốt hơn, mẫu mã cũng đẹp hơn. Nhiều kiểu quần áo, váy, giầy cao gót, túi xách hàng hiệu được làm tinh xảo, cầu kỳ. Ở trên trần có mốt gì thì dưới âm cũng có mốt đó. Dịp này, cửa hàng đông khách, chị Kiên phải nhờ 2 người cháu họ ra phụ giúp. Ngày thường, chị mở cửa từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Những ngày này, chị mở cửa hàng sớm hơn 1 tiếng và đóng cửa hàng muộn hơn 1-2 tiếng. Các đơn hàng có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Những khóa lễ lớn, đơn hàng có thể lên tới cả chục triệu đồng.
Ngựa giấy có giá vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/bộ
Chị Phạm Thị H. ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) tranh thủ tan làm giờ trưa ghé vào cửa hàng bán đồ hàng mã sắm lễ. Vừa xem những món đồ chọn cho đứa con xấu số, chị vừa ghi lại vào mảnh giấy nhỏ. Từ váy, quần áo, mũ, giầy, điện thoại, quần áo, đồ trang điểm... đều thuộc loại “xịn”. Chị H. quan niệm sắm sửa tươm tất để con ở dưới không thiếu thốn thứ gì.
Thức dậy từ 5 giờ sáng và làm việc tới 12 giờ đêm, chị Nguyễn Thị Xuyến ở Cầu Gỗ, thị trấn Gia Lộc làm không kịp các đơn hàng. Dịp này, chị thuê 5 nhân công làm hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao. Cửa hàng của gia đình chị Xuyến nhận làm ngựa, thuyền rồng. “Tôi chỉ làm ngựa, thuyền rồng, còn ác sản phẩm khác như tiền vàng, quần áo, giày dép thì nhập từ Bắc Ninh vì giá nhập rẻ. Tự sản xuất các mặt hàng này mất tiền nguyên liệu, tiền thuê nhân công, có khi mẫu mã lại không đẹp trong khi khách hàng rất ưa hình thức”, chị Xuyến chia sẻ.
Việc cúng, đốt hàng mã gây lãng phí tiền của, ảnh hưởng tới môi trường là việc làm cần phê phán.
HÀ NGA