Đỗ Hùng Dũng: Từ vé vớt đến quả bóng vàng

31/05/2020 09:14

Những chia sẻ chân thành của “Quả bóng vàng Việt Nam 2019”, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng (Câu lạc bộ Hà Nội) với phóng viên.


Hình ảnh xúc động của Hùng Dũng và huấn luyện viên Park Hang Seo trong đêm gala trao danh hiệu Quả bóng vàng 2019 tại TP Hồ Chí Minh tối 26.5

Ông bố 27 tuổi Đỗ Hùng Dũng cho biết mình chỉ có niềm đam mê duy nhất là bóng đá.

Từng bỏ về nhà để đi học văn hóa

Cơ duyên nào đưa Dũng đến với bóng đá?

- Nhà tôi ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) và gia đình có hai anh em. Bố mẹ tôi có cửa hàng bán cơm - phở, sau đó chuyển sang bán điện thoại và giờ là đồ trang sức bằng bạc. Tôi rất mê bóng đá nên năm 11 tuổi, bố mẹ cho tôi đi tham gia tuyển chọn và tập luyện cho đội năng khiếu Hà Nội.

Sau gần 2 năm theo tập, do không theo được với các anh trong đội nên tôi không được đá chính. Vì điều này, bố mẹ xin cho tôi về nhà để đi học văn hóa. Trước khi theo bóng đá, tôi thường là học sinh giỏi nên bố mẹ tôi muốn tôi học hành để sau này có nghề nghiệp ổn định. Bố tôi cũng không thích bóng đá, chỉ vì tôi đá nên bố mới xem.

- Vì sao anh quay lại câu lạc bộ (CLB)?

- Tôi về nhà đi học được 10 tháng thì đội năng khiếu Hà Nội có chuyến đi tập huấn Thái Lan. Lúc đó, thầy tôi là huấn luyện viên (HLV) Hoàng Giang đã đến nhà thuyết phục bố mẹ cho tôi trở lại CLB. Thế là tôi quay lại CLB và tham gia chuyến đi Thái Lan.

Không dám mơ đến đội tuyển

-
 Khi đó, anh có mơ đến ngày sẽ được đá ở V-League hay khoác áo đội tuyển?

- Lúc ở đội trẻ Hà Nội, cuối tuần chúng tôi thường được CLB cho đi soát vé ở cửa sân vận động Hàng Đẫy khi CLB Hà Nội đá ở V-League. Sau khi soát vé xong, chúng tôi được cho vào khán đài xem các anh thi đấu. Nói thật lúc đó, nhìn các anh Thành Lương, Văn Quyết, Sỹ Cường, Thạch Bảo Khanh... thi đấu, tôi chưa từng nghĩ mình có cơ hội được đá ở CLB Hà Nội hay đội tuyển quốc gia.

- Thời điểm nào anh có cơ hội đá cho CLB Hà Nội?

- Khi thi đấu cho CLB hạng nhất Hà Nội, lúc đó chúng tôi - những cầu thủ hạng nhất - nghĩ rằng mình đá ở CLB này cũng được rồi bởi ở đây chúng tôi được đá nhiều, có tiền lương ổn định. Lúc đó, tôi chưa từng muốn lên đá cho CLB chuyên nghiệp Hà Nội ở V-League bởi ở CLB lúc đó toàn ngôi sao, nếu có lên cũng chỉ ngồi dự bị.

Năm 2016, CLB hạng nhất Hà Nội thăng hạng lên V-League, rồi chuyển vào TP Hồ Chí Minh với tên gọi Sài Gòn FC. Khi ấy, tôi được giữ lại để đá cho CLB chuyên nghiệp Hà Nội. Ở thời điểm này, vị trí tiền vệ của CLB Hà Nội có anh Cao Sỹ Cường nghỉ, anh Ngọc Duy chuyển vào TP Hồ Chí Minh... nên tôi có cơ hội được ra sân. Lần đầu đá V-League 2016 ở CLB Hà Nội, rồi tôi được đá chính trong suốt mùa.

- Vì sao anh không dám mơ tới việc đá cho đội tuyển Việt Nam?

- Năm 19-20 tuổi, tôi chỉ có thể đá được 60-70 phút là kiệt sức, chuột rút... phải thay ra. Lý do là sức bền tôi chưa đủ nên không đủ sức đá hết trận. Sau này các HLV Minh Đức, Đức Thắng, Việt Hoàng... đã hướng dẫn tôi tập nhiều bài bổ trợ, chế độ dinh dưỡng để có thêm năng lượng.

Sau mỗi buổi tập, tôi tự tập thêm, mua thêm sữa về uống buổi tối, mua thực phẩm chức năng và các loại vitamin để bổ sung vi chất. Khi thể lực đáp ứng được yêu cầu, tôi mới thi đấu được trọn vẹn một trận đấu và thể hiện được năng lực của mình.


Đỗ Hùng Dũng 

Cái duyên “vé vớt” cho cầu thủ quá tuổi

- Được ví là “hoa nở muộn”, anh có thấy mình may mắn?

- Năm 2018, khi được HLV Park Hang Seo lần đầu triệu tập lên đội tuyển Olympic Việt Nam dự Asiad 18, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình có cơ hội đá chính trong một trận đấu của đội Olympic. Tôi nghĩ được gọi thì cứ lên thôi chứ hết đợt tập trung chắc tôi cũng bị loại.

Rất may tôi là một trong các cầu thủ lớn tuổi được giữ lại đội Olympic đi dự Asiad - giải đấu đầu tiên tôi được khoác áo đội tuyển Việt Nam. Nhưng không may tôi bị chấn thương gãy ngón chân cái trái nên phải về Việt Nam khi giải đang diễn ra.

- Thời điểm nào là khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh?

- Đó là tại Asiad 18. Bỏ giải giữa chừng trong lần đầu lên tuyển và phải bó bột chân một tháng, khi về nhà tôi không thể đi lại, chỉ ngồi một chỗ và suy nghĩ rất tiêu cực. Sau khi tháo bột tôi mất thêm khoảng 4 tuần đau nhức vì chân chưa khỏi hẳn nhưng vẫn muốn tập nhanh để hồi phục sớm. Mong muốn sớm trở lại sân cỏ, sớm lấy lại phong độ đi ngược với sự phục hồi của chấn thương khiến tôi bị stress kinh khủng.

- Năm 2019, anh bất ngờ được chọn đi SEA Games 30. Cảm giác của anh lúc đó thế nào?

- SEA Games 30 có hai cầu thủ trên 22 tuổi được chọn vào đội. Lúc đó tôi đang tập trung cùng đội tuyển VN chuẩn bị cho trận đấu với Thái Lan tại vòng loại World Cup 2022. Bản thân tôi nghĩ ít khi HLV Park Hang Seo chọn một cầu thủ tiền vệ lớn tuổi.

Thay vào đó, thầy Park sẽ chọn Quế Ngọc Hải do khi đó Đình Trọng bị chấn thương. Ngoài ra tôi nghĩ, thầy Park sẽ gọi Văn Toàn, trong các cuộc nói chuyện với Toàn tôi thường bảo cậu ấy là thầy sẽ chọn Toàn.

Vậy nhưng rất bất ngờ, khoảng 4-5 ngày trước khi đội tuyển U22 Việt Nam lên đường đi Philippines, thầy Park gọi tôi lên và nói chọn tôi đi SEA Games. Đã 26 tuổi, cả đời chưa bao giờ được đi SEA Games, lần đầu được đá ở giải đấu mà 60 năm bóng đá Việt Nam chưa từng lấy lại được chiếc huy chương vàng nên tôi vừa xúc động, vừa thấy rất áp lực.

- Ai là người chơi ăn ý với anh nhất ở CLB Hà Nội và đội tuyển?

- Có lẽ chính là Văn Quyết và Quang Hải. Chúng tôi tập và trao đổi với nhau nhiều nên khi ra sân thi đấu phối hợp nhuần nhuyễn, rất hiểu ý nhau.


Đỗ Hùng Dũng và vợ trong đêm Gala trao danh hiệu Quả bóng vàng 2019 tại TP Hồ Chí Minh tối 26.5 

Tập xong, tôi chỉ muốn về nhà chơi với con

- Vô địch AFF Cup 2018, huy chương vàng SEA Games 2019, rồi đoạt Quả bóng vàng Việt Nam, cuộc sống của Hùng Dũng có thay đổi gì không?

- Thay đổi nhiều lắm bởi ra đường rất nhiều người nhận ra, xin chụp ảnh. Điều đó khiến tôi vui nhưng cũng rất ngại bởi tôi không thích sự nổi tiếng, cuộc sống phức tạp. Tôi chưa quen với việc này và cũng ngại cả xuất hiện trên truyền thông. Lúc này, tôi chỉ muốn tập trung hoàn toàn vào việc chơi bóng.

- Là một ông bố thường xuyên xa nhà, việc chăm sóc gia đình của Hùng Dũng thế nào?

- Vợ và gia đình rất hiểu và chia sẻ với công việc cầu thủ của tôi. Dù thường xuyên xa nhà nhưng rất may là sau khi kết hôn và có con, vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ tôi nên ông bà đã hỗ trợ tôi rất nhiều.

Khi vợ tôi sinh con xong, một ngày sau, tôi đã phải xa nhà đi thi đấu. Lúc con mới hai tuần tuổi, tôi phải đi Philippines dự SEA Games cả tháng trời. Vì thế hằng ngày khi ở Hà Nội, đi tập cả ngày tối tôi chỉ về nhà chơi với con chứ không có đam mê nào khác.

- Thu nhập hiện nay có giúp anh lo liệu được cuộc sống đầy đủ cho gia đình?

- Từ khi đi đá bóng, tôi có tiền giúp bố mẹ sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc, mua ôtô... Thu nhập của tôi ở CLB trên dưới 30 triệu/tháng, chưa kể các khoản thưởng. Tôi nghĩ như vậy là rất tốt rồi.

- Anh có thường xuyên tham dự sự kiện, đóng quảng cáo?

- Có rất nhiều lời mời đi làm quảng cáo nhưng tôi không đi nhiều, chỉ chắt lọc những sự kiện phù hợp. Điều này là do tôi không muốn mất thời gian tập luyện để đi đóng quảng cáo. Tôi không bao giờ bỏ một buổi tập để đi làm quảng cáo, tham dự sự kiện, thời gian đó tôi muốn dành cho bóng đá.

Mơ ước được ra nước ngoài thi đấu

- Mong ước của Hùng Dũng trong thời gian tới?

- Trong mùa giải 2020, tôi sẽ nỗ lực cùng CLB Hà Nội giành chức vô địch V-League. Nếu năm nay chúng tôi vô địch thì sẽ là nhà vô địch 3 năm liên tiếp tại giải đấu, đó là một thành tích ấn tượng.

Ở đội tuyển quốc gia, nếu được triệu tập, mục tiêu của chúng tôi là có thể bảo vệ thành công danh hiệu vô địch AFF Cup 2020 và cùng đội tuyển VN vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trong tương lai, nếu có cơ hội, tôi mong muốn được ra nước ngoài thi đấu.

- Có lời mời nào với anh về việc ra nước ngoài thi đấu hay chưa?

- Hiện giờ thì chưa nhưng nếu được, tôi muốn đá ở một giải bóng đá nào đó tại châu Á.

- Anh không sợ sự thất bại mà nhiều cầu thủ Việt Nam đã gặp khi xuất ngoại sao?

- Tôi không sợ bởi mục đích của tôi là được ra nước ngoài học hỏi, xem bên ngoài V-League người ta chơi bóng ra sao. Ngay cả việc nếu phải dự bị tôi nghĩ cũng không thành vấn đề, bởi nếu không đi tôi không bao giờ biết được đá bóng ở nước ngoài là như thế nào.

- Anh đã chuẩn bị thế nào cho việc xuất ngoại thi đấu?

- Do hiện làm quảng cáo cho một trung tâm tiếng Anh nên hằng tuần tôi được học tiếng Anh từ đội ngũ giáo viên của họ theo dạng “1 kèm 1”. Tôi đã học được 3 tháng rồi và vẫn đang rất nỗ lực. Tôi học để nếu có cơ hội, mình sẽ có sự thuận lợi khi ra nước ngoài thi đấu. Nếu không sau khi giải nghệ tôi cũng muốn học bằng HLV chuyên nghiệp để trở thành HLV.

Thầy Park đã trao cho tôi cơ hội cuộc đời

HLV Park Hang Seo là người đã tin tưởng và trao cơ hội cho cuộc đời tôi. Lần đầu được gọi lên đội tuyển Olympic dự Asiad 18, tôi nghĩ mình chỉ là “quân xanh”, thế nhưng tôi đã được giữ lại sau chuyến tập trung để dự giải đấu. Tiếp sau đó là AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, SEA Games 30, vòng loại World Cup 2022... Khi đi xem CLB thi đấu, thầy Park thường xuống sân hỏi thăm, động viên tôi giữ phong độ tốt. Khi lên tuyển, thầy luôn hỏi han tình hình từng cầu thủ trong mỗi bữa cơm, tâm sự về vợ con hay bạn gái của cầu thủ.

Một cầu thủ chuyên nghiệp

Tôi nghĩ bất cứ HLV nào cũng cảm thấy may mắn khi có được cầu thủ tài năng, chuyên nghiệp như Hùng Dũng. Trên sân tập Dũng luôn là người cần mẫn, thậm chí đồng đội tập xong, thấy còn sức Dũng vẫn ở lại để tập thêm mà không cần HLV yêu cầu.

Trong thi đấu, Dũng không bao giờ bằng lòng với cái mình đã thể hiện, lúc nào cũng muốn phải thi đấu tốt hơn nữa. Sau mỗi trận đấu, không cần ai quan tâm đến mình, Dũng tự biết chăm sóc sức khỏe bản thân từ tập thế nào, hồi phục ra sao hay việc bổ sung dinh dưỡng.

Đến thời điểm này Hùng Dũng là cầu thủ có số phút chơi cao nhất trong đội hình CLB Hà Nội trong 4 mùa qua.

HLV trưởng CLB Hà Nội CHU ĐÌNH NGHIÊM

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đỗ Hùng Dũng: Từ vé vớt đến quả bóng vàng