Không chỉ gắn với nhiều sự kiện lịch sử và cơ sở hoạt động cách mạng của địa phương, đình Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách) còn lưu giữ nhiều giá trị quý báu về văn hóa.
Cảnh quan Đình Đầu ngày nay
Không gian kiến trúc độc đáo
Đình Đầu là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân thôn Đầu. Công trình khởi dựng vào thời hậu Lê để thờ Phật Minh công chúa thời Trần. Đến năm Khải Định 2 (1917), ngôi đình được tôn tạo lại với quy mô lớn. Di tích tọa lạc trên một khu đất rộng, không gian, cảnh quan thoáng mát, có nhiều cây cổ thụ, là một trong những ngôi đình đẹp trong vùng với đầy đủ các hạng mục, đều làm bằng gỗ tứ thiết.
Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, ngôi đình vẫn được bảo tồn khá tốt, kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian đại bái đao dĩ và 2 gian hậu cung xây tường hồi bít đốc bổ trụ. Tòa đại bái kết cấu khung vì, kiến tạo theo kiểu giá chiêng xen lẫn chồng rường. Lòng mái mở rộng theo thức thượng ngũ, hạ ngũ. Toàn bộ ngôi đình được trụ vững bởi 8 cây cột cái và 16 cây cột quân. Liên kết các khung vì là hệ thống hoành, xà bào soi vỏ măng. Hai vì bên, các nghệ nhân đã sử dụng kỹ thuật hạ khoảng cột cái một cách sáng tạo, lắp đặt hệ thống xà đùi đối đỡ 4 trụ trốn và 4 kẻ góc để tạo thành khung vì gian dĩ chạm khắc bong kênh thành hai đầu rồng ngậm ngọc cùng chầu về trung tâm. Đây là một trong những chi tiết điêu khắc hiếm thấy ở các di tích kiến trúc cùng thời trong vùng.
Nghệ thuật chạm khắc mang đặc trưng của thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX) tập trung chủ yếu ở tòa đại bái và hệ thống bẩy mái. Hệ thống bẩy mái dài vươn ra hiên chạm trúc hóa long, cá chép hóa long, hoa cúc, hoa mai. Các con rường được chồng ghép thành bốn bức cốn chạm 8 cảnh tứ linh, tứ quý cách điệu. Đặc biệt, ở bức cốn phía giáp hậu cung có tạc tượng phật ngồi trên tòa sen và ông nghè vinh quy... Nét chạm sống động, hấp dẫn, mang đậm tính dân gian.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, thời gian mới khởi dựng, ngôi đình có sàn bằng ván ghép ở hai bên và hai góc gian dĩ, sau được tháo dỡ lấy gỗ phục vụ kháng chiến. Mái đình lợp ngói mũi, bốn góc đao đắp đầu phượng uốn chầu. Góc xô đắp hình nghê với chân trước khuỳnh rộng, móng nhọn. Hai đầu bờ nóc gắn rồng nhìn vào trung tâm.
Trong những năm gần đây, ngôi đình tiếp tục được tu bổ, tôn tạo. Cách đình một khoảng sân rộng về phía trước có một hồ lớn, hai bên trái và phải là khu dân cư và trụ sở UBND xã Hợp Tiến. Liền kề phía sau có nhà truyền thống cách mạng được đầu tư xây dựng kiên cố hợp thành một không gian văn hóa rộng và đẹp.
Nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa và cách mạng
Ngôi đình không chỉ là nơi thờ thành hoàng mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến tiêu biểu của xã Hợp Tiến. Tháng 8 năm 1940, chi bộ Tạ Xá tổ chức hội nghị tại đình Đầu, tham dự có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hoan. Hội nghị đã thống nhất thành lập Đội tự vệ chiến đấu Tạ Xá gồm hơn 40 đồng chí để bảo vệ cơ quan Đảng do đồng chí Lê Văn Dần làm đội trưởng. Đây là tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang Hải Dương.
Trong hai năm 1941-1942, thực dân Pháp, bọn tay sai khủng bố phong trào cách mạng, thực hiện âm mưu thủ tiêu cơ sở Đảng nhưng cơ sở Tạ Xá vẫn được duy trì. Gầm sàn đình vẫn là nơi cất giữ vũ khí của Liên tỉnh B để chuẩn bị tổ chức lực lượng cách mạng lâu dài.
Ngày 22.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đội tự vệ chiến đấu Tạ Xá và đông đảo quần chúng cách mạng tổ chức mít tinh rầm rộ tại sân đình Đầu, tuyên bố giải tán bộ máy chính quyền thực dân phong kiến Tạ Xá, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời, trụ sở của chính quyền cách mạng được đặt tại đình Đầu.
Với những giá trị còn lưu giữ, năm 1992, đình Đầu đã được xếp hạng cấp quốc gia. Kể từ khi được xếp hạng, di tích được bảo vệ chu đáo, là “địa chỉ đỏ” phát huy giá trị giáo dục truyền thống một cách hiệu quả.
NHẬT HỮU