Điều trị nghiện ma túy bằng Methadone ở Kinh Môn

26/06/2012 07:00

Với phương pháp này đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của những người nghiện ma túy, giúp họ cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống...



Bệnh nhân điều trị thay thế chất gây nghiện bằng methadone tại Trung tâm Y tế
huyện Kinh Môn đều được các bác sĩ tư vấn, khám bệnh định kỳ


Đề án "Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone" được triển khai ở huyện Kinh Môn từ tháng 7-2011 đã góp phần quan trọng làm thay đổi cuộc sống của những người nghiện ma túy, giúp họ cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Chị Bùi Thị T.  (sinh năm 1984, ở xã Minh Hòa) là một trong những người đủ tiêu chuẩn được tham gia đề án điều trị thay thế Methadone. Năm 22 tuổi, chị T. bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy. Gần 2 năm mắc nghiện, thấy cuộc sống là chuỗi ngày dài không có tương lai, chị T. quyết tâm tự cai nghiện tại nhà. Cứ bỏ thuốc được một thời gian ngắn chị lại nghiện lại. Chị T. ra tận đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) để đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Ra đảo cai được hơn 1 năm, nhưng khi về nhà, chị T. lại thèm thuốc và tìm mọi cách để có thuốc dùng. Sau đó, chị xin tham gia chương trình điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone của Trung tâm Y tế huyện. Trong suốt 8 tháng điều trị, chị  nhận được sự quan tâm, chia sẻ rất lớn của ông bà nội và các cán bộ điều trị. Những ngày đầu do tác dụng phụ của thuốc, chị T. bị sốt, mất ngủ, táo bón... Nhưng được sự động viên, chia sẻ của gia đình, sự giúp đỡ tận tình của các y, bác sĩ tại cơ sở, chị đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Hiện tại sức khỏe của chị T. đã trở lại bình thường, cuộc sống vui vẻ hơn, hòa nhập với mọi người. Chị T. cho biết: “Trước kia cuộc sống rất khổ sở và vô nghĩa, còn bây giờ không còn bị phụ thuộc vào thuốc phiện, tôi tin còn cơ hội để làm lại cuộc đời, trở thành một người có ích cho xã hội”. Chị T. hiện là một đồng đẳng viên trong cộng đồng, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Nhiệm vụ chính của chị là phát bao cao su miễn phí cho chị em phụ nữ, giới thiệu người đi xét nghiệm HIV, khám phụ khoa. Hiện nay, chị T. mong  tìm được công việc với mức thu nhập ổn định để có cuộc sống tốt hơn.

Anh H. (sinh năm 1983, ở xã Lạc Long) cũng là người đã thay đổi cuộc đời nhờ chương trình điều trị thay thế chất gây nghiện bằng Methadone. Đang là sinh viên năm thứ 2 một trường cao đẳng, không chú tâm học hành, H. thường chơi bời, la cà quán xá thâu đêm suốt sáng. Trong một lần buồn chút chuyện riêng, H. đã dùng thử ma túy theo lời thách đố của bạn bè xấu. Lúc đó, H. nghĩ đơn giản sẽ không thể bị nghiện nếu hít thử một lần. Rồi H. nghiện ma túy lúc nào không biết. Không thể tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình, H. đã quyết tâm tự cai nghiện tại nhà trong sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng cảm của cha mẹ. H. có lần bỏ ma túy được một thời gian, nhưng khi gặp lại đám bạn cũ H. lại nghiện lại. Để quyết tâm dứt bỏ ma túy, H. xin phép gia đình cho đi cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau đó, H. nghiện lại. Vào đầu năm 2012, qua phương tiện thông tin đại chúng, được biết ở Trung tâm Y tế huyện có cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone, H. đã bàn với gia đình xin cho điều trị tại cơ sở. Sau hơn 2 tháng điều trị, H. bắt đầu dần quen thuốc, không còn cảm giác thèm ma túy nữa. Khi dứt bỏ được ma túy, H. cảm thấy đầu óc lúc nào cũng thanh thản. Trước đây khi còn nghiện ma túy, anh luôn phải nghĩ cách để một ngày kiếm được từ 200 - 300 nghìn đồng mua ma túy. Hiện nay, anh H. đang là thợ sửa điện thoại tại cửa hàng của người chú, với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn là cộng tác viên của chương trình can thiệp giảm tác hại với nhiệm vụ chính là tuyên truyền về kiến thức phòng, tránh lây nhiễm HIV/AIDS, phát bơm kim tiêm cho người nghiện... Niềm vui làm lại cuộc đời, dứt bỏ ma túy được nhân đôi khi anh H. đã tìm cho mình được người bạn đời biết thông cảm, chia sẻ với anh mọi khó khăn trong cuộc sống. Anh H. chia sẻ: “Nếu không có chương trình này không  biết sẽ có bao nhiêu người nữa rơi vào cảnh tù tội vì ma túy, hay chết vì HIV/AIDS. Chương trình đã thực sự giúp chúng tôi thay đổi cuộc đời mình, mọi người không còn kỳ thị, thương hại mà nhìn chúng tôi như những người bình thường”.

Tính đến hết tháng 5 - 2012, đã có 190 bệnh nhân được điều trị bằng Methadone, trong đó đã có 132 bệnh nhân không còn sử dụng ma túy và được chuyển sang điều trị liều ổn định. Tuy nhiên, việc điều trị ban đầu của cơ sở cũng gặp không ít khó khăn, nhiều bệnh nhân chưa sẵn sàng hợp tác với cán bộ điều trị của cơ sở. Một số bệnh nhân đã bỏ thuốc được gần 3 tháng nhưng khi gặp chuyện buồn gia đình đã dùng lại ma túy. Có nhiều đối tượng khó cải tạo, quanh co, nói dối, muốn tham gia chương trình để che giấu cơ quan điều tra. Phần lớn bệnh nhân điều trị đều không có công việc ổn định, lêu lổng, đua đòi. Khi khởi liều điều trị, bệnh nhân thường bị tác dụng phụ của thuốc khiến mệt mỏi nên các cán bộ tại cơ sở phải tư vấn kịp thời, hướng dẫn bệnh nhân chế độ ăn nghỉ phù hợp và động viên để bệnh nhân khắc phục khó khăn. Hiện tại, 20 bệnh nhân đã có việc làm với mức thu nhập ổn định. Bác sĩ Mạc Thị Quyên, cán bộ cơ sở điều trị Methadone Kinh Môn cho biết: “Để chương trình phát huy được hết hiệu quả giữa các ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, lực lượng công an và các tổ chức, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý người cai nghiện tại cộng đồng. Đồng thời, cần mở rộng đối tượng để có nhiều người nghiện có cơ hội tham gia chương trình”.

HOA HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều trị nghiện ma túy bằng Methadone ở Kinh Môn