Điều trị bệnh sưng phù mặt ở lợn

02/10/2015 14:09

Hiện nay ở một số địa phương nhiều đàn lợn bị mắc bệnh sưng phù mặt làm cho lợn chết với tỷ lệ rất cao nếu không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách.


Nguyên nhân gây bệnh do trực khuẩn Ecoli. Những yếu tố bất lợi về thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm hoặc chuồng trại mất vệ sinh... khiến cho Ecoli phát triển và gây bệnh. Để phòng chống bệnh hiệu quả, cần nắm rõ những triệu chứng và cách phòng, trị bệnh như sau:     

Triệu chứng: Bệnh sưng phù mặt thường xảy ra ở lợn con chuẩn bị cai sữa và sau cai sữa từ 1 - 3 tuần. Con đầu đàn thường bị bệnh trước do ăn nhiều thức ăn hơn. Lúc đầu đàn lợn thường bị tiêu chảy, phân lỏng màu vàng nhạt hoặc màu xi măng... Con vật ăn kém, không nhanh nhẹn, đuôi luôn bết phân. Những con mất nước nặng thường mệt mỏi, ủ rũ. Cá biệt có đàn lợn không có hiện tượng phân lỏng.

Triệu chứng điển hình là lợn bệnh bị phù mặt, phù đầu, rõ nhất là phù mí mắt, phù hầu nên lợn kêu khản đặc; phù thũng đường hô hấp nên lợn khó thở; phù não nên lợn có biểu hiện thần kinh: đi mất thăng bằng, đi loạng choạng, nếu nặng bị liệt chân, thân nhiệt hầu như không tăng.

Phòng bệnh: Dùng vắc xin Hanvet Tobacoli và kháng thể Hanvet K.T.E là cách tốt nhất để giảm thiệt hại của bệnh này.

- Tiêm phòng vắc xin Hanvet Tobacoli cho lợn con từ 14 ngày tuổi, tiêm dưới da với liều 1ml/con, tiêm nhắc lại lần 2 sau khi tiêm lần một 10 ngày để tạo miễn dịch vững chắc. Tiêm cho lợn mẹ mang thai ở thời điểm trước khi đẻ 3 - 5 tuần với liều 2ml/con.

- Cho lợn uống kháng thể Hanvet K.T.E trong vòng 24 giờ sau khi sinh với liều 2 - 3ml/con và nhắc lại khi lợn con được 10 ngày tuổi.

- Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, không để đọng phân và nước tiểu. Chuồng trại bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Thường xuyên phun thuốc khử trùng tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt để lợn con được hấp thu dinh dưỡng và kháng thể. Tiêm bổ sung sắt cho lợn con được 3 ngày tuổi và 10 ngày tuổi để phòng bệnh tiêu chảy.

- Cho lợn con tập ăn càng sớm càng tốt, chế độ ăn phải thích hợp, bảo đảm đủ dinh dưỡng hợp vệ sinh, song cũng không nên cho ăn quá khả năng tiêu hóa, nhất là những thức ăn giàu đạm. Thường xuyên bổ sung rau xanh cho đàn lợn.

Nên cai sữa sớm cho lợn con và cai sữa từ từ, không cai sữa đột ngột. Nếu cần thay đổi thức ăn cũng phải thay đổi dần dần, tránh thay đổi đột ngột. Giai đoạn trước và sau cai sữa là giai đoạn có nguy cơ mắc bệnh cao, nên trộn kháng sinh như: Genta- costrim, Colistin - 200,  Thiaphenicol…  vào thức ăn cho lợn từ 5 - 7 ngày trước và sau giai đoạn cai sữa để phòng bệnh.

Trị bệnh: Nguyên tắc điều trị bệnh sưng phù mặt ở lợn là phải điều trị toàn đàn, kể cả những con khỏe mạnh chưa có triệu chứng. Những con đã xuất hiện triệu chứng điển hình thì cơ hội chữa khỏi rất thấp, những con chưa xuất hiện triệu chứng mới có khả năng khỏi bệnh cao.

Cho lợn nhịn ăn khoảng 24 giờ, nhưng phải bảo đảm đủ nước uống pha thêm điện giải hoặc đường glucoza. Những ngày sau có thể cho lợn ăn cháo loãng pha thêm điện giải hoặc đường glucoza. Tuyệt đối trong quá trình điều trị không được dùng thức ăn giàu đạm.

Dùng kháng thể Hanvet K.T.E cho uống hoặc tiêm  xoang phúc mạc với liều 0,3-0,5ml/kg thể trọng, liều tối thiểu là 1ml/con; mỗi ngày tiêm 1 mũi và dùng liên tục 2-4 ngày.

Tiêm các loại kháng sinh điều trị bệnh đường tiêu hóa có hoạt lực mạnh như: Hamcoli - S, Marphomox - coli LA…  với liều 1ml/5 - 7 kg thể trọng.  Ngày tiêm 2 lần, tiêm liên tục từ 3-5 ngày.
Kết hợp với dùng thuốc nâng đỡ cơ thể như: B complex, Sorbotol, men tiêu hóa  lactyzym… để tăng cường sức đề kháng cho con vật.

Bác sĩ thú y HOÀNG THỊ NGUYỆT (Trạm Thú y Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều trị bệnh sưng phù mặt ở lợn