Bức xúc vì hố tiêu hủy lợn bốc mùi hôi thối

05/04/2019 12:07

Người dân ở thôn Trâm Mòi, xã Thái Hòa (Bình Giang) bức xúc về việc tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi không đúng quy trình kỹ thuật làm cho các hố tiêu hủy bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.


Hố tiêu hủy lợn không được chôn lấp đúng quy trình và bốc mùi hôi thối

Báo Hải Dương nhận được phản ánh của người dân ở thôn Trâm Mòi, xã Thái Hòa (Bình Giang) về việc tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) không đúng quy trình kỹ thuật làm cho các hố tiêu hủy bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Bà Phạm Thị Tình ở đây cho biết: "Từ nhà tôi ra khu vực tiêu hủy lợn chết chỉ hơn 100 m. Chỉ có một đoạn đường mà có tới 6-7 hố tiêu hủy nằm liền nhau. Các hố tiêu hủy liên tục bốc mùi thối do xác lợn phân hủy. Chúng tôi không dám mở cửa sổ vì cứ động gió là mùi thối lại đưa vào trong nhà. Nhiều hôm đang ăn cơm, mùi thối theo gió xộc vào làm cả nhà phải bỏ bữa. Không riêng nhà tôi, những người đi làm đồng ở khu vực này cũng phát ốm vì mùi lợn chết". 

Không chỉ người dân sống ở khu vực này, các cháu học sinh đi qua đây cũng rất khó chịu bởi mùi thối bốc ra từ những hố tiêu hủy. Em Lê Văn Luân, học sinh lớp 10, Trường THPT Bình Giang cho biết: "Hằng ngày, em và một số bạn vẫn đi tắt qua đường này để đến trường. Mấy ngày gần đây, các hố tiêu hủy bốc mùi hôi thối, dù bịt khẩu trang dày cũng không tránh được mùi. Bây giờ đến trường em và các bạn không dám đi đường này nữa". Theo người dân trong làng, dù đây là đường nội đồng nhưng gần như là đường chính vì nối với đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên có rất đông người qua lại.

Không chỉ các hố tiêu hủy lợn bốc mùi hôi thối, người dân còn phản ánh tình trạng một số xe chở lợn bị bệnh DTLCP đi tiêu hủy từ nơi khác qua thôn nhưng không bảo đảm các điều kiện theo quy định. Mỗi khi có xe chở lợn bị dịch chạy qua làng, người dân lại lo lắng bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh DTLCP. Thôn Trâm Mòi hiện đã có lợn chết do bệnh dịch này ở hơn 10 hộ. 


Xác lợn đang trong quá trình phân hủy bị vứt lăn lóc ở đường đi

Theo quan sát của chúng tôi, ở đoạn đường nội đồng thuộc cánh đồng thôn Trâm Mòi có 5-6 hố tiêu hủy lợn, mỗi hố cách nhau khoảng 10 m. Vôi bột dùng để khử trùng được rắc nham nhở trên mặt đất, một số hố được rắc vôi bột xung quanh, có hố không rắc vôi. Các hố được đào ngay cạnh mương dẫn nước và đều không cắm biển cảnh báo, lấp đất theo đúng cách. Nước từ hố chôn rỉ ra bên ngoài ruồi nhặng bu kín. Ngay cạnh hố, bao chứa xác của 1 con lợn đang trong quá trình phân hủy bị vứt lăn lóc. Một hố tiêu hủy đã được đào sẵn. Tại khu vực này bốc lên mùi hôi thối.

Theo quy định của ngành thú y, việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh phải được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt để tránh gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, hố sau khi đào phải được rải một lớp vôi bột xuống đáy khoảng 1 kg vôi/m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt. Khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu 0,5 m. Lớp đất phủ bên trên bao chứa phải dày ít nhất 1 m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào trong gây sụt lún hố chôn.

Theo anh Chu Văn Vinh, Phó Trưởng Ban Thú y xã Thái Hòa, thông thường lợn bị dịch ở thôn nào thì tiêu hủy ở thôn đấy, nhưng do nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, số lượng tiêu hủy chỉ vài con nên được gộp chung với hộ có lợn tiêu hủy ở thôn khác. Xã cũng rất khó khăn khi tìm vị trí để tiêu hủy lợn bệnh. Ở một số thôn, lợn bệnh được tiêu hủy ở bãi rác. Riêng thôn Trâm Mòi, lợn được tiêu hủy ở đường nội đồng của thôn. Vị trí tiêu hủy phải ở các đường nội đồng lớn để máy xúc và ô tô có thể vận chuyển lợn đến tiêu hủy. "Việc đào hố và chôn lấp được thực hiện hoàn toàn bằng máy. Khi tiêu hủy, chúng tôi đã đổ cả vôi cục vào hố để xử lý. Việc một số hố chôn lấp bị bốc mùi có thể do mưa lớn làm hố bị sụt lún, nứt vỡ. Một số hố chôn chưa được rắc vôi khử trùng do đại lý cung cấp vôi hết hàng. Ngay khi có vôi, chúng tôi sẽ bổ sung cho các hố tiêu hủy và lấp đất ở các hố bị nứt vỡ". 

Xã Thái Hòa có nhiều hộ nuôi lợn bị nhiễm bệnh DTLCP nhất huyện Bình Giang. Chỉ từ ngày 8.3 đến nay toàn xã có gần 60 hộ ở cả 6 thôn có lợn bị bệnh DTLCP, đã có gần 500 con lợn với tổng trọng lượng hơn 33 tấn phải tiêu hủy. Toàn xã có 226 hộ chăn nuôi lợn với hơn 5.000 con. Hiện bệnh DTLCP diễn biến phức tạp và lan nhanh. Do vậy, xã cần thực hiện nghiêm ngặt việc tiêu hủy lợn, tránh lơ là trong phòng chống dịch bệnh gây bức xúc trong nhân dân. 

        PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức xúc vì hố tiêu hủy lợn bốc mùi hôi thối