Điều tiết tiền sử dụng đất bảo đảm công bằng, hợp lý

07/12/2018 09:28

Kỳ họp HĐND tỉnh lần này sẽ bàn việc điều tiết tiền sử dụng đất (SDĐ) cho phù hợp thực tế, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Thay đổi tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất giúp ngân sách huyện chủ động hỗ trợ các xã khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản

Cần điều chỉnh

Ông Phạm Quang Hưng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, 2018 là năm thứ hai Hải Dương thực hiện tự chủ thu, chi ngân sách. Từ khi thực hiện tự chủ, ngân sách cấp tỉnh luôn hụt thu trong khi ngân sách cấp huyện tăng cao, tập trung chủ yếu ở thu tiền SDĐ. Theo quy định tại Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND ngày 9.12.2016 của HĐND tỉnh, tiền SDĐ được điều tiết theo tỷ lệ: ngân sách xã 60%, ngân sách huyện 30% và ngân sách tỉnh 10% (đối với thị trấn tỷ lệ này lần lượt là ngân sách thị trấn 45%, huyện 45% và tỉnh 10%). Thực tế cho thấy số thu tiền SDĐ tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn có vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần các trục đường giao thông lớn. Những địa phương này về cơ bản đã xây dựng được cơ sở vật chất đầy đủ, đạt được hầu hết các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngược lại, nhiều địa phương ở vị trí không thuận lợi nên sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, việc tổ chức đấu giá quyền SDĐ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế thấp, nên khó bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng NTM.

Việc thay đổi tỷ lệ điều tiết cũng căn cứ vào công văn số 8067/BTC-NSNN ngày 5.7.2018 của Bộ Tài chính về tháo gỡ một số vướng mắc trong quản lý, sử dụng tiền SDĐ, tiền thuê đất. Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ: theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất đấu giá hoặc khu đất tái định cư phải lập dự toán thu, chi ngân sách; trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh số thu phải nộp ngân sách và thực hiện chi theo dự toán được duyệt; không được để lại ghi thu, ghi chi quản lý qua ngân sách, không được khấu trừ trực tiếp tiền SDĐ để thanh toán cho việc xây dựng hạ tầng khu đất trước khi nộp vào ngân sách. Trước đây, các huyện, xã được ghi thu, ghi chi đối với kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, sau đó mới nộp vào ngân sách để điều tiết, dễ đấu giá đất tràn lan, sử dụng nguồn lực lãng phí, không hiệu quả, khó kiểm soát.

Từ năm 2010 đến nay, để khuyến khích đẩy nhanh việc thu tiền từ đất dôi dư, xen kẹp, tỉnh đã có chủ trương điều tiết 100% tiền đất dôi dư cho ngân sách cấp xã; đất xen kẹp điều tiết 50% cho ngân sách xã, 50% cho ngân sách huyện. Từ khi có chủ trương này, các xã, thị trấn đã xử lý đất dôi dư, xen kẹp khá hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, nhiều địa phương chưa giải quyết được những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện thu tiền đất dôi dư, xen kẹp do đơn giá áp dụng cao, tâm lý người dân không muốn làm thủ tục để chuyển mục đích thành đất ở. Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác quản lý đất đai, quy hoạch SDĐ, kiểm tra, quản lý tổng số thu tiền SDĐ trên địa bàn tỉnh giữa các cấp ngân sách và các loại đất, cần thực hiện điều tiết về ngân sách tỉnh, huyện để thực hiện nhiệm vụ trên.

Thay đổi tỷ lệ điều tiết

Để bảo đảm điều hòa nguồn lực đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn các huyện, chia sẻ nguồn lực giữa những xã đã đạt chuẩn NTM với những xã chưa đạt, cần thay đổi tỷ lệ điều tiết tiền SDĐ cho các địa phương. Việc thay đổi này giúp tập trung nguồn lực về ngân sách cấp huyện thực hiện phân bổ đầu tư xây dựng cơ bản cho các xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó ưu tiên cho các xã khó khăn trong xây dựng NTM. Phương án được HĐND tỉnh bàn lần này là thực hiện hạch toán thu vào ngân sách toàn bộ số thu tiền SDĐ, sau đó UBND cấp huyện sử dụng phần kinh phí được hưởng để đầu tư cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, quy hoạch một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất. Phần ngân sách còn lại bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung hỗ trợ cho các xã chưa đạt NTM. Đối với tiền SDĐ, phương án sửa đổi tỷ lệ điều tiết được thực hiện theo hướng giữ nguyên tỷ lệ điều tiết về ngân sách tỉnh 10%, tăng tỷ lệ điều tiết về ngân sách cấp huyện để UBND cấp huyện có trách nhiệm cân đối phân bổ chi dự toán đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu tiền SDĐ cho chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng và quy hoạch hạ tầng. Cụ thể, đất thuộc khu vực thị trấn sẽ được điều tiết cho ngân sách cấp xã 20%, ngân sách huyện 70% và ngân sách tỉnh 10%. Đất thuộc khu vực xã sẽ được điều tiết 30% cho ngân sách xã, 60% cho ngân sách huyện và 10% cho ngân sách tỉnh. Đối với đất dôi dư, điều tiết 80% cho ngân sách xã, 10% cho ngân sách huyện, 10% cho ngân sách tỉnh. Đất xen kẹp điều tiết 50% cho ngân sách xã, 40% cho ngân sách huyện và 10% cho ngân sách tỉnh.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều tiết tiền sử dụng đất bảo đảm công bằng, hợp lý