Xung quanh chúng ta có biết bao mảnh đời gặp khó khăn, bất hạnh. Bất chợt tôi lại cảm thấy cay cay khóe mắt khi nghĩ đến một bà lão nghèo khổ, ốm đau ở cùng xóm.
Xung quanh chúng ta có biết bao mảnh đời gặp khó khăn, bất hạnh. Bất chợt tôi lại cảm thấy cay cay khóe mắt khi nghĩ đến một bà lão nghèo khổ, ốm đau ở cùng xóm. Tôi cũng cảm thấy vui và thanh thản khi được chứng kiến bàn tay nhẹ nhàng chở che, giúp đỡ để bà lão vơi đi những nhọc nhằn. Tinh thần “Lá lành đùm lá rách” không ở đâu xa mà tôi đã bắt gặp nhiều lần trong chính ngôi nhà của mình.
Trước cửa nhà tôi là con đường nhựa khá rộng nên sáng nào cũng có rất nhiều bà mua đồng nát, sắt vụn với hai cái sọt sau xe đạp đi qua. Vậy mà không bao giờ mẹ tôi gọi họ vào để bán những đồ lặt vặt, những cái quạt hỏng hay giấy vụn. Mẹ cứ để dành những vỏ lon bia, lon nước ngọt, bìa các tông... đầy một bao rồi gọi bà Mực đến lấy. Mẹ không chỉ cho bà Mực mấy đồ bỏ đi ấy mà lần nào bà đến mẹ cũng gom những đôi dép, đôi giầy hay quần áo đã chật nhưng còn lành lặn của tôi và em gái tôi, gấp vuông vắn để bà ấy đem về cho hai đứa cháu dùng. Lúc đầu tôi thắc mắc vì sao mẹ làm như thế vì nhà tôi và nhà bà Mực không hề có họ hàng. Nhưng từ khi mẹ kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của bà Mực thì tôi còn muốn giúp đỡ bà nhiều hơn thế.
Bà Mực chỉ có một thân một mình mà phải nuôi hai đứa cháu ngoại đang tuổi ăn tuổi học vì con gái bà bỏ đi biệt tích mấy năm nay rồi. Bà bị bệnh khớp nên thi thoảng trái gió trở trời lại ốm đau. Lúc khỏe, bà đi làm thuê làm mướn, buôn thúng bán mẹt, rồi thu mua sắt vụn, vất vả, cơ cực mà vẫn bữa no bữa đói. Vì vậy, mỗi khi bà đến nhà, mẹ tôi lại biếu bà một ít tiền để bà thêm vào mua thuốc. Cứ hết năm học, mẹ lại nhắc anh em tôi soạn sách cũ, gói ghém cẩn thận để bà Mực mang về cho cháu. Tôi vui vẻ làm theo lời mẹ vì mẹ bảo: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tôi cũng hiểu điều đó rất có ý nghĩa vì nhiều lần cô giáo khuyên chúng tôi phải biết thương người, phải biết quan tâm đến những người có cảnh ngộ éo le, khổ cực.
Hôm nay, nhìn bà Mực sung sướng nhận bọc quần áo mùa đông đã cũ từ tay tôi, rồi luôn miệng nói lời “Cảm ơn gia đình” mà tôi thấy xúc động vô cùng. Nhờ mẹ mà tôi biết thế nào là “Thương người như thể thương thân”. Vì vậy, tôi sẽ noi gương mẹ để làm nhiều việc có ý nghĩa đối với những người nghèo khó ở xung quanh mình. Tôi tin rằng trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta giúp đỡ được người khác cũng là một cách tạo niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình. Điều giản dị ấy không phải ai cũng nhận ra.
VƯƠNG TUẤN KHANH(Lớp 6C, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)