Diễn viên Hồng Ánh: "Giờ đây, tôi rất thương những người phụ nữ trầm cảm"

08/08/2021 07:55

Cô Hạnh của phim 'Cây táo nở hoa' chia sẻ, những biến cố của cuộc đời chị đều liên quan đến việc mất đi người thân, người thương, còn lại, chị thấy cuộc đời mình bình yên.

Hồng Ánh: “Tôi cũng sợ bị nói vào vai nhiều nhân vật có số phận, cam chịu, mang màu sắc giống nhau. Nhưng hóa thân vào các vai diễn đó, tôi luôn nhạy cảm với những gì liên quan đến con người”

Khi Hồng Ánh đang trò chuyện cho bài phỏng vấn này, một nữ khán giả nhận ra chị, đến chào thân thiện và gọi chị là "cô Hạnh của Cây táo nở hoa". Một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng là minh chứng cho việc chị lại có thêm một vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp diễn xuất.

Trong cuộc trò chuyện, Hồng Ánh nhìn lại những vai phụ nữ truân chuyên mà chị đã hóa thân.

Cô Hạnh có thể hạnh phúc, phụ nữ ngoài đời thì sao?

* Vai diễn Hạnh, người phụ nữ Việt Nam khổ sở, thiệt thòi trong "Cây táo nở hoa", để lại cảm giác gì trong chị?

- Cô ấy đúng nghĩa là người phụ nữ hết lòng, hết mình vì chồng con hay những người mình yêu thương. Tôi thấy điều đó ở nhiều phụ nữ Việt Nam khi họ đặt máu mủ, huyết thống lên trên hết.

Đó có thể là mẫu phụ nữ điển hình ở thời trước, thế hệ bố mẹ của thanh niên hiện nay, còn với thế hệ 9X thì tôi không biết có còn điển hình không.

Cô Hạnh có thể có kết thúc hạnh phúc, nhìn vào tên phim chúng ta cũng có thể đoán được. Nhưng những người phụ nữ ngoài đời thì sao?

Điều đó còn phụ thuộc vào chọn lựa của họ. Người ta chỉ giải thoát cho nhau khi không còn yêu nhau, nếu chửi bới, giận hờn bình thường thì vẫn có thể vượt qua, nhưng đáng sợ nhất là mất hết cảm giác yêu thương.

* Điều gì ở cô Hạnh khiến chị thấy đáng thương nhất và đáng trách nhất?

- Cô ấy không phải là người có tâm hồn nhạy cảm nhưng lại hồn nhiên. Phần lớn mọi người trách người chồng Ngọc (Thái Hòa) nhu nhược, mù quáng nhưng bản thân cô Hạnh cũng không tế nhị trong những vấn đề chung của gia đình.

Gia đình như một xã hội, giới nào cũng có, tuổi nào cũng có, họ gắn kết được vì tình yêu thương rất lớn. Cô Hạnh cố gắng tâm lý với con cái nhưng còn ngô nghê và máy móc. Về sau cô cũng cố gắng khắc phục, lên mạng đọc, lén đi mua bao cao su rồi gí vào mặt con. Hành động đó rất buồn cười.

Cô Hạnh đòi hỏi nhiều ở anh Ngọc nhưng chưa đặt mình ở vị trí của anh ấy. Cô ấy nên chủ động hơn, cùng anh tìm giải pháp. Nhưng cuộc trò chuyện giữa họ thường kết thúc bằng một câu dỗi, rồi cô ấy lại lo lắng cho chồng, mọi thứ lặp đi lặp lại.

Về sau, những biến cố khiến người trong cuộc phải nhìn lại mình.

* Trước đây, vai cô giáo Hạnh trong phim "Trăng nơi đáy giếng của chị" cũng khiến một thế hệ thổn thức, thậm chí bức xúc vì sao lại có người đàn bà dâng hiến mọi thứ cho chồng, hầu chồng, tìm vợ cho chồng, quên cả bản thân mình như vậy?

- Hai cô Hạnh mà tôi đóng đều có điểm chung là khi đã yêu thì bất chấp. Cô Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng còn mù quáng hơn. Nhưng cô Hạnh trong Cây táo nở hoa không bế tắc, cô ấy vẫn có tình yêu thương của chồng, chỉ là những mâu thuẫn trong đời sống.

Còn bi kịch của cô Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng mới thật kinh khủng, không lối thoát, đến nỗi cô ấy phải nương tựa vào thế giới tâm linh. Mối quan hệ vợ chồng không còn tình yêu nữa, chỉ một chiều. Đây chính là nhân vật ám ảnh tôi lâu nhất. Số phận nhân vật quá xa với đời sống của tôi.

Tôi không bao giờ có thể kiếm vợ cho chồng, dù trong thực tế tôi sống cùng con chồng.

Trước đây tôi cũng không hiểu những người có bệnh lý về tâm lý, trầm cảm. Nhưng giờ đây, gặp những người như vậy tôi rất thương và hiểu.

Hồng Ánh và Thái Hòa trong “Cây táo nở hoa” - Ảnh: VIE

Sợ bị "đóng đinh" vào dạng nhân vật cam chịu

* Cô Giao trong "Thung lũng hoang vắng", cô Tâm trong "Đời cát", cô Quỳ trong "Người đàn bà mộng du", cô Lan trong "Tâm hồn mẹ"... Có người từng nói trong điện ảnh Việt Nam, chỉ có Hồng Ánh đảm nhận được nhiều vai nữ có số phận đặc biệt qua nhiều phim như vậy. Chị nghĩ sao?

- Cô Giao là nữ giáo viên cần yêu, muốn yêu, muốn sống, và khi bị bỏ rơi thì cô quyết định sống tiếp cuộc đời mình. Hồi đó, trong suy nghĩ của tôi, cô giáo là phải thế này, thế kia, nhưng sau này khi tôi có người yêu, bắt đầu tìm hiểu về giới tính, tình dục thì tôi nhận ra những nhu cầu của cô ấy rất đời, rất con người.

Cô Tâm trong Đời cát, tôi chưa bao giờ gặp lý do gì lớn lao đến nỗi phải chung chồng, tôi cũng chưa từng trải qua thời chiến. Nếu trong thời bình thì mình sẽ không bao giờ hy sinh như thế. Lúc đóng vai này tôi mới 22 tuổi, tôi rất khó đặt mình vào nhân vật nhưng chịu khó lắng nghe để hiểu vai diễn.

Tôi cũng sợ bị nói vào vai nhiều nhân vật có số phận, cam chịu, mang màu sắc giống nhau. Nhưng hóa thân vào các vai diễn đó, tôi luôn tò mò với những điều xảy ra xung quanh và luôn nhạy cảm với những gì liên quan đến con người.

Trí tưởng tượng của tôi cũng phong phú hơn nhờ tôi thích đọc sách văn học, sách về thế giới, cây cối, môi trường. Sách tiểu thuyết cho chúng ta hiểu thêm về con người.

* Trong phim là vậy, còn ngoài đời chị có những trải nghiệm mất mát như các nhân vật của mình?

- Những biến cố của tôi đều liên quan đến việc mất đi người thân, mất đi một người nào đó mình rất thương. Còn lại, tôi thấy cuộc đời mình bình yên. Hồi nhỏ, gia đình ai cũng nghèo, nhưng tôi không thấy thiếu thốn vì nhu cầu đơn giản.

Diễn viên trẻ đang làm "đúng, đủ, nhưng chưa sâu"

* Tại sao điện ảnh Việt hiện nay không còn những vai nữ có nội tâm, số phận khiến khán giả kinh ngạc như vậy nữa?

- Thời tôi vào nghề là giai đoạn thoái trào của phim thị trường video, còn điện ảnh nhà nước thì rất khó khăn.

Thế nhưng, không hiểu sao điện ảnh thời kỳ đó vẫn có được những bộ phim rất sâu sắc. Chắc phải mất một thời gian nữa, điện ảnh Việt Nam mới tạo ra được thêm những nhân vật điển hình và chạm đến nhiều tầng cảm xúc của khán giả tinh tế.

* Các vai diễn nữ trong điện ảnh Việt Nam hiện nay đang có nhược điểm gì?

- Các nhân vật bị đơn giản hóa, giống nhau từ tạo hình đến biểu cảm. Tôi sợ nhất là những vai diễn không dở mà cũng không hay. Điều này không phải do khả năng diễn viên mà do nằm trong nội tại câu chuyện, số phận nhân vật được viết ra, cộng với cách cảm của người diễn viên.

Cùng là một ánh nhìn nhưng cần làm sao để khán giả đọc được suy nghĩ của nhân vật mà không cần nói lời nào.

Có những ánh nhìn rất ám ảnh, như Lương Triều Vỹ chẳng hạn. Trái lại, có những nhân vật chúng ta thấy họ khóc nhưng không thấy chiều sâu đằng sau giọt nước mắt đó.

Các bạn trẻ đang làm đúng, đủ, nhưng chưa sâu.

Hạn chế thời gian vào mạng xã hội

* Trong đợt giãn cách kéo dài này, chị làm gì để không buồn chán?

- Tôi tìm niềm vui trong những hoạt động ở nhà hằng ngày như nấu ăn, chăm sóc gia đình, chăm sóc chó mèo, tập yoga, xem những bộ phim hay và đọc những cuốn sách trước đây mình chưa có thời gian đọc.

Tôi tham gia các khóa học trên mạng như xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, kinh doanh online, bổ sung những kiến thức mình chưa có, biết đâu sau này cần đến.

Đặc biệt, mọi người nên cài chế độ khóa trên điện thoại để hạn chế thời gian vào mạng xã hội, phải "cai" mạng xã hội. Việc chơi với chó mèo cũng giúp tôi giảm stress, giảm thời lượng lên mạng.

Học online cũng vậy, những lúc học tôi đóng hẳn Facebook lại để dành sự tập trung cho chương trình học. Mình nên làm những điều có ích như vậy thay vì lên Facebook đọc những cuộc tranh luận chí chóe.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn viên Hồng Ánh: "Giờ đây, tôi rất thương những người phụ nữ trầm cảm"