Phải đợi tới khi có điểm thi và quá trình xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ thì mới có kết luận đầy đủ và chính xác.
Trả lời câu hỏi “Đâu là thước đo đánh giá một kỳ thi đã tổ chức thành công kỳ thi”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, nói phải đợi tới khi có điểm thi và quá trình xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ thì mới có kết luận đầy đủ và chính xác.
Không phân biệt giữa cụm thi đại học và cụm địa phương
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc coi thi ở cụm thi địa phương sẽ lỏng hơn cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh khẳng định sự nghiêm túc giữa cụm thi do các trường ĐH và cụm địa phương chủ trì là như nhau. Tại các cụm thi địa phương đều có sự tham gia của các trường ĐH để giám sát và có sự kiểm tra thanh tra của Bộ, UBND địa phương và các Sở GD&ĐT.
Bộ không phân biệt 2 cụm thi này, vì thực chất 2 cụm thi chỉ khác nhau về địa điểm, còn quy trình xử lý vi phạm (nếu có) của 2 cụm thi là như nhau.
Lý giải việc chọn tổ chức thi vào đầu tháng 7 khi thời tiết nắng nóng, ông Trinh cho hay, quá trình chọn thời điểm tổ chức kỳ thi có những chuyện ngoài tầm kiểm soát của Bộ, chẳng hạn câu chuyện nắng nóng bất thường.
Vì thế, sau kỳ thi này, Bộ sẽ cùng địa phương, các trường rút kinh nghiệm.
Xung quanh câu chuyện có một số điểm thi chỉ có 1 thí sinh/1 phòng thi (môn Lịch sử), theo ông Trinh điều này đã từng xảy ra trong vài năm gần đây khi Bộ cho phép thí sinh tự chọn môn thi.
Điều này là hoàn toàn bình thường vì các em có quyền lựa chọn môn thi theo sở trường, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của mình, đồng thời phù hợp với chủ trương thay đổi cách dạy, cách học.
Việc tự chọn như trên đã khiến môn thi phân bố không đều, nên dù chỉ có 1 thí sinh thi thì vẫn phải có đủ 20 người phục vụ (gồm giám thị coi thi, an ninh, phục vụ, thư ký…). Nhưng để tạo điều kiện cho thí sinh, Ban Chỉ đạo đã không gom tất cả các thi sinh thi riêng lẻ về thi ở một điểm.
Trả lời câu hỏi “Đâu là thước đo đánh giá một kỳ thi đã tổ chức thành công kỳ thi”, ông Trinh nói phải đợi tới khi có điểm thi và quá trình xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ thì mới có kết luận đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, nếu theo cảm nhận bên ngoài, có thể dễ dàng nhận thấy kỳ thi năm nay không tái diễn hiện tượng lộn xộn, bát nháo trong phòng thi như trước, trường thi sạch sẽ hơn, không còn hiện tượng phao thi trắng trường...
Nếu căn cứ vào số lượng thí sinh bị đình chỉ thi (khá lớn) để nói kỳ thi chưa nghiêm túc là không chính xác. Nhiều em bị đình chỉ thi chứng tỏ chúng ta làm nghiêm quy chế, chứ không phải do kỳ thi nhiều tiêu cực, ông Trinh nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm vi phạm
Về việc có thông tin lộ đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển cho biết ngay sau khi nhận thông tin, Bộ đã chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thi của Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Sư phạm Hà Nội tăng cường công tác coi thi ở điểm thi đó, đồng thời mời cơ quan công an điều tra, làm rõ sự việc.
“Hiện nay chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức của cơ quan điều tra. Tuy nhiên khi có kết luận chính xác về vụ việc, Bộ sẽ xử lý theo quy chế, nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ để cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật”, ông Hiển cho hay.
Về mức điểm đề thi cũng như độ phân hóa của đề, ông Hiển cho rằng mỗi người tiếp cận đánh giá đề thi theo nhiều cách khác nhau. Đề thi năm nay không thể so sánh với đề tốt nghiệp và đề thi vào ĐH năm 2014 vì mục đích của 2 kỳ thi này là khác nhau.
Theo ông Nguyễn Minh Hiển, thành công bước đầu của đề thi trong kỳ thi này là không làm khó, không gây sốc, không sai sót, hoàn toàn nằm trong chương trình học và phân hóa tốt thí sinh, từ đó góp phần phân luồng nghề nghiệp ngay từ lúc thi.
Theo VGP