Dù mang lại những lợi ích thiết thực cho cả cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân nhưng hiện nay, tỷ lệ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 còn thấp.
Đến nay, Sở Công thương có 31 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Dù có nhiều tiện lợi song vẫn còn nhiều địa phương, nhất là ở cấp huyện, xã việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) còn gặp nhiều khó khăn.
Nhanh, tiện Trước đây, mỗi lần Công ty TNHH Nestlé Việt Nam có trụ sở tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) làm các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh phải mất từ 5 - 7 ngày để gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới Sở Công thương. Trường hợp hồ sơ bị thiếu, phải trả lại bổ sung có khi mất tới 2 tuần, thậm chí người đại diện pháp luật của công ty phải trực tiếp đến đơn vị tiếp nhận để nộp hồ sơ. Nhưng hơn 1 năm nay, việc này đã được Công ty TNHH Nestlé Việt Nam thực hiện qua DVCTT. Gần đây nhất vào tháng 7.2021, công ty đã gửi hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại trực tuyến qua Cổng DVCTT của tỉnh. Trong chưa đầy 3 ngày, Sở Công thương đã giải quyết xong hồ sơ và có giấy xác nhận trả lời, sớm hơn 2 ngày so với quy định.
Giữa tháng 10 vừa qua, anh Lưu Xuân Tài (ở phường Hải Tân, TP Hải Dương) cần làm thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc. Qua tìm hiểu anh được biết thủ tục này đã được phường Hải Tân giải quyết trực tuyến thông qua Cổng DVCTT của tỉnh nên anh đã nộp hồ sơ trực tuyến. Không mất nhiều thời gian, không phải đến trực tiếp, hồ sơ của anh đã được phường Hải Tân tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng.
Theo niêm yết tại Cổng DVCTT của tỉnh, đến ngày 9.12, toàn tỉnh cung cấp 1.903 dịch vụ công, trong đó có 376 thủ tục hành chính có thể giải quyết theo mức độ 4, chiếm 19,75%. Đến nay, hàng loạt sở, ngành, địa phương đã công bố các danh mục thủ tục hành chính thực hiện DVCTT mức độ 4. Số lượng hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Huyện cao nhất mới đạt 16%Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã dù đã được công bố có thể giải quyết trực tuyến theo mức độ 4 nhưng số lượng hồ sơ phát sinh rất ít.
Thời gian qua, các địa phương, đơn vị đã tích cực vào cuộc, tổ chức nhiều hội nghị triển khai, in tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; nâng cấp phần mềm, thiết bị phục vụ. Cuối tháng 11, Cổng DVCTT của tỉnh đã được kết nối với hệ thống thông tin của các bộ, ngành quản lý, đưa vào sử dụng, khai thác dữ liệu đồng bộ. Việc kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa tỉnh và các bộ, ngành giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện cơ sở vật chất, thiết bị, con người phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua DVCTT đều bảo đảm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng vướng nhất vẫn phụ thuộc vào các tổ chức, cá nhân.
Đến ngày 9.12, huyện Gia Lộc có trên 4.200 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm trên 16% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Hiện huyện Gia Lộc cũng là địa phương dẫn đầu cấp huyện trong tỉnh về tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính thông qua DVCTT. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu tỉnh giao thì đến nay huyện Gia Lộc cũng vẫn chưa đạt (tỉnh giao năm 2021 tối thiểu từ 20% trở lên). Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết khó khăn lớn nhất vẫn phụ thuộc vào tâm lý, thói quen của tổ chức, cá nhân. Thông thường, người dân vẫn có thói quen đến trực tiếp cơ quan nhà nước để làm TTHC, nếu có vướng mắc gì sẽ được hỏi, hướng dẫn cụ thể ngay. Đối với cấp xã, việc thực hiện DVCTT mức độ 3 đã khó, mức độ 4 còn khó khăn hơn rất nhiều bởi hiện số người dân có tài khoản ngân hàng còn ít, nên hồ sơ phát sinh mức độ 4 thuộc thẩm quyền cấp xã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các thủ tục hành chính người dân thực hiện DVCTT chủ yếu là chứng thực giấy tờ. Đây là những thủ tục có ít bước thực hiện và thao tác đơn giản.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Trần Phú (TP Hải Dương) cho biết hiện phường có 17 thủ tục hành chính có thể thực hiện DVCTT mức độ4, song đến nay phường chưa phát sinh hồ sơ nào và mới có trên 600 hồ sơ trực tuyến mức độ3 trong gần 10.000 hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết. Theo bà Hà, hiện hệ thống phần mềm, trang thiết bị đều sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải quyết trực tuyến nhưng khó khăn lớn nhất trong thực hiện DVCTT mức độ 3 và 4 hiện nay lại phụ thuộc vào người dân. Người dân hiện vẫn lựa chọn hình thức trực tiếp nhiều hơn bởi phường có khá đông người cao tuổi nên chưa tiếp cận được DVCTT. Ngoài ra, nhiều người chưa sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, không tạo được tài khoản để đăng nhập hệ thống dịch vụ...
HÀ VY
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến ngày 8.12, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 650.000 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, trong đó gần 25.000 hồ sơ thực hiện giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 3,85%. Hầu hết các sở, ngành đều bảo đảm chỉ tiêu tỉnh giao năm 2021 về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thông qua DVCTT mức độ 3 và 4 nhưng cấp huyện chưa có đơn vị nào bảo đảm chỉ tiêu. Riêng huyện Ninh Giang chưa có bất cứ hồ sơ phát sinh nào giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4; huyện Thanh Miện mới có 1 hồ sơ, huyện Thanh Hà có 2 hồ sơ... |