Mỹ sẽ siết chặt việc xuất khẩu các mặt hàng bảo hộ y tế như khẩu trang, găng tay để sử dụng trong nước. Trong khi đó, các nước tâm dịch Covid-19 ở châu Âu kéo dài biện pháp phong tỏa.
Người cao tuổi Mỹ tập thể dục trên ban công một khu nhà ở California ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS
Theo số liệu trên trang thống kê worldometers.info, tính đến rạng sáng 9.4 theo giờ Việt Nam, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.507.846 trường hợp, tăng 76.865 trường hợp so với một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong vì Covid-19 cũng đã lên tới 88.165 người, tăng 6.129 người sau 24 giờ.
Trong số các nước, Mỹ dẫn đầu về tổng số ca mắc bệnh (426.300 người, tăng 25.965 ca so với một ngày trước), số ca tử vong trong ngày (1.781 người) và cả số ca bệnh đang phải điều trị (389.445 người).
Mỹ chặn xuất khẩu thiết bị y tế
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) ngày 8.4 cho biết sẽ thu giữ toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu là các thiết bị bảo hộ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở nước này.
Các mặt hàng thuộc diện bị thu giữ gồm mặt nạ chống độc, khẩu trang phẫu thuật và găng tay phẫu thuật. Sau khi thu giữ, Fema sẽ xem xét số hàng nào được giữ lại để sử dụng trong nước và số hàng nào được phép xuất khẩu. Quy định thu giữ và kiểm tra hàng xuất khẩu của Fema sẽ có hiệu lực từ ngày 10.4 tới 10.8.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump kích hoạt đạo luật sản xuất quốc phòng trong nỗ lực giảm bớt tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế cung cấp cho đội ngũ y bác sĩ và bệnh viện.
Tình trạng này đã dẫn đến một các "tranh giành" giữa một số bang và thành phố ở Mỹ trong thời gian qua, buộc Tổng thống Trump phải chỉ đạo các cơ quan liên bang dùng quyền cần thiết để thu giữ những thiết bị y tế đang có nhu cầu cao tại Mỹ.
Mỹ hiện có hơn 425.000 ca mắc Covid-19 và ít nhất 14.600 ca tử vong.
New York treo cờ rủ
Tâm dịch New York của Mỹ để cờ rủ toàn bang sau khi số ghi nhận tổng cộng 6.298 ca tử vong do Covid-19.
Thống đốc Andrew Cuomo cho biết tuy số người tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, song số người nhập viện đã cho thấy mức độ lây lan của đại dịch có chút giảm tại New York. Ông cũng bày tỏ lạc quan nếu tỷ lệ nhập viện tiếp tục giảm thì hệ thống y tế của tiểu bang sẽ vận hành ổn định trong khoảng 2 tuần tới.
Tàu sân bay Pháp nghi có ca nhiễm
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã phải ngừng sứ mệnh ở Biển Bắc để quay trở về nước sau khi phát hiện khoảng 40 trường hợp nghi mắc Covid-19 ở trên tàu.
Bộ Các lực lượng vũ trang Pháp ngày 8.4 ra thông cáo cho biết "khoảng 40 thành viên thủy thủ đoàn có các triệu chứng giống như bị mắc Covid-19. Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp nào nguy kịch".
Một nhóm chuyên gia về dịch bệnh thuộc lực lượng quân y Pháp đã được đưa lên tàu để kiểm tra sức khoẻ của 1.760 thành viên thủy thủ đoàn.
Châu Âu: một số nước kéo dài phong tỏa
Pháp, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 với hơn 10.000 ca tử vong, sẽ kéo dài biện pháp phong tỏa toàn quốc đến ngày 15.4. Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng các biện pháp phong tỏa đang giúp kềm chế dịch lây lan và đây chưa phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế.
Theo Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga, các biện pháp chống dịch thực hiện tốt và hiện có hiệu quả như mong muốn.Tốc độ lây lan dịch đã chậm lại trong những ngày gần đây."Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng chưa đi đến đích"- ông Sommaruga nói.
Tại Ý, thủ tướng Giuseppe Conte bác bỏ những lời kêu gọi nới lỏng phong tỏa của các doanh nghiệp nhằm cho phép người lao động trở lại làm việc.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy trì lệnh hạn chế đi lại trong khu vực Schengen ít nhất đến ngày 15.5.
Theo Ủy viên châu Âu Margaritis Schinas, toàn bộ các nước thành viên khối Schengen phải thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế tương tác trong cộng đồng và làm chậm đà lây lan của virus. Bên cạnh đó, EU cũng cần hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu từ các nước thứ 3 để hỗ trợ cho nỗ lực trên.
Theo Tuổi trẻ