Đi về phía chân trời

02/07/2016 13:33



Minh họa: VĂN HÀ

Tôi rời Việt Nam vào đúng mùa gặt. Cu Cháo nấn ná việc ra đồng cắt lúa, thụt lùi lại sau lưng cậu mợ tôi, đòi sờ bằng được tấm vé máy bay. Lá bùa này giúp anh mọc cánh bay được sang Tây hả, nơi đó có xa không?

Tôi chắc là xa, “không thì anh có thể phi trâu mà sang chứ cần gì phải mua vé”.

Một lần Cháo đi học về nô nghịch chẳng may bị ngã xuống sông, hay tin tôi đã phi trâu băng qua ba cánh đồng nhào xuống sông vớt nó lên. Nhớ lại chuyện cũ sau câu đùa của tôi, Cháo cười mếu máo, anh Đông bay tới đâu chứ? Tôi chỉ tay ra phía rặng tre xa xa, nó tận cuối chân trời đó.  Nhưng mà, em đã biết cưỡi trâu đâu, ai bảo em cưỡi trâu đây, hay chiều nay anh ra đồng dạy em cưỡi trâu nhá, em muốn nằm trên mình trâu nhong nhong về làng với anh. Thực tình tôi không còn tâm trí cưỡi trâu với Cháo trong buổi chiều cuối cùng ở Việt Nam này, tôi đang muốn tìm một người để từ biệt, tôi sắp hết thời gian rồi. Chẳng biết có gặp lại nhau nữa không khi ngày mai tôi đã bay về phía chân trời sau tít tắp những lũy tre kia. Cháo lũn cũn như một cây nấm lùn giữa đường rơm, chạy theo chân bố mẹ, năn nỉ xin cậu mợ tôi cho nghỉ buổi gặt để được cưỡi trâu cùng tôi. Cậu mợ chiều theo ý nguyện của nó, không hề hay biết lòng thằng con trai vừa hai mươi tuổi mụ đang bị xát muối, trâu bò với tôi lúc này thì có ý nghĩa gì chứ, tôi chỉ muốn gặp Hân.

Nhưng trâu chiều nay đã cắt phen, tới nhà ông Huần rồi, chắc cái Hân đã đi chăn trâu. Mười hai nhà chung một con trâu, tới phen thì chăn. Ngày mùa ai cũng mong tới phen trâu để được cày bừa. Nghe nói Hân đang chăn trâu, tôi lập tức vui trở lại, không ngờ trâu bỗng trở thành cầu nối cho tôi gặp Hân. Tôi rối rít, chúng cháu sẽ tìm mượn trâu. Cậu mợ tôi bước ra đồng thoăn thoắt khi nhìn thấy vẻ mặt của tôi không còn chảy xị như trước nữa. Tôi muốn chăn trâu. Tôi muốn dạy cu Cháo cưỡi trâu. Tôi muốn gặp Hân. Tôi sẽ chẳng thể hiểu mình có đi nổi không nếu chẳng gặp được Hân chiều nay.

Tôi ở với cậu mợ từ bé. Mẹ tôi mất ngay sau khi sinh tôi, mẹ tôi băng huyết mà chết, cái đồn Tây đầu làng bị hót gọn sau đêm mẹ sinh tôi. Người ta gọi tôi là Đông tây. Lũ trẻ hay trêu trọc tôi, móc tôi là con lai, mẹ bị cưỡng hiếp sinh ra tôi, thằng mắt xanh lè bọ nẹt kia cút đi về Tây cho rồi. Tôi lao vào chúng như con thiêu thân. Đấm, đá, thụi, bịch, chảy cả máu mồm máu mũi. Hân chạy vào can không được chạy đi gọi cậu mợ giải cứu cho thằng mắt xanh bọ nẹt. Tôi về sốt xình xịch. Cậu mợ phải đi lấy thuốc cho tôi. Khỏi ốm là tôi đồng thời quên đi những vụ ẩu đả, tôi lại cắp cu Cháo ra đầu làng chơi với đám bạn, với Hân. Lúc tôi đi học, mợ cắt cái quần bộ đội của cậu ra làm quần cho tôi, tôi mặc nó năm năm chưa rách, cứ mỗi năm xuống một gấu. Năm ngoái cu Cháo vào lớp một, mợ lại lên gấu cho cu Cháo mặc. Lúc giáp hạt đói kém, cậu mợ ăn khoai khô để nhường cơm cho anh em tôi ăn, người cậu mợ đét như thanh củi, bây giờ vẫn gầy.

Bà con lúp xúp nón trắng trên đồng, lúa cắt tới sát đất để lấy rơm đun đã nằm ngả ra dưới nắng. Cậu đang gánh gánh lúa cao ngất tới cổ quang  băng trên bờ mương tới chỗ xe bò để xếp lúa lên.

Tôi dắt cu Cháo đi vòng ra mương xương cá, tôi không dám nhìn cái lưng cong như đòn gánh của cậu tôi đang gánh việc đời. Lòng tôi nao nao khó tả. Chỉ còn chiều nay. Bây giờ tôi chỉ muốn gặp Hân, chỉ muốn nói chuyện với Hân.

Hân đang chăn trâu dưới bờ sông, vừa chăn trâu, vừa tranh thủ cắt cỏ.

“Ngày mai, Hân có bận không?”. Tôi không hiểu tại sao mình lại hỏi câu ngớ ngẩn đến vậy. Mùa ngập đầu, đến cu Cháo mới gần chục tuổi đã phải ra đồng cắt lúa, huống hồ là Hân. Hân bận hay không thì tôi vẫn cứ đi cơ mà (hồi ấy, người ta không có trào lưu đưa tiễn tới sân bay như bây giờ).
“Mai, nhà em gặt ruộng Đầu Đình. Sao tự dưng anh Đông lại hỏi vậy? Định đi gặt hộ hay sao?”. Tôi đã từng đi gặt hộ nhà Hân. Cậu tôi bảo, mày sang gặt cho nhà ông Huần, đổi lại cậu xin phen trâu cày cho kịp mùa với người ta. Cả buổi gặt tôi chỉ úp mặt xuống ruộng, không dám ho he một tiếng nào với Hân. Đêm về nằm đau gãy lưng. Sáng hôm sau, cậu mợ tôi nhận được lời khen, thằng Đông tây nhà chú cắt lúa nhanh hơn cả con gái, gánh lúa khỏe như trâu, có cháu trai như thế cũng bõ.

Tôi còn chưa biết trả lời Hân, vì chợt nhớ đến câu Hân đã hát trong đêm hội năm ngoái: "Trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em đứng một mình càng xinh", cu Cháo đã liến thoắng: “Anh Đông đi Tây thật rồi, chiều nay chị Hân cho em mượn trâu để anh Đông dạy em cưỡi nhé!”.

Hân lặng người, liềm rơi khỏi tay.

Bố Hân vừa mới tranh thủ cày xong một ruộng, trâu đang liếm vài ngoạm cỏ. Trâu phải ăn nhiều cỏ nữa mới có sức để cho Cháo cưỡi.

Năm ngoái, cậu đã vực tôi biết cày. Đường cày vẹo vọ, xiên xẹo. Lưỡi cày còn suýt vẹn vào chân tôi, con trâu hất vai cày ra, há miệng kêu như thể cười vào mũi tôi. Hân gánh lúa đi qua, rúc rích cười, tôi xấu hổ muốn chui xuống đất, đành trút giận quật roi vào mông trâu, trâu tru tréo, lồng lên, tôi đuổi theo trâu tụt cả chun quần. Trên bờ Hân đã che nón quẩy gánh đi xa, tiếng cười nghiêng cả cánh đồng Đầu Đình.

 Tối ấy, ngoài đình mở hội mừng vào mùa gặt, Hân hát bài “Còn duyên”, lũ trai làng vỗ tay bôm bốp. Thằng Quảng đã hái trộm bó hoa sen dưới ao đình lên tặng, còn nắm trộm tay Hân một cái. Chỉ tôi là ngượng ngùng bởi cái dây quần bị tụt ban chiều làm nhụt ý chí, tôi lỉnh ra gốc đa ngồi, tức điên vì nắm tay Hân bị thằng Quảng đánh cắp.

Nếu tôi không đi, năm nay tôi tất sẽ cày thẳng băng như cậu tôi, lúc ấy Hân gánh lúa qua phải liếc trộm, tôi sẽ tặng hoa cho Hân trong đêm hội vào mùa.

“Anh đi thật phải không?”. Hân chẳng còn sức mà cắt cỏ nữa.

Nắng hất vào mặt hai đứa như táp lửa. Bên bờ sông có bóng râm của một bụi dành dành. Chúng tôi tới đó. Cỏ may đâm vào ống quần Hân. Tôi vẫn mặc quần cộc, cỏ đâm vào da thịt ran rát. Hân ngồi lặng thinh bứt cỏ may, đợi câu trả lời. Trả lời cũng chỉ để trả lời. Hân đang buồn lắm, tôi không dám nhìn vào mắt Hân. “Đại sứ quán đã xác nhận xong. Anh đi để tìm bố anh”. “Vâng. Thế cũng tốt”.

Tôi không biết nữa. Tôi chỉ có cậu mợ là người che chở cho. Mẹ thì mất rồi, chẳng tìm lại được. Tôi muốn tìm bố, từ bé đến giờ, khi chúng bạn lúc nào cũng có bố kè kè thì tôi không, tôi bị chèn ép, bị bắt nạt, bị coi thường. Tôi không muốn bị coi là kẻ không có bố.

Cu Cháo dắt trâu ăn cỏ, mải đuổi theo mấy con châu chấu, ra xa tít cuối đồng.

Hân đã từng chia cho tôi châu chấu nướng, tôi nhường cho Hân mấy ngó sen non. Chúng tôi chén nhèm mép. Đấy là khi còn bé tí, chứ bây giờ Hân lớn, vẻ như chúng tôi lạnh lùng với nhau hơn, không dám chạm tay, không cả dám nhìn thẳng vào mắt nhau. Không dám nói lên điều mình nghĩ. Nhưng không nói thì còn bao giờ mới nói. Chỉ cần nói ra thôi. Tay Hân dính cỏ, rất gần tay tôi, tôi vội vàng nắm lấy: “Hân có nhớ anh không?”.

Một giọt sương đậu xuống ngọn cỏ dưới chân hai đứa. Hân khóc. Miệng vẫn mỉm cười: “Sao anh còn hỏi?”. Mắt Hân long lanh. Lần đầu tiên tôi mới biết mắt Hân đen và to thế, từ hồi lớn lên, tôi chưa dám nhìn thẳng mắt Hân bao giờ, toàn chỉ là nhìn trộm thôi.

Hai mươi tuổi nên tôi chưa biết lau nước mắt cho Hân. Hân mười sáu, gục đầu vào vai tôi. Mùi cỏ hoa đồng nội tràn vào mũi tôi. Tôi thấy nước mắt của Hân ấm dần xuống ngực áo mình.

“Dù đi tới nơi chân trời góc bể, anh cũng sẽ không quên được nơi đây!”. Hân ngước mắt nhìn tôi. Tôi muốn hôn lên má Hân một cái nhưng ánh mắt Hân trong quá, trong như gương, đôi mắt xanh của tôi đang lấp ló nơi đáy mắt Hân khiến tôi giật mình. Hân vẫn chờ đợi điều gì đó từ tôi. Hơi thở của Hân đã mạnh dần, ánh mắt biêng biếc nôn nao. “Nơi đây có gì làm cho anh Đông nhớ chứ?”. Giọng Hân hờn giỗi. Tôi phải nhắm mắt lại vì không đủ ý chí khi cứ thấy ánh nhìn xanh màu nước biển của mình trong đáy mắt Hân. Nhắm mắt thường cho con người ta can đảm hơn khi mở mắt. Điều đó đúng thật. Tôi can đảm kéo đầu Hân thật gần, đặt lên má Hân những cái hôn vụng về khiến tôi mãi mãi không thể quên được. Cậu mợ và tôi vẫn thơm cu Cháo như thế, tôi nhìn thấy mọi người đều làm thế, nên tôi bắt chước. Người tôi nóng lên, Hân cũng bịn rịn mồ hôi. Mãi tôi mới mở mắt được để nói trong hơi thở hổn hển:  “Vì nơi đây có em. Anh đã yêu Hân từ lâu rồi, Hân có biết không?”.

Hân ôm chặt lấy tôi, ngực em áp ngực tôi, mềm ấm, phập phồng. Tay tôi vừa chạm vào làn da dưới eo của em thì Hân cắn vào tai tôi một cái, đau điếng. Sau lưng tôi có tiếng cu Cháo: “Anh Đông đốt rơm, để em nướng châu chấu cho hai người thưởng thức này”. Cả hai vội buông nhau ra, đúng lúc cu Cháo chạy tới, mồ hôi tướt toát, mấy cọng rơm rác vướng đầy chân.

 Hai đứa đỏ mặt nhìn nhau, Hân vén lại xống áo lên, ra sức thổi lửa.

“Ăn châu chấu xong, anh cho em cưỡi trâu nhé!”. Nếu không có cu Cháo chạy lại đòi nướng châu chấu, biết đâu chuyện gì sẽ xảy ra trong chiều vắng, đồng rộng, dù cả tôi và Hân đều ngu ngơ chưa biết cái gì. Lúc đầu, có ai mà biết cái gì đâu, có ai dạy cho đâu, mà người ta vẫn cứ biết hết đấy thôi. Biết đâu, tôi đã không phải đi đến gần cả cuộc đời, để mỗi khi quay lại phía chân trời xa xôi, nhớ nao lòng làng quê nghèo, ở đó có cậu mợ, có cu Cháo, có châu chấu nướng, có con trâu đen tôi đã cày những đường cày vẹo vọ, có đêm hội vào mùa gặt Hân đã hát “Còn duyên”. Nhất là có Hân của tôi. Tôi đếm đêm dài trong nỗi nhớ khắc khoải, từng giấc mơ đưa tôi bay về nơi đó. Nơi bây giờ là chân trời mà ngày xưa tôi đã từ đó nhìn thấy chân trời khác để rồi ra đi. Chân trời ngày xưa xuất hiện dằng dẵng mỗi khi hoàng hôn xuống hối thúc bước chân tôi trở về.

 Hoàng hôn đang buông mành trên bến sông quê, tôi đã nhìn thấy Hân ngồi bên triền sông cỏ mướt, mấy cánh diều đang chao gió lên không. Hân mười sáu của tôi vẫn ngồi đó dưới gốc cây dành dành.
 Dành dành đã thành bụi thành bờ, bóng ngả dài, hoa trắng nở thơm dìu dịu thoảng bay dọc bờ sông. Màu hoa dành dành trắng lốm đốm đậu lên tóc Hân.

Tôi hấp tấp bước lại gần. Hân ơi, anh về rồi này!

Hân quay lại, cười chào tôi, đôi mắt vẫn to nhưng không còn biêng biếc, đôi gò má đã sậm màu nắng mưa. Cuối cùng thì anh đã trở về.

"Nơi đây là chân trời của anh mấy chục năm qua. Anh nhớ lắm, chân trời của anh, Hân của anh". Tôi định nói cho Hân nghe song lại thôi, Hân không đứng gần tôi như trước, chẳng thể về thuở hai mươi mà nhắm mắt lại để lấy can đảm nói với em điều đó như tôi đã từng lấy cam đảm để đặt những cái hôn trong ngần lên má em. "Em có khỏe không?". Tôi đã thốt lên câu đáng lý không nên hỏi sau những nỗi nhung nhớ thường trực giày vò mòn mỏi trái tim. Nhưng tôi đã hỏi được đúng câu đã mòn vẹt như thanh ray đường tàu ấy. Lời đã nói không bao giờ lấy lại được. Mà tôi cũng không muốn lấy lại. Tôi còn đang tiếc bao lời trước kia mình biết chưa nói ra. Bây giờ nói còn có nghĩa lý gì. Nói chỉ để nói thôi. "Em khỏe. Còn anh? Nhìn là biết anh khỏe rồi". Thì không khỏe sao tìm về được quê. Vâng, anh đã về quê, em đã luôn nghĩ rồi anh sẽ về, sớm hay muộn thôi. Em cũng biết, anh đã chịu nhiều vất vả, kể từ ngày anh đi về phía chân trời ấy. Không biết tiếng, không nghề nghiệp, tìm được cha đẻ chẳng được bao lâu thì ông lại mất. Anh đã phải làm đủ thứ việc để sinh tồn, sau thì đi học nghề làm bánh. Những năm sau đó anh còn gửi tiền về chữa bệnh cho cậu và nuôi chú Cháo học hành nên người, rồi còn lo cho con chú Cháo đi du học. Làng chẳng còn trâu nữa. Chú Cháo được anh giúp mua cho cái máy cày, công nông, tất bật suốt ngày, bà con cũng đỡ vất vả. Anh cũng đã từng hạnh phúc rồi lại tan vỡ. Nhưng cô con gái nhỏ của anh chính là món quà mà chân trời nơi đó trao tặng anh. Cuộc đời là cuộc đời, người ta đi đủ duyên đến thế thì lại trở về. Trước lúc trở về, anh đã mua vé cho chuyến bay trước đó cả tuần, nhưng vì thời tiết đã hoãn lại, chứ nếu không, anh về sớm mấy ngày, sẽ dự hội vào mùa của làng ta. "Thì ra làng ta vẫn giữ tục mở hội mừng vào mùa gặt. Có còn hát quan họ không em? Anh nhớ em hát bài “Còn duyên” hay lắm, lúc ấy em mười sáu. Bọn trai làng đứa nào cũng thích ngắm em hát. Cái thằng Quảng nó ngắt trộm hoa sen rồi lợi dụng lúc lên tặng hoa dám cầm cả tay em, anh buồn ra gốc đa ngồi thở than một mình. Tan hội, thấy có mùi hoa sen thoang thoảng sau lưng, em đã đứng đó tự bao giờ. Anh làm mặt giận, em đã ngồi sát xuống bên anh, cười khúc khích. Có lẽ em thích thú vì được Quảng phải lòng, anh giật phắt bó hoa sen trong tay em mà ném xuống giếng, nói lớn, ngày mai anh sẽ hái cả đầm sen cho em". "Anh nhớ dai thế. Thực ra lúc ấy em cười vì nhớ lại cảnh tượng lúc trước anh cày trâu để trâu phá ruộng, chạy đuổi theo tuột cả quần thôi". "Khiếp thật. Em còn nhớ dai hơn anh. Mà lạ thật, bao nhiêu thăng trầm bên xứ người, chẳng có kỷ niệm nào với em là anh quên được. Năm nào vào ngày sinh nhật em anh cũng làm một cái bánh ga tô thật to để mừng sinh nhật cho em đấy, mặc dù ngày ở nhà, anh lại chẳng dám tặng cho em cái gì, trừ bó hoa sen như cái thúng hôm sau anh hái trộm dưới đầm Đầu Đình. Ông Bạ phát hiện ra thủ phạm vào mách cậu, cậu anh nện cho anh một cái roi mây vào mông, chảy máu, giờ vẫn còn sẹo đây này. Nhớ nhất là chiều chia tay, sẩm tối hai đứa mình cùng cu Cháo cưỡi trâu về làng, miệng thơm mùi châu chấu nướng".

Hân đỏ mặt. Trông em rạng ngời, trẻ ra chục tuổi. Có lẽ em cũng giống tôi, luôn thổn thức dư vị của ký ức, nhớ cái buổi chia tay có món châu chấu nướng của cu Cháo, giả mà không có nó, có lẽ hai đứa đã làm cháy cả đồng chiều cũng nên.

Em vẫn dõi theo tôi, dù tôi ở nơi xa ngái. Còn tôi, tôi lại chẳng biết gì về em, ngoài tin em đã lấy chồng, từ đó tôi không hỏi lần nào nữa. Tôi chỉ biết mỗi việc là nhớ em.

Tôi đánh bạo ngồi sát lại gần em, cầm bàn tay gầy guộc của em trong tay mình. Trái tim tôi lại rung lên thổn thức. Bên cạnh, Hân cũng bối rối.

- Anh vô tâm quá. Mải nói chuyện thôi, cuộc sống của em thế nào? Nói cho anh biết với.

- Em thì chẳng có nhiều để nói cả. Em có một đàn con, chúng thơ ngây lắm.

Thoáng nghe có tiếng chú Cháo gọi, Hân vội gỡ tay tôi ra, thẹn thùng đứng vội lên như sợ bị bắt quả tang. Chú Cháo đã lên chức ông mà vẫn là kẻ phá đám như hồi nào. Trên bờ sông, tiếng xe công nông nổ phành phạch, rơm đã chất đầy có ngọn trên xe. Nhà ai thu gom rơm thành đống dưới ruộng đang đốt, khói lên nghi ngút. "Chị Hân, nghe con Tôm nói con Tép nhà chị vừa đi thả diều về đang sốt cao lắm”.

Hân tái mặt, trèo vội lên xe, giục chú Cháo chạy xe nhanh về nhà còn đánh cảm cho con bé. Trong nhịp lắc lư của công nông, chú Cháo khoe, rơm này toàn lúa Bắc thơm đấy, chị có lấy nữa không, để em dặn kẻo dân đốt hết. Ngày mai, ngày mốt chú đi thu tiếp cho tôi vài đống nữa, tôi để dành làm dần. Hân quay sang tôi: "Ngày xưa, mình gánh lúa quét đất để lấy rơm đun. Bây giờ, người ta đun ga, đun điện, chất rơm đốt dưới đồng, em thu mua về làm nấm".

Xe công nông phành phạch chạy dọc theo triền sông, băng qua đám khói.

Đám con của Hân thấy mẹ về với một bác Tây thì quây lấy, ríu rít, phải bác đến ký hợp đồng mua nấm xuất khẩu của công ty mẹ con không?

Tôi còn đang ngạc nhiên, không chỉ vì những túi nấm lủng lẳng khắp nơi trong trang trại mà vì Hân của tôi dáng vóc vẫn mảnh mai như thuở mười sáu là vậy mà mắn thế, có tới tám đứa con. Mùi cám rang thơm nồng cùng mùi cúc tần hăng hắc bay lên, Hân nhào vào nhà đánh cảm cho con Tép.

Thấy tôi cứ tần ngần ngắm lũ trẻ đuổi nhau trong sân, chú Cháo ngừng tay cào rơm, ngẩng đầu lên, tủm tỉm cười.

- Anh ngạc nhiên lắm hả?

Ừ, ngạc nhiên lắm. Hân mảnh mai mà không hề bé nhỏ chút nào. Là bà chủ cả một trang trại nấm, lại là bà mẹ của một đàn con, những tám đứa.

Anh đã không hỏi em về chị Hân từ khi chị ấy đi lấy chồng. Em biết lòng anh nên cũng không dám kể. Lấy nhau chưa đầy tháng, anh Quảng đi vào biên giới Tây Nam rồi hy sinh ở đó, năm ngoái chị Hân mới đưa được anh về với quê. Còn đàn con này, chị mang chúng từ khắp nơi về đây, khi mà bố mẹ, gia đình chúng lại chối bỏ hoặc không thể nuôi chúng. Hạnh phúc của chị Hân chính là việc chăm sóc, nuôi dạy lũ trẻ này nên người. Mỗi khi rảnh rỗi chị thường dẫn lũ trẻ ra bờ sông thả diều, chị ấy hay tới ngồi dưới bụi dành dành, mắt nhìn ra phía bên kia sông, qua những lũy tre xa tít tắp, tới những dãy núi xa tận cuối chân trời.

Hoàng hôn xuống, ráng vàng, đỏ, tím, xanh… rực rỡ như cầu vồng sau mưa. Tôi lần bước ra bờ sông, ngồi đúng chỗ Hân thường ngồi, dõi mắt ra xa, hình như có một chân trời mở ra sau chân trời. Đâu đây phảng phất mùi châu chấu nướng lẫn trong mùi khói rơm mới bay lên.

 Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi về phía chân trời