Dĩ vãng

04/12/2022 07:15

Tôi cầu mong Y Ban tối nay đừng kể cho chồng nghe có một phụ nữ tên Hà là cán bộ Hội Phụ nữ một tỉnh tới thăm. Hãy để dĩ vãng ngủ yên.



Năm ngoái tôi được cử làm trưởng đoàn đại biểu của Hội Phụ nữ vào tham gia cuộc hội thảo về phụ nữ tại TP Kon Tum. Trong cuộc hội thảo tôi quen một cô gái trẻ người dân tộc Ba Na tên Y Ban, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã X. Cuộc sống nhiều khi người ta chỉ gặp nhau một lần, trò chuyện dăm ba câu mà tưởng như đã thân thiết từ lâu. Y Ban không thuộc diện sắc nước hương trời nhưng nụ cười, giọng nói lại có sức thuyết phục người đối thoại. Dường như Y Ban cũng quý mến tôi.  Sau cuộc hội thảo Y Ban bảo:

- Trưa mai các chị mới bay ra Bắc, vậy em mời chị về thăm nhà em.

Tôi gật đầu ngay.

Sau bữa cơm trưa, chị em tôi gọi taxi về quê Y Ban. Quãng đường ngót ba chục cây số không làm chúng tôi mất nhiều thời gian. Dọc đường Y Ban kể rất nhiều về chồng con, về gia đình hơn là chuyện công tác xã hội. Cứ theo lời Y Ban thì chồng cô là tuyệt vời nhất. Anh là người Kinh, giáo viên cấp 2, hơn cô tới 15 tuổi. Họ lấy nhau đã được 10 năm, có hai đứa con. Thằng con trai lên tám, đứa con gái lên ba. Chỉ cần nghe giọng kể hào hứng của Y Ban, tôi cảm nhận được đó là một gia đình rất hạnh phúc. Nhà Y Ban xây bằng gạch, hai tầng đơn giản nhưng chắc chắn. Y Ban đặt chén nước trước mặt tôi:

- Em mời chị xơi nước.

Tôi cầm chén nước xoay xoay trên tay, đưa mắt khắp căn nhà gọn gàng sạch sẽ. Chợt tôi đứng bật dậy lặng người, mắt chăm chú nhìn vào một tấm ảnh treo trên tường. Trong ảnh là người đàn ông khoảng bốn chục tuổi để râu mép, trong bộ áo quần người Ba Na. Trông quen quá. Lập tức trong tiềm thức tôi bị đánh thức. Những ký ức dồn dập, đứt gẫy nối tiếp nhau chập chờn. Y Ban tiến lại từ phía sau lên tiếng:

- Ảnh chồng em đấy. Chụp ngày chúng em lấy nhau.

Tôi buột miệng hỏi:

- Anh ấy tên gì?

 Y Ban nhanh nhảu:

- Dạ, tên Giang, Nguyễn Hà Giang, người xứ Bắc đó chị ạ.

Tôi choáng váng. Tên người có thể trùng chứ người trong ảnh thì không thể lầm lẫn cho dù đã 20 năm trôi qua. Tôi ngồi phịch xuống ghế ôm đầu trước đôi mắt hốt hoảng của Y Ban.

Ba chục năm trước chúng tôi quen nhau khi bắt đầu cuộc đời sinh viên. Giang học năm 3 sư phạm, tôi học năm nhất trường luật. Chúng tôi quen nhau ở thư viện thành phố. Ban đầu chúng tôi chỉ mỉm cười, gật đầu thay cho lời chào. Sau dừng chân lâu hơn, nói với nhau vài ba câu chuyện không đầu không cuối. Rồi chúng tôi yêu nhau tự lúc nào không rõ. Trái tim tôi như ô cửa mở toang đón nắng ấm và gió lành tràn vào. Sau ngày ra trường tôi và Giang lại xin được việc ở TP Đông Hải thuộc tỉnh. Tôi công tác tại Thành hội phụ nữ, Giang là giáo viên dạy cấp 2.

Công việc ổn định chúng tôi tiến tới hôn nhân. Không ngờ gia đình tôi lại phản đối quyết liệt đến thế. Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là đứa con gái duy nhất trong số các ông anh lộc ngộc. Khỏi phải nói tôi được chiều chuộng như thế nào. Còn Giang gia đình thuần nông ở Đông Hải. Cái làng Ghềnh của Giang nghèo lắm. Cha tôi bảo:

- Con gái nghĩ lại đi, bố mẹ chỉ mong con lấy chồng cho đáng tấm chồng thôi.

Mẹ tôi rền rĩ:

- Làm dâu nhà quê rồi cấy cày, gặt hái sao được hả con?

Tôi yêu Giang bởi anh hiền lành, ít nói. Mỗi lời anh nói dường như đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Gia đình Giang sống nền nếp, yêu thương nhau. Tôi hy vọng về làm dâu sẽ được hưởng cái không khí đầm ấm đó. Gia đình tôi biết không thể ngăn cản được con gái đành phải lo đám cưới cho chúng tôi trọn vẹn.

Sống với gia đình nhà chồng có lúc tôi nghĩ mình quá may mắn khi được tất cả các thành viên trong gia đình yêu thương, quan tâm. Mẹ Giang rất quý tôi. Ngày tôi mới về, bà bảo:

- Các con cứ đẻ cho mẹ lấy một đứa cháu để bế bồng. Mẹ còn khỏe mạnh, các con đừng lo.

Vợ chồng tôi nhìn nhau cười hạnh phúc. Nhưng mọi sự ở đời đâu toàn màu hồng. Bắt đầu là chuyện sinh nở. Tôi nghĩ dù có gia đình rồi vẫn phải học tập và phấn đấu. Còn Giang lại nghĩ khác. Anh bảo:

- Khi đã có chồng rồi phải nghĩ đến tổ ấm gia đình đầu tiên. Sinh một đứa con xong, em muốn học hành thế nào anh cũng ủng hộ.

Có dạo tối nào anh cũng nói chuyện về những đứa con trong tương lai. Tôi bảo:

- Sao anh cứ quan trọng hóa việc đó thế?

Tôi tủi thân vì anh chẳng hề hỏi tôi công tác ra sao, sức khỏe thế nào. Giang bảo:

- Điều quý nhất và quan trọng nhất của người phụ nữ sau khi lấy chồng là những đứa con chứ không phải bạc tiền hay chức vụ.

Điều Giang nói không sai nhưng tôi lại cho rằng Giang ích kỷ. Tôi cũng có quyền được học tập và phấn đấu chứ. Giang bảo:

- Ngụy biện. Thật ra em chỉ yêu chính bản thân em thôi.

Tôi lao vào học tập và công tác. Tôi đi tối ngày bỏ lỡ nhiều cuộc gặp mặt vui vẻ của gia đình nhà chồng. Hai năm sau tôi được đề bạt Phó Chánh Văn phòng, rồi Chánh Văn phòng. Giang là người biết nhẫn nhịn. Tuy vậy có lần anh trách nhẹ:

- Em làm như không có em thì cơ quan Hội Phụ nữ thành phố sẽ giải tán.

Tôi âu yếm giải thích cho chồng:

- Không phải như anh nghĩ đâu. Ai cũng có công việc của mình. Em đã nhận rồi phải làm hết trách nhiệm. Mới lại mình còn chân son mình rỗi thì đây là cơ hội phấn đấu.

Cứ mỗi lần nói đến chuyện phấn đấu của vợ là Giang lại im lặng. Tôi vẽ ra một tương lai tươi sáng cho chồng. Chín, mười năm sau khi ấy tôi mới 37 tuổi giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố là diện trẻ lắm. Chồng tôi hỏi một câu chẳng ăn nhập gì:

- Thế em định bao giờ mới sinh con? Em có hiểu ánh mắt khát khao đến cháy bỏng của bố mẹ chồng khi nhìn vào cái bụng lép kẹp của em không?

Tôi an ủi:

- Trước sau gì mình cũng có con.

Nhìn nét mặt bần thần của chồng, tôi biết anh buồn lắm.

Cuộc sống vợ chồng tôi cứ thế trôi qua giữa mâu thuẫn sinh nở và học tập phấn đấu. Lúc ồn ào, lúc trầm lắng. Tôi luôn cho rằng quan điểm của mình là đúng. Người ta không phấn đấu khi còn trẻ thì đợi đến bao giờ? Giang lại cho rằng người phụ nữ sinh sau tuổi 30 có thể sẽ gặp nhiều rủi ro. Hai bên nội ngoại giục hai vợ chồng đi khám xem sao. Mọi người đâu hiểu rằng tôi dành thời gian cho sự nghiệp. Tôi dự kiến khi nào đạt được chức danh Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố sẽ sinh con.

Thời gian không đợi ai, thoắt cái đã 5 năm. Hai bên nội ngoại héo hắt chờ mong tin mừng. Một tối tôi về khá muộn, Giang đã ngồi chờ tôi. Trên mặt bàn là một gói giấy. Giang chỉ cái ghế trước mặt bảo tôi:

- Em ngồi xuống đây, anh có chuyện cần nói.

Tôi nũng nịu:

- Ôi, em mệt lắm, để sáng mai anh ạ.

Đột nhiên Giang ra lệnh:

- Không được. Ngồi xuống. Em sợ sự thật à?

Nói rồi Giang mở gói giấy chống ẩm và đẩy những vỉ thuốc đến trước mặt tôi. Giang hỏi:

- Cái này của em phải không?

Tôi luống cuống. Đó là những vỉ thuốc tránh thai mà tôi thường xuyên sử dụng trong 5 năm qua. Tôi đứng tựa lưng vào tường. Giang đã biết và hiểu vì sao ngần ấy năm mà vợ anh không mang thai. Tôi nói vớt vát:

- Khi người ta yêu nhau thật sự sẽ không có chỗ cho sự săm soi.

Giang quát lên: 

- Nói rất hay. Nhưng tôi không thể nhìn bố mẹ tôi đau khổ trước một thằng con trai không làm tròn chữ hiếu. Tôi không chịu nổi khi vợ mình khước từ trách nhiệm làm mẹ.

Tai tôi ù đi. Không còn lời biện minh nào đủ sức thuyết phục cho việc làm của tôi. Tôi ấp úng:

- Em biết sai rồi. Hãy tha lỗi cho em.

Giang đứng dậy mở tủ lấy ra một tờ giấy đặt trước mặt tôi. Mắt tôi hoa lên. Đơn ly hôn. Giang bảo: - Biết ly hôn là khổ nhưng chung sống với một người đàn bà coi danh vọng địa vị hơn hạnh phúc gia đình của mình còn khổ hơn. Đơn anh đã ký. Hãy chấp nhận chia tay trong danh dự.

Giang không giải thích thêm lời nào nữa. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi của chồng tôi mới nhận ra sự kiên trì của anh đã vượt qua giới hạn. Không thể cứu vãn được nữa.

Một thời gian dài sau ly hôn tôi thường âm thầm khóc. Tôi biết mình còn yêu chồng, yêu gia đình nhà chồng nhiều lắm. Quy luật được cái này mất cái kia luôn là sự công bằng. Tôi đã tự nguyện theo đuổi con đường công danh thì hậu quả như thế nào cũng phải cắn răng mà chịu. Còn Giang cùng bố mẹ chạy trốn hiện tại bằng một chuyến ly hương về phương Nam. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau. Nào ngờ trời đất này quá chật chội. Sau 20 năm số phận lại gặp nhau tại một bản vùng cao hẻo lánh của Tây Nguyên.

- Chị Hà. Chị làm sao thế?

 Tiếng Y Ban cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Tôi lắc đầu nhè nhẹ:

- Tự nhiên chị thấy chóng mặt hoa mắt. 

Có lẽ khuôn mặt nhợt nhạt của tôi khiến Y Ban phát hoảng. Cô dìu tôi vào giường và hỏi:

- Chị thấy trong người thế nào? Chị nằm tạm đây để em đi tìm thuốc.

Tôi níu tay Y Ban nói:

- Chị nằm nghỉ chút ít là khỏi thôi, lâu nay chị vẫn thế mà. Không cần thuốc men gì đâu.

Hình như trong không gian căn phòng này vẫn mang hơi hướng của người chồng cũ. Vết đau 20 năm chưa liền sẹo. Có lẽ vì thế mà suốt thời gian đó tôi không thể mở lòng được với bất kỳ người đàn ông nào. Trời ơi. Không thể có cuộc gặp gỡ này được. Tôi vùng dậy và vội vã xin phép về ngay với lý do quên mất một việc quan trọng trước đôi mắt ngỡ ngàng của Y Ban. Tất cả đã an bài. Tôi đã là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh. Cũng như người chồng cũ của tôi đang hạnh phúc bên cô gái dân tộc cùng những đứa con thân yêu. Tôi cố giữ cho mình thật bình tĩnh. Trước khi lên xe tôi nói với Y Ban:

- Cho chị gửi lời hỏi thăm anh Giang nhé. Chúc hai người hạnh phúc.

Chiếc taxi bon bon trở về TP Kon Tum. Tôi ngoái lại nhìn nơi người chồng cũ của tôi đang ấm êm hạnh phúc với chút hờn ghen. Không khí trong xe dường như không đủ cho tôi thở, dù tôi đã hạ kính xuống. Nước mắt tôi tự nhiên lăn nhanh trên gò má. Tôi ân hận. Tôi nuối tiếc. Nhưng muộn mất rồi. Giang và tôi mỗi người đã có một thế giới riêng, chẳng nên khơi lại làm gì. Tôi cầu mong Y Ban tối nay đừng kể cho chồng nghe có một phụ nữ tên Hà là cán bộ Hội Phụ nữ một tỉnh tới thăm. Hãy để dĩ vãng ngủ yên.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dĩ vãng