Đi tìm mô hình tự chủ

28/08/2022 08:57

Hai cơ sở y tế đầu tiên thí điểm mô hình tự chủ toàn diện là bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K đều xin dừng thực hiện chủ trương này. Có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm nhưng vì sao lại “thất bại” khi tự chủ?

Chú thích ảnh

Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN

Cách đây 3 năm, ngày 19.5.2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K với các mục tiêu là phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.

Cũng phải nói thêm, cơ chế tự chủ chi thường xuyên đã được phần lớn các bệnh viện trong cả nước thực hiện. Tuy nhiên, với cơ chế tự chủ toàn diện như Nghị quyết 33 thì mới có hai bệnh viện trên triển khai, còn bệnh viện Chợ Rẫy và Hữu nghị Việt Đức chưa thực hiện dù đã được “bật đèn xanh”. 

Trên báo chí, lãnh đạo hai bệnh viện đã chia sẻ về nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xin dừng thí điểm. Điều đầu tiên quan trọng nhất là nguồn thu sụt giảm.

Dịch COVID-19 bùng phát đúng lúc thí điểm khiến số lượng bệnh nhân giảm, doanh thu giảm theo nhưng chi phí phòng chống dịch lại tăng cao. Tiếp đó là các cơ chế chính sách về tổ chức bộ máy, tiền lương, mua sắm tài sản, đơn giá dịch vụ… không theo kịp thực tiễn dẫn đến nhiều vướng mắc khiến bệnh viện không thể tự chủ hoàn toàn trên thực tế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bác sĩ, nhân viên y tế. Các bệnh viện khó có thể đầu tư cho nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Nhưng lại có một thực tế nữa là nhiều bệnh viện tư nhân vẫn phát triển, hoạt động có lãi và đang này càng mở rộng quy mô cũng như nâng cao chất lượng cạnh tranh với bệnh viện công. Nói về những vướng mắc của cơ chế tự chủ bệnh viện, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, hiện là Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Y học Việt Nam, dẫn chứng quy định bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn phải trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành. Hay quy định bệnh viện tự chủ được thuê giám đốc nhưng giám đốc lại đang nhận lương theo thang, bảng lương của nhà nước. Điều này khác với bệnh viện tư theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, còn bệnh viện công được quản lý theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngay cả trong mục tiêu của Nghị quyết 33 đặt ra khi thí điểm bệnh viện tự chủ hoàn toàn, trách nhiệm xã hội của bệnh viện, nhất là với các bệnh viện tuyến đầu vẫn luôn được đề cao. Bởi vậy, nếu so sánh với mô hình quản lý như doanh nghiệp để thành công sẽ là khập khiễng. Nhưng cũng không có nghĩa rằng các bệnh viện công không thể tự chủ để phát huy năng lực của mình.

Chú thích ảnh

Bác sĩ tại bệnh viện K phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư thận bằng hệ thống Robot Da Vinci

Nhìn sang giáo dục - một ngành có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội tương tự như y tế, mô hình tự chủ đại học cũng phải trải qua một quá trình dài với nhiều thử thách để đi vào thực tế. Mới hồi đầu tháng 8 này, tại hội nghị tự chủ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các ý kiến tham luận của chuyên gia đều khẳng định, tự chủ đại học đã đem lại những thay đổi trong tư duy, hành động trong quản trị đại học. Đến nay, nhiều trường đạt được những kết quả đáng khích lệ, mà điển hình là Đại học Bách khoa Hà Nội. Thế nhưng trước đó, khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 đã làm rõ vấn đề tự chủ đại học, tạo hành lang pháp lý rộng rãi để các trường thực hiện quyền tự chủ, có hiệu lực từ 1/7/2019 mà đến cuối năm 2020, mới chỉ có 23 trường đại học thực hiện tự chủ về mặt văn bản pháp lý, còn lại 175 trường vẫn… "án binh bất động".

Nhìn nhận về quá trình này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Vì vậy trong quá trình triển khai, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, và đó cũng là điều khó tránh khỏi. Có những vướng mắc do hệ thống các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán. Khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ. Vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích. Có cả những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ…; có những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố”.

Dường như các vấn đề tự chủ của đại học khi khái quát lên có nhiều nét tương đồng với bệnh viện. Mà dù là ở lĩnh vực nào, mức độ khác nhau ra sao thì tự chủ vẫn là một quá trình thay đổi mô hình quản trị. Cũng như lượng bệnh nhân rồi sẽ phải trở lại như trước khi có dịch COVID-19, nhưng các cơ chế chính sách cần đồng bộ lại nằm ở yếu tố con người. Bởi vậy, thí điểm có thể đúng, có thể sai, vấn đề là tỉnh táo tìm ra đúng nguyên nhân và quyết tâm, nhanh chóng khắc phục những nguyên nhân đó.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm mô hình tự chủ