Văn miếu Mao Điền và cụm di tích thờ Tuệ Tĩnh

09/08/2017 15:03

<b>Văn miếu Mao Điền và cụm di tích thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh là khối di sản văn hóa quý báu luôn được trân trọng ở huyện Cẩm Giàng. </b><br>


Nếu được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, Văn miếu Mao Điền sẽ phát huy hơn nữa giá trị lịch sử và văn hóa


Hiện nay, huyện đang nỗ lực để xây dựng quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật này trở thành di tích quốc gia đặc biệt.

Những giá trị đặc biệt

Văn miếu Mao Điền nằm ở thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền. Ở đây, ngoài thờ Khổng Tử còn phối thờ 8 vị đại khoa nổi tiếng. Dưới triều Lê, đây là một trong những trung tâm văn hoá, giáo dục của cả nước, nơi tổ chức nhiều kỳ thi Hương. Văn miếu còn là nơi tôn vinh truyền thống trọng đạo học của tỉnh Đông.

Di tích được khởi dựng vào thời Lê sơ (thế kỷ 15). Đây là một công trình kiến trúc đẹp. Phần chính gồm hai toà nhà lớn 7 gian, xây theo kiểu chữ nhị, áp sát vào nhau là bái đường và hậu cung. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau.

Cụm di tích thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh gồm đền Xưa (ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ), chùa Giám (ở thôn  2, xã Cẩm Sơn) và đền Bia (ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn). Những nơi này ghi dấu cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Tuệ Tĩnh.

Đền Xưa được xây dựng trên quê hương của Đại danh y Tuệ Tĩnh vào thời Lê (thế kỷ 17), sau đó được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Đền có kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung.

Chùa Giám tên chữ là Quang Nghiêm tự, có niên đại từ thế kỷ 17, khuôn viên rộng gần 1 ha. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc "nội công ngoại quốc", các công trình được bố cục theo một trục dọc hướng tây. Công trình gồm hai tam quan, tiền đường, thượng điện thờ Phật, hậu điện thờ Tổ, trong đó có tượng Tuệ Tĩnh, tòa Cửu phẩm Liên hoa. Chùa còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị như hệ thống tượng La Hán, tượng Phật, 2 chuông đồng lớn, 15 bia đá có niên đại từ thế kỷ 17-19.

Đền Bia xây dựng từ thời Lê, hiện còn lưu giữ bia đá từ thời Lê do Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1639-1699), một người cùng làng Tuệ Tĩnh soạn khắc vào năm 1669 khi ông đi sứ Trung Quốc.

Gấp rút hoàn thiện hồ sơ

Những năm qua, huyện Cẩm Giàng đã có hướng đi, cách làm phù hợp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích này. Tại Văn miếu Mao Điền đã phục dựng 14 văn bia tiến sĩ, sắp đặt lại hệ thống đồ thờ tự, tạo nên sự trang nghiêm cho văn miếu. Các đường dạo trong khuôn viên văn miếu được cải tạo lại, đường vào di tích được mở rộng, bãi để xe được xây dựng. Tại đền Bia, khu nội tự cũng được cải tạo, mở rộng bãi để xe, sửa thủy đình- nơi đặt tấm bia về thân thế, sự nghiệp Đại danh y Tuệ Tĩnh; nhiều loại cây thuốc nam được trồng trong khuôn viên di tích...

Bên cạnh đó, huyện đang tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) gấp rút hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cụm di tích thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh và Văn miếu Mao Điền. UBND huyện đã phối hợp với Sở VHTTDL, Sở Tài nguyên và Môi trường khoanh vùng khu di tích, xác định khu vực đất giáp ranh để có phương án bảo vệ. UBND huyện giao trách nhiệm cho các phòng, ban chuyên môn phối hợp với cán bộ Cục Di sản văn hóa khảo sát trực tiếp tại các di tích; cung cấp thêm những tài liệu liên quan về lịch sử, kiến trúc và giá trị của các di tích để việc khảo sát được thực hiện khách quan, hiệu quả. Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết: "Theo quy định, trước ngày 30.8.2017, huyện phải nộp hồ sơ về Bộ VHTTDL. UBND huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đoàn thẩm định về khảo sát ban đầu, hoàn thiện hồ sơ".

Tuy nhiên hiện nay, một số hạng mục trong di tích chùa Giám đã xuống cấp. Nhiều cột lim trong hậu cung của Văn miếu Mao Điền bị mối mọt đục thông tâm. UBND huyện đã đề nghị và Sở VHTTDL phê duyệt phương án tu sửa. Trước mắt chỉ có thể tu sửa ở những nơi xung yếu, những phần còn lại sẽ tu sửa sau bởi phải giữ cơ bản hiện trạng của các di tích để đoàn khảo sát làm việc.

Quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cụm di tích thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh và Văn miếu Mao Điền nếu được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với huyện Cẩm Giàng nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. Đó không chỉ là sự ghi nhận giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích mà còn là cơ hội để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và với những nỗ lực của huyện thời gian qua, đích đến ấy không còn xa.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn miếu Mao Điền và cụm di tích thờ Tuệ Tĩnh