Tấm bia cổ ghi sự tích bảng nhãn Ngô Hoán

05/05/2022 15:50

Từ vũ thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng (Nam Sách) tôn thờ Tiến sĩ Ngô Hoán – một trong những danh nhân triều Lê đã có nhiều công lao trong công cuộc xây dựng đất nước.

Di tích từ vũ thôn Thượng Đáp ngày nay

Ngô Hoán nổi tiếng với lòng cương trực, kiên quyết chống lại những quan lại hống hách gây phiền nhiễu trong triều chính, áp bức nhân dân. Ông còn là nhân vật xuất sắc trong Hội Tao đàn “Nhị thập bát tú” dưới triều Lê Thánh Tông.

Từ vũ thôn Thượng Đáp được xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683), trùng tu vào các năm Tự Đức thứ 13 (1889), Bảo Đại thứ 4 (1929). Đến năm 2018, di tích được tu bổ lại một số hạng mục nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ.

Từ vũ hiện nay có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, phần mộc bằng gỗ tứ thiết, các vì kèo theo kiểu chồng giường giá chiêng. Các mảng chạm khắc trên các đầu dư, bẩy, cốn, đấu... đều được trạm trổ các hình hoa lá, long, ly cách điệu. Trong từ vũ hiện còn lưu giữ một số cổ vật giá trị như ngai và bài vị thờ cụ Ngô Hoán, kiệu long đình, phỗng đá, sấu đá cùng nhiều câu đối đại tự, bia đá có niên đại thời Lê, thời Nguyễn ca ngợi công lao của ông đối với đất nước. Năm 1991, từ vũ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia.

Đặc biệt ở từ vũ hiện nay lưu giữ được tấm bia đá cổ “Từ vũ bi”, dựng bên phải gian tiền tế, có kích thước 103 x 68 x 19 cm, khoảng 1.500 chữ. Tấm bia được tạc theo phong cách tạo hình thời hậu Lê: trán bia khắc hình “lưỡng long triều nhật”, xung quanh thân bia hoa lá uyển chuyển và thanh thoát. Bia có hai mặt đều khắc chữ Hán. Nội dung chính thông tin về bảng nhãn Ngô Hoán người xã Thượng Đáp, huyện Thanh Lâm - nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Nam Sách.

Phần thứ nhất của bia cho biết rõ lai lịch của bảng nhãn Ngô Hoán: Ông tự là Hối Phu, sinh ngày 28.3 năm Canh Thìn (1460). Đến năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức (1490) đỗ bảng nhãn, được tuyển vào Hàn lâm Đông các hầu vua Lê Thánh Tông. Ông được dự hội Tao đàn, giữ chức Tao đàn Sái phu. Ông là người sáng suốt, tốt đẹp, có tập thơ truyền hậu thế, bên trong giảng ngôn, bên ngoài phục thí. Cũng trong thời điểm đó ông giữ chức Hiến sát xứ Thanh Hoa, có công giúp đỡ Hồng Thuận khởi nghĩa, sau đó được thăng chức Thừa sứ Giám tư, được thưởng công lao to lớn, rồi thăng Thừa sứ tầm thụ, Thượng thư Bộ Lại, tước Quyền Tư hầu. Ông là người trung hậu, uy vũ bất khuất, theo Đà Dương Vương sang Lào rồi mất ở đó vào ngày 10.6.

Tấm bia chỉ có ngày mất mà không có năm. Theo sách Địa chí Hải Dương tập II, trang 516 - 517 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2008) có viết: Năm Quang Thiệu thứ 7 (1522) Mạc Đăng Dung đưa Hoàng đệ Xuân lên ngôi, tức Lê Cung Hoàng và dựng hành điện ở xã Phúc Diên, huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc). Nhiều quan lại đã bỏ Lê theo Mạc nhưng Ngô Hoán đã giữ trọn chữ trung, theo vua Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa rồi sang Ai Lao để tìm cách xây dựng lực lượng khôi phục lại triều Lê. Việc không thành ông thắt cổ tuẫn tiết. Như vậy ông mất vào năm 1522, nhưng cũng có sách viết ông mất năm 1528.

Văn bia “Từ vũ bi” 

Sau khi ông mất, người con trai vô cùng đau xót viết văn tế, có đoạn ghi rằng: “Lúc cha sống được vinh hiển, lúc cha thác được xót thương, việc cha sống thác đã được an bài. Ngẩng lên không thẹn với vua, cúi xuống không thẹn với dân”. Về sau sách sử ghi ông là “Tiết nghĩa danh thần”, có thơ vịnh sử rằng: “Phẩm giá Tao đàn tựa sao Thai/ Tiên sinh sống thác đã an bài”.

Ông là danh nho ở miếu đường, có tài to lớn trong triều đình; tài kinh luân, giúp nước nhà trong lúc khó khăn, theo hầu vua dốc lòng tín thực, luôn giữ tiết tháo. Khi ông mất vua phong làm “Thượng đẳng thần”, ban tên thụy là Hòa Trực và được xây đền phụng thờ.

Năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), triều đình sai quan về lập đền ở trước đình thờ phụng. Năm Đức Long thứ 7 (1635) quan Tự khanh dời đền về sau miếu. Từ đó nhiều lần trùng tu, ông được các triều Lê trung hưng ban sắc phong. 

Phần thứ hai cho biết tên tuổi, chức tước của một số vị khoa bảng, quan lại khác của đất Thượng Đáp. Phần cuối cho biết văn bia khắc vào ngày 17 tháng giêng năm Chính Hòa thứ 4 (1683) và người soạn văn bia là Nguyễn Cư Dị, tên hiệu Độn Am, giữ chức Hàn lâm viện Chiêu văn quán Điển nghĩa văn trưởng. Người viết Hoàng Kim Đĩnh, học vị đố Thư toán khoa Ất Mão, chức Đề lại.

Như vậy tấm bia đã giúp chúng ta xác định được chính xác lai lịch của bảng nhãn Ngô Hoán, cũng như ghi lại tên họ, chức tước, những người đỗ đạt của đất Thượng Đáp. Di sản văn hóa quý báu này cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

HOÀNG PHƯƠNG LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm bia cổ ghi sự tích bảng nhãn Ngô Hoán