Sự tích về các vị sư tổ khai sáng nghề da giầy truyền thống ở Hoàng Diệu

20/07/2022 15:15

Tam Lâm là tên ba làng: Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm, tục gọi là ba làng Trắm, thuộc tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng thời Lê.


 Đình Tổ nghề giầy da tại làng Văn Lâm hiện nay

Tam Lâm chính là quê hương của nghề giầy da truyền thống nổi tiếng Việt Nam có từ cách đây hơn 500 năm. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, ba làng thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc.

Khởi xướng nghề giầy da nơi đây là các vị sư tổ: Phạm Quý Công tự Đức Chính, Nguyễn Quý Công tự Sĩ Bân, Phạm Quý Công tự Thuần Chính và Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung cùng ở Tam Lâm (nay thuộc xã Hoàng Diệu, Gia Lộc).

Theo sử sách truyền lại, ba vị tổ sư và Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung cùng sinh vào thời đại nhà Lê Trung Hưng, đều có dòng dõi quý tộc, thiên tư rất thông minh. Nguyễn Thời Trung người làng Phong Lâm. Năm 45 tuổi ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc năm thứ tư (1565), triều nhà Mạc, làm quan đến chức Thừa chính sứ (theo "Tiến sĩ nho họ Hải Dương" xuất bản bản năm 1999). 

Năm 1560, Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung được vua Lê Thánh Tôn cử đi sứ sang nhà Minh bên Trung Quốc. Nhân cơ hội này, ba vị tổ sư đã làm sớ xin nhà vua cho cùng đi tòng sứ với Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung để tìm hiểu, học hỏi công nghệ làm giầy da đem về nước truyền dạy cho dân và được nhà vua chấp thuận.

Sau nhiều ngày vất vả, các ngài đã tới Bắc Thành (nay là Bắc Kinh, Trung Quốc). Qua tìm hiểu thấy nhà họ Lũ có nghề thuộc da, làm giầy dép, hài hia nổi tiếng ở đất Hàng Châu, các vị liền xin vào học nghề. Vốn tư chất thông minh và lòng kiên trì, các vị đã học được cách thức làm nghề. Sau khi hoàn tất việc ngoại giao, các vị về nước và đem những sản phẩm giầy dép, hài hia dâng lên nhà vua. Nhà vua hạ chiếu chỉ ban khen bổ nhiệm ba vị vào Bộ Quốc giám; đồng thời hạ chỉ cho các vị truyền dạy lại nghề cho nhân dân. Ba vị liền khuyến khích và truyền dạy cho nhân dân công nghệ thuộc da, làm giày dép, hài hia.


Ban thờ tượng Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba vị sư tổ nghề giầy da tại gian hậu cung Đình tổ nghề giầy da

Nhân dân ba làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm của xã Hoàng Diệu là quê hương của các vị nên được các ngài truyền nghề cho đầu tiên. Ba vị được nhà vua sắc phong ban cho danh hiệu: ban thờ tượng ba vị sư tổ tự Đức Chính được phong “Bảo Hựu Linh Phù”, Nguyễn Quý Công tự Sĩ Bân phong là “Tích Khánh Linh Phù” và  Phạm Quý Công tự Thuần Chính được phong “Diên Hựu Linh Phù”. Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định lại sắc phong các vị là “Dực Bào Trung Hưng tôn thần”.

Hiện nay, 3 làng Phong Lâm, Trúc lâm, Văn Lâm đều có di tích thờ các vị sư tổ nghề giầy da nhằm tưởng nhớ công lao của các ngài. Tuy nhiên, Đình tổ nghề giầy da thuộc làng Văn Lâm là nơi thờ chung các vị sư tổ.

Đình được xây dựng cách ngày nay đã 500 năm (thời Lê Trung Hưng) từ khi các vị sáng lập ra nghề. Sau kháng chiến chống Pháp đình bị hư hại. Khoảng những năm thập niên 80, đình được tu sửa lại một số hạng mục như sửa mái, nát nền, tường bao... Hiện nay đình có kiến trúc kiểu chữ (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, kết cấu vì kèo, hoành dui gian đại bái bằng gỗ tứ thiết, vì kèo theo kiểu chồng giường, móng tường xây bằng gạch chỉ. Gian chính giữa hậu cung có ban thờ tượng ba vị sư tổ.

Trải qua thời gian, nghề giầy da của ba làng ngày càng phát triển, sau đó lan rộng sang cả làng Nghĩa Hy (cũng thuộc xã Hoàng Diệu). Từ đó, đời này qua đời khác tiếp tục làm nghề, những người thợ tích lũy được kinh nghiệm kết hợp với sự khéo tay nên đã xuất hiện nhiều nghệ nhân tạo tác ra nhiều mẫu mã giày da đẹp, phù hợp với tâm lý và thị hiếu tiêu dùng.

Hằng năm, lễ giỗ tổ nghề vào ngày 17 tháng 2  (âm lịch). Bốn làng tổ chức dâng hương tại đình Tổ nghề để tưởng nhớ công lao của các vị tổ sư đã sáng tạo ra nghề giầy da, giúp làm giàu cho quê hương. Ngày nay, tiếp nối truyền thống cha ông, người dân xã Hoàng Diệu đã và đang tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề làm giày, dép da. Mỗi năm, xã Hoàng Diệu bán ra thị trường hàng triệu đôi giày, dép da các loại, cung cấp đến thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu. 

    TÂM HÀ 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự tích về các vị sư tổ khai sáng nghề da giầy truyền thống ở Hoàng Diệu