Sớm đưa đền thờ vua Lê Đại Hành vào quần thể di tích đền Cao

03/12/2021 07:29

Việc đưa đền thờ vua Lê Đại Hành vào quần thể di tích đền Cao sẽ góp phần bồi đắp thêm các giá trị lịch sử, văn hoá, tạo nên một quần thể các di tích có mối liên hệ chặt chẽ.


Người dân địa phương mong muốn đền thờ vua Lê Đại Hành được đưa vào quần thể di tích quốc gia đền Cao

Quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Cao, phường An Lạc (Chí Linh) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2018. Đền thờ vua Lê Đại Hành cũng nằm trong khu vực này nhưng lại chưa được đưa vào trong quần thể di tích.

Mối liên hệ lịch sử

Quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Cao gồm đền Cao, đền Bến Tràng, đền Bến Cả, đền Cả. Đền thờ vua Lê Đại Hành được ngành văn hóa xác định có mối liên hệ chặt chẽ về lịch sử, địa lý và không gian văn hóa với các di tích khác.

Quần thể di tích đền Cao và đền thờ vua Lê Đại Hành nằm ở 2 ngọn núi liền kề trên một dải núi thuộc phường An Lạc. Quần thể di tích đền Cao nằm trên núi Thiên Bồng (do vua Lê Đại Hành đặt tên), còn đền thờ vua Lê Đại Hành nằm trên ngọn núi Bàn Cung (nơi bàn việc đánh trận). Tương truyền đây là dãy núi Song Tượng (hai ông voi), là 2 địa điểm lịch sử có mối liên hệ mật thiết với nhau, ghi dấu đại bản doanh của vua Lê Đại Hành - người chỉ huy cuộc kháng chiến chống giặc Tống ở thế kỷ X.

Quần thể di tích đền Cao thờ 5 vị tướng họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống xâm lược vào mùa xuân năm Tân Tỵ (năm 981). Khi đó, vua Lê Đại Hành đem quân về lập đại bản doanh tại Đồng Dinh (bên cạnh khu di tích đền Cao) thuộc Dược Đậu trang (nay là phường An Lạc). Theo lời truyền hịch của nhà vua, 5 vị tướng họ Vương gồm Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu xin đầu quân đánh giặc. Sau khi hóa, 5 vị tướng được ban phong mỹ tự “Thượng đẳng phúc thần” cùng các tước phong và được thờ tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích đền Cao.

Hiện nay, phường An Lạc còn nhiều địa danh lịch sử liên quan trực tiếp đến cuộc kháng chiến của vua Lê Đại Hành và 5 vị tướng họ Vương. Điển hình như núi Cao Hiệu sát với bến Vạn, bên dòng Nguyệt Giang đổ ra sông Kinh Thầy. Tương truyền đây là nơi cắm cờ và là vọng gác tiền tiêu. Đồng Dinh là nơi đặt đại bản doanh của vua Lê Đại Hành. Nội Xưởng - nơi rèn, sửa vũ khí và phương tiện chiến đấu. Lò Văn - nơi làm việc của một số quan văn tham mưu giúp vua truyền sắc lệnh. Bàn Cung là vị trí vua họp bàn việc quân. Núi Sơn Đụn tương truyền là kho quân lương...

Như vậy, vua Lê Đại Hành - người chỉ huy cuộc kháng chiến và 5 vị tướng họ Vương là những nhân vật gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Tống ở thế kỷ X mà đại bản doanh Dược Đậu trang chính là phường An Lạc ngày nay.

Giao hoà về văn hóa


Đường lên đền thờ vua Lê Đại Hành trên núi Bàn Cung

Vùng đất An Lạc in đậm dấu ấn trong tâm thức nhân dân địa phương từ xa xưa và được lưu truyền cho đến ngày nay về các hoạt động quân sự của vua Lê Đại Hành và các vị tướng phò tá cho ông.

Việc đưa đền thờ vua Lê Đại Hành vào quần thể di tích đền Cao sẽ góp phần bồi đắp thêm các giá trị lịch sử, văn hoá, tạo nên một quần thể các di tích có mối liên hệ chặt chẽ trong một không gian tín ngưỡng tâm linh với những hoạt động lễ hội, các tập tục thờ cúng, sự lệ đặc sắc. Đây sẽ là một quần thể tín ngưỡng mang đậm giá trị tâm linh, giá trị nhân văn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.

Lễ hội truyền thống và các sự lệ diễn ra hằng năm luôn có sự gắn kết giữa các di tích đình, đền trong quần thể di tích, tăng thêm tính bền vững, tinh thần đoàn kết của cộng đồng nhân dân. Qua đó nhằm khơi dậy lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc, khích lệ nhân dân tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tôn vinh, ghi công các bậc anh hùng trong lịch sử đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước đây trong hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia quần thể đền Cao, di tích đền thờ vua Lê Đại Hành đã được khảo tả và thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của quần thể di tích. Việc bổ sung đền thờ vua Lê Đại Hành vào quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Cao là cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của chính quyền, nhân dân địa phương nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo UBND tỉnh có văn bản trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bổ sung di tích đền thờ vua Lê Đại Hành vào quyết định xếp hạng di tích quốc gia quần thể đền Cao.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm đưa đền thờ vua Lê Đại Hành vào quần thể di tích đền Cao