Ngôi đền cổ thờ gia đình có công đánh giặc Chiêm Thành

31/05/2020 20:22

Đền Vàng ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) được khởi dựng từ thời Lý, thờ gia đình bà Đào Dung Nương có công đánh giặc Chiêm Thành và đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1991.

Một số hạng mục của gian hậu cung đền Vàng đã xuống cấp

Nơi lưu giữ 9 đạo sắc phong

Theo sách Hải Dương di tích và danh thắng tập 1, các tài liệu lịch sử của địa phương, một số người cao tuổi trong làng, thời nhà Lý ở trang Lỗ Hạ thuộc đất Hồng Châu xưa, nay là thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) có người con gái xinh đẹp tên là Đào Dung Nương. Bà sinh được 6 người con trai thân hình vạm vỡ, thông minh, đức độ. Người anh cả văn võ song toàn, được vua kén làm phò mã kết duyên cùng công chúa Tiên Châu. Giặc Chiêm Thành sang xâm lược, người anh cả cùng 5 em về quê tuyển mộ quân sĩ, trấn giữ vùng Đông Bắc, công chúa Tiên Châu cũng theo chồng ra trận. Cả một vùng Đông Bắc rợp bóng cờ trận, quân sĩ truy bắt giặc đến sông Lục Đầu (Chí Linh) giành toàn thắng. Sau đó cả 6 anh em ông đều mất. Nghe tin chồng qua đời, công chúa Tiên Châu than khóc, tuẫn tiết cùng chồng. Nhà vua thương tiếc, phong tước cho 6 ông và công chúa, đồng thời lệnh cho trang Lỗ Hạ lập đền thờ để tưởng nhớ.

Ông Hồ Văn Thịnh, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Vàng cho biết ban đầu đền có quy mô nhỏ như miếu thờ, sau đó được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Hiện ngôi đền mang dấu ấn của kiến trúc thời Nguyễn. Đền gồm ba tòa: tiền tế, trung từ và hậu cung. Tòa tiền tế gồm 5 gian, cột gỗ lim to, kết cấu vì kiểu chồng giường đấu sen, trên các vì chạm khắc tinh xảo với các đề tài hoa lá, long phượng; hậu cung được nối thông với trung từ, kiến trúc gỗ lim. Đây là nơi để tượng của bà Đào Dung Nương, tượng Tiên Châu công chúa cùng 6 ngai thờ 6 vị tướng quân và các đồ thờ cúng khác.

Các triều đại phong kiến đều có sắc phong cho các vị. Nhân dân trong làng vẫn còn lưu giữ 9 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn gồm Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định. Ngoài ra, đền còn một số hiện vật có giá trị như bia đá, chó đá cổ...

Ông Nguyễn Văn Bí (74 tuổi) ở thôn Tằng Hạ cho biết theo thần phả và các cụ truyền lại thì hằng năm từ ngày 7 - 17 tháng giêng (âm lịch), nhân dân trong làng mở hội. Lễ hội có các trò chơi dân gian, hát chèo. Linh thiêng và náo nhiệt nhất là nghi lễ rước mẫu về đình Tằng Hạ (nơi thờ 6 tướng quân). Sau đó để kiệu mẫu ở lại đình qua gần 10 đêm, hàm ý mẫu gặp, tâm sự với các con rồi mới rước quay trở lại đền và tế lễ. Ngày nay, lễ hội rút ngắn còn 3 ngày từ mùng 7-9 tháng giêng (âm lịch), nhưng vẫn giữ được nghi lễ rước truyền thống, theo sau đoàn rước có hàng trăm người, đông hơn trước kia. Phần hội vẫn duy trì các trò chơi dân gian truyền thống.

Nhân dân góp tiền của trùng tu, tôn tạo

Theo thời gian, đền ngày càng xuống cấp, cứ mưa to, gió lớn là nước lại dột vào trong đền. Hệ thống tường bị bong tróc, nền nhà và nền sân thấp hơn mặt đường, cứ mưa là ngập úng, một số cấu kiện gỗ mục, chân của hơn chục cột gỗ to trong đền đều bị mục ruỗng. Đặc biệt, 2 đầu hồi của gian tiền tế bị nghiêng khoảng 17 độ, các linh vật rồng, nghê biến dạng.

Từ năm 2016, nhân dân và chính quyền xã đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí tu bổ nhưng không được. Ông Bí cho biết thêm nhận thấy di tích ngày càng xuống cấp, không bảo đảm an toàn khi tổ chức lễ hội nên năm 2018, nhân dân trong thôn đã họp bàn và quyết tâm tự nguyện đóng góp tiền của để tu sửa, bảo tồn di tích. Vì là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, muốn sửa phải xin phép các cấp, các ngành nên đến giữa năm 2018 mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt cho phép tu bổ.

Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên Hồ Văn Tân cho biết mỗi khẩu trên địa bàn đóng góp ít nhất 100.000 đồng để tu bổ di tích. Có những gia đình ủng hộ nhiều như hộ cụ Hồ Thị Dỡ 300 triệu đồng, ông Lê Văn Hoàng 50 triệu đồng, ông Vũ Văn Hiển ủng hộ toàn bộ ngói lợp mái, gạch lát nền tổng trị giá 150 triệu đồng …

Đến nay, đền Vàng đã được tu bổ toàn bộ nhà tiền tế, sân nền… với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Số tiền trên do nhân dân và con em xa quê đóng góp.

Mặc dù vậy, một số người dân vẫn còn băn khoăn, hậu cung là nơi linh thiêng nhất của cả ngôi đền nhưng cũng đang bị xuống cấp trầm trọng. Trời mưa vẫn bị dột do mái ngói đã quá cũ, các đầu hoành, đầu dư gối vào tường, một số chân cột trong hậu cung cũng bị mục… 

Người dân Gia Xuyên rất mong các cơ quan liên quan hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đền cổ thờ gia đình có công đánh giặc Chiêm Thành