Hào thành xưa và nay

20/10/2019 16:59

Trong các tư liệu lịch sử về Thành Đông, hào thành được nhắc đến với thông tin ít ỏi.

Con kênh nhỏ chạy dọc theo phố Hào Thành là một trong những dấu tích hiếm hoi còn sót lại của hào thành bao quanh Thành Đông xưa

Thực tế, dấu tích về hệ thống hào bao quanh Thành Đông xưa không còn nhiều.

Thành Đông ở đâu?

Theo sách “Địa chí thành phố Hải Dương”, trước năm 1804, lỵ sở Hải Dương được đặt tại Lạc Thiên (Chí Linh), lúc ấy gọi là thành Vạn hay doanh Vạn, sau đó rời về Mao Điền (Cẩm Giàng).

Năm 1804, vua Gia Long quyết định di chuyển sở lỵ của trấn Hải Dương từ Mao Điền về phía đông 15 km, trên ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Thái Bình, tại địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao.

Trấn thủ Hải Dương là Trần Công Hiến được giao nhiệm vụ tổ chức di chuyển và xây dựng thành Hải Dương hay còn gọi là Thành Đông. Thành giữ vị trí chiến lược án ngữ phía đông kinh thành Thăng Long, chặn quân giặc từ phía biển tràn vào.

Cũng như phần lớn các thành trì xây dựng vào thời Nguyễn, Thành Đông được thiết kế theo kiểu Vauban, ban đầu được đắp bằng đất mỗi góc có trạm gác với 4 cửa đông, tây, nam, bắc.

Thành thông với bên ngoài bằng hệ thống hào rộng 11 trượng (khoảng 44 m), sâu 6 thước (2,4 m) nối với sông Kẻ Sặt (qua cống ba Cửa) và sông Hàn Giang (nay là sông Thái Bình) để giao thông đường thủy, tiếp tế lương thực và vũ khí cho quan quân trong thành.

Năm 1883, Thành Đông rơi vào tay thực dân Pháp, đến khoảng đầu thế kỷ XX thì gần như đã bị xóa sổ. Đến nay, dấu tích về Thành Đông gần như không còn nên để trả lời câu hỏi Thành Đông bây giờ ở đâu cũng hiếm người biết.

Ông Lưu Đức Ý, thành viên Hội Sử học tỉnh cho biết sau gần 80năm dưới triều đình nhà Nguyễn, Thành Đông từng bước chuyển mình từ một khu trung tâm hành chính, quân sự đã phát triển thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại đông vui, sầm uất của tỉnh.

Đến nay, 4 cửa Thành Đông có thể hình dung như sau: phần cửa đông nằm giữa Bưu điện tỉnh và Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Hải Dương, cửa nam là khu vực Công ty CP Chế tạo bơm, cửa tây nằm trên đường Tuệ Tĩnh, khu vực Bệnh viện Quân y 7, cửa bắc nằm trên đường Chi Lăng.

Đất Thành Đông và cả khu hào thành đến nay chủ yếu nằm trọn trong diện tích của phường Nguyễn Trãi. Nhưng dấu tích của công trình này thì hầu như không còn nữa.

Cũng theo ông Ý, khu vực từng là hào bao quanh thành trước đây duy chỉ có cửa bắc trên đường Chi Lăng song vì quá trình đô thị hóa nên không còn giữ được nguyên vẹn. Ngoài ra, còn có con kênh chạy dọc theo phố Hào Thành là một phần của đường hào bao quanh Thành Đông trước kia. 

Diện mạo mới

Tìm đến phố Hào Thành chúng tôi bất ngờ bởi nằm gần những con phố sầm uất bậc nhất thành phố nhưng nơi đây lại không quá xô bồ, cảm giác như lạc vào làng quê yên tĩnh hiếm có giữa phố phường.

Con kênh nhỏ chạy dọc hai bên bờ đông và bờ tây Hào Thành tạo điểm nhấn riêng cho khu phố. Buổi sáng là thời gian tấp nập nhất ở Hào Thành bởi đây là khu phố ẩm thực với nhiều món ăn dân dã, hấp dẫn.

Ông Trần Ngọc Đạo (sinh năm 1937) thuộc lớp những người đầu tiên về phố Hào Thành sinh sống. Trong ký ức của ông, đất Hào Thành và khu vực Thành Đông xưa một thời gian dài thuộc diện “nhà không số, phố không tên”, người ta vẫn quen gọi đây là xóm Trại Cá.

Thời ấy, nhiều gia đình đến đây lập nghiệp phải tự mò đất, lấp ao làm nhà, nhiều người ngao ngán cho rằng đây là mảnh đất “cú kêu ra, ma kêu vào”, nhiều ao hồ nên không mấy người mặn mà gắn bó với nơi đây.

Phải đến những năm đổi mới, thực hiện chính sách di dân xây dựng kinh tế mới, người dân ở khắp nơi mới đổ về đây. Vậy nên, Hào Thành là một trong những khu phố có nhiều người dân ở khắp nơi về sinh cơ, lập nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Hồng, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, phố Hào Thành thuộc khu dân cư số 5 và 6 của phường. Từ một phường nghèo vào những năm 90 của thế kỷ trước, nay cùng với sự phát triển chung của thành phố, phường Nguyễn Trãi đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội. Riêng Hào Thành là khu phố duy nhất trong phường không có hộ nghèo.

Đặc biệt năm 2013, người dân phố Hào Thành đã tự hiến đất để mở rộng hai bên đường phía đông và phía tây con phố này để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Mỗi người dân ở Hào Thành cảm thấy tự hào vì đang sống trên mảnh đất gắn với lịch sử văn hiến của Thành Đông xưa. Gần 40 năm gắn bó với mảnh đất này, ông Nguyễn Đình Hiệp ở phố Hào Thành nói: “Không gì vui hơn việc được chứng kiến khu phố đang thay da, đổi thịt từng ngày. Tôi mong thế hệ sau sẽ còn xây dựng khu phố và quê hương phát triển hơn nữa”.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hào thành xưa và nay