Dấu tích vùng đất cổ ở An Khoái

11/09/2021 08:00

Tháng 6.2017, Bảo tàng tỉnh nhận được thông báo của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Miện về việc có người phát hiện di chỉ gốm tại thôn An Khoái, xã Tứ Cường (Thanh Miện).


Nơi phát hiện những mảnh gốm cổ và hàu biển

Ngay sau khi nhận được thông báo, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cùng UBND xã Tứ Cường tiến hành khảo sát thực địa.

Anh Vương Trọng Triều (sinh năm 1986) cho biết ngày 20.5.2017, trong quá trình hút bùn, cải tạo ao rộng 5.400 m2 thuộc diện tích đất chuyển đổi nông nghiệp của gia đình, đã phát hiện nhiều mảnh gốm như: bát, chén, đĩa, ang, bao nung… dưới độ sâu 1,5 - 2 m. Do nghi có liên quan tới mộ cổ nên gia đình đã báo cơ quan chức năng về xem xét, xử lý.

Ao canh tác của gia đình anh Triều thuộc cánh đồng Đống Trở là mảnh đất trũng thấp nhất trong vùng. Xa xưa, tại đây có con sông Đống Trở (còn gọi là Cừ Cháy), chảy quanh cánh đồng làng. Do biến đổi tự nhiên và xã hội, sông đã bị vùi lấp thành cánh đồng Đống Trở. Nay dòng sông chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi.

Quá trình canh tác, người dân còn phát hiện nhiều vỏ hàu biển dài từ 20 - 30 cm tại mé sông Tiêu T1, cách sông Cửu An khoảng 1 km.

Theo hồ sơ xếp hạng di tích đình An Khoái lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh, khu vực Đống Trở thôn An Khoái, xã Tứ Cường đã phát hiện một số gạch, ngói thời Trần (hiện còn 2 viên lưu tại đình An Khoái).


Hiện vật thu được qua khảo sát

Qua khảo sát thực địa cho thấy dưới lớp bùn ao khoảng 50cm có một lớp sân trạt phẳng dày từ 5 - 7 cm, rộng khoảng 200m2. Lớp trạt này đã bị vỡ vụn do máy xúc cải tạo ao của gia đình anh Triều. Di vật thu được gồm các mảnh bát, chén, đĩa, ang, bao nung… thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) và hậu Lê (thế kỷXVII-XVIII), mảnh đá gan gà và một khúc xương khuỷu trâu.

Việc phát hiện nhiều vỏ hàu biển dài từ 20-30 cm cho phép xác định thôn An Khoái, xã Tứ Cường là nơi có dấu tích thời kỳ biển tiến trong lịch sử kiến tạo địa chất khu vực, cách ngày nay hàng triệu năm. Đây cũng là cơ sở bước đầu cho công tác nghiên cứu gốm sứ cổ tại địa bàn huyện Thanh Miện.

Sông Đống Trở là con sông cổ chảy quanh khu cánh đồng Đống Trở. Do biến đổi của tự nhiên và xã hội trước đây nên sông đã bị bồi lấp thành cánh đồng. Việc sản xuất gốm xưa thường được tổ chức tại những nơi rộng rãi, thuận lợi để giao thương như ở đầu và cuối làng hoặc các bãi ven sông.

Những nhận xét bước đầu này xác định thôn An Khoái là một trong những vùng đất cổ của huyện Thanh Miện. Việc có phải là địa điểm/di chỉ sản xuất gốm hay không cần tiếp tục nghiên cứu. 

 AN MẬU - HOÀNG HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu tích vùng đất cổ ở An Khoái