Bảo tồn di tích thờ các nhân vật thời Hùng Vương

25/04/2018 13:45

Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của lớp thế hệ người Việt hôm nay đối với cha ông đã có công dựng nước và giữ nước.


Đầu trái đình Ngọc Lâm xuống cấp nghiêm trọng

Nhiều di tích xuống cấp

Hải Dương có khoảng 100 di tích đền, đình, nghè, miếu thờ các nhân vật thời Hùng Vương như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương, Tiên Dung công chúa và nhiều danh nhân, danh tướng khác. Ngoại trừ huyện Thanh Hà không có di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương, còn lại các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh đều có, tập trung nhiều ở thị xã Chí Linh (35 di tích), Cẩm Giàng và Bình Giang (mỗi nơi có 10 di tích). Nhiều di tích được xây dựng ở thế kỷ thứ 16 - 19, được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, lưu giữ được các đạo sắc phong, đồ thờ, bia đá mang nhiều giá trị… 

Các di tích trên là minh chứng lịch sử rõ nét về thời kỳ Hùng Vương. Tuy nhiên, hiện không ít di tích đã xuống cấp, thậm chí bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư tu bổ khiến nhân dân lo lắng. Đình Ngọc Lâm ở xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) thờ Cao Sơn Đại vương là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Ngôi đình được xây theo kiểu chữ đinh, chưa xác định được niên đại nhưng mang đậm kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ 19) và còn sót lại một vài cấu kiện gỗ thời hậu Lê (thế kỷ 18). Ngôi đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hai bên đầu trái của đình và toàn bộ cột, xà, hoành, rui, đầu, bẩy đều bị mối mọt, xập xệ. Mái hậu cung ngôi đình đã bị sập một phần. Nhân dân trong làng đã sử dụng các cây gỗ, dây thép để  chằng chéo, chống đỡ bên trong. “Mùa mưa bão sắp đến, nếu không được trùng tu kịp thời thì e rằng khó mà giữ được ngôi đình”, ông Phan Đức Ta, Trưởng Ban khánh tiết đình Ngọc Lâm nói.

Đình Vạn Niên ở khu dân cư Hoàng Hanh, thị trấn Nam Sách xây dựng từ thế kỷ 17 theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh”, thờ Quý Minh Đại vương. Đình được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1992, đã trùng tu nhiều lần nhưng vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Ông Vũ Trí Trường, Trưởng khu dân cư Hoàng Hanh cho biết các trụ cột, xà, hoành, rui ở gian tiền bái đình Vạn Niên làm hoàn toàn bằng gỗ lim nhưng giờ đã bị mối mọt. Nhân dân trong khu phải cắt bỏ chân các cột bị mối mọt để thay bằng trụ bê tông, đồng thời xây tường, dựng thêm cột gỗ chống đỡ. Trong khi đó các con kê, đòn tay, mái ở hậu cung ngôi đình cũng đã bị mục. Trước đây, bờ nóc đình Vạn Niên được đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt nhưng đã bị gẫy rụng. Cổng đình Vạn Niên to nhất xứ Đông một thời nay cũng bị xuống cấp, rất cần được trùng tu, tôn tạo.

Chính quyền, người dân nóng ruột

Theo ông Phạm Quang Hợp, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Lâm, đình Ngọc Lâm xuống cấp nghiêm trọng khiến cán bộ, nhân dân địa phương “đứng ngồi không yên” và nhiều lần có ý kiến xin được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên sau nhiều năm kiến nghị, vẫn chưa có quyết định nào chính thức của cấp trên cho phép thôn được thực hiện việc này. Ông Hợp cho biết: “Cấp trên ủng hộ được kinh phí là cái tốt, còn không chỉ cần cho phép về mặt chủ trương là thôn sẽ tiến hành trùng tu, tôn tạo ngay. Bởi ngoài số tiền khoảng 100 triệu đồng hiện có, các cụ trong Ban khánh tiết đình làng đã vận động được người dân ủng hộ gạch, ngói, xi măng…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ cho biết UBND xã đã có công văn gửi cấp trên phản ánh về thực trạng xuống cấp của đình Ngọc Lâm. Xã đã mời đơn vị tư vấn thiết kế về làm hồ sơ trùng tu, tôn tạo và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét nhưng đến nay chưa được phê duyệt. 

Gần 20 năm làm trưởng khu dân cư, ông Vũ Trí Trường đã chứng kiến nhiều đoàn về kiểm tra, khảo sát tại đình Vạn Niên. Cán bộ, nhân dân trong khu cũng nhiều lần đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí để tu sửa nhưng không có hồi âm. Số tiền công đức và vận động xã hội hóa hằng năm thu được từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng không đủ để tu sửa ngôi đình. “Mang rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nhưng nếu không nhận được sự quan tâm kịp thời của Nhà nước thì tôi e ngôi đình sớm muộn sẽ không giữ được”, ông Trường nói. 

Việc trùng tu, tôn tạo các di tích nói chung, di tích thờ các nhân vật thời Hùng Vương nói riêng, phải tuân theo Luật Di sản. Ngay cả những di tích xuống cấp, chính quyền địa phương đã lo được kinh phí cũng không thể tùy tiện trùng tu, tôn tạo. Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với những di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia như đình Ngọc Lâm, việc trùng tu, tôn tạo phải được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Những năm qua, Hải Dương luôn quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Nhưng do ngân sách hạn chế nên nguồn kinh phí đầu tư cho việc này không nhiều mà chủ yếu định hướng các địa phương đẩy mạnh vận động xã hội hóa. Năm2015 trở lại đây, Trung ương không còn cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo cho tỉnh. Bình quân mỗi năm, ngân sách tỉnh chỉ dành cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích khoảng 1 tỷ đồng, quá ít so với nhu cầu thực tế.

Bảo tồn, giữ gìn các di tích lịch sử văn hóa thời Hùng Vương sẽ góp phần giáo dục cội nguồn lịch sử, truyền thống dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc này cần có sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành và sự chung tay tích cực của các tầng lớp nhân dân.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn di tích thờ các nhân vật thời Hùng Vương