5 di tích tiêu biểu thờ các võ tướng thời Đinh

20/11/2020 17:57

Trong cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh, có nhiều võ tướng người Hải Dương tham gia. Sau khi mất, các võ tướng được nhân dân xây dựng đình, miếu thờ tự ghi nhận công lao.

Năm 944, sau khi Ngô Quyền mất, nội bộ nhà Ngô lục đục, suy yếu, không đảm đương việc điều hành đất nước, 12 vị hào trưởng của 12 vùng đã nổi lên xưng hùng, xưng bá, tạo nên loạn 12 sứ quân. Bất bình trước cảnh cát cứ, Đinh Bộ Lĩnh với tài trí hơn người được tôn làm Tù trưởng sách Đào Áo (nay thuộc các xã Gia Hưng, Gia Phú, Liên Sơn, huyện Gia Viễn, Ninh Bình), từng bước tập hợp, củng cố lực lượng, dấy binh phất cờ khởi nghĩa dẹp loạn, gây dựng nhà Đinh, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Trong cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh, có nhiều võ tướng người Hải Dương tham gia. Sau khi mất, các võ tướng được nhân dân xây dựng đình, miếu thờ tự, triều đình phong kiến ban tặng sắc phong ghi nhận công lao. Điều này thể hiện qua hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và ghi chép trong các thư tịch cổ (thần tích, bia ký, văn tế...). Dưới đây là 5 di tích tiêu biểu:

Đền Từ Hạ

Đền Từ Hạ ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) thờ 3 vị thành hoàng có mối liên hệ gắn bó ruột thịt trong một gia đình là Đặng Chân, Trịnh Thị Khang và Đặng Trí. Trịnh Thị Khang là vợ của Đặng Chân, Đặng Trí là con trai của Đặng Chân. Bấy giờ, loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh xuất hịch cấp báo, cả gia đình Đặng Chân đến xung quân. Chân công được phong là Đại tướng quân, lãnh binh theo đường bộ, Đặng Trí cùng mẹ theo đường thủy.

Khởi nghĩa thành công, cả gia đình được tặng phong chức vị và cho về quê hương. Khi mất, vua Đinh cử sứ về hành sự tang lễ và sai nhân dân địa phương lập miếu thờ, tôn Chân công là Đức Thánh Cả, Đặng Trí là Thánh Tử, Trịnh Thị Khang là Thánh Mẫu.

Theo văn bia, đền Từ Hạ xây dựng thời hậu Lê (thế kỷ XVII), trùng tu vào các năm 1856, 1897 và 1918, kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, kết cấu khung vì chất liệu gỗ lim chắc chắn. Tiền tế có nhiều bức cốn theo đề tài long quần, hoa lá cách điệu. Mặt trước hậu cung trang trí hai bức rồng chầu, cửa võng sơn son thếp vàng chạm phượng, hoa hồng và phúc thọ tạo thêm không gian linh thiêng - nơi đặt tượng thờ Đặng Chân, Trịnh Thị Khang và Đặng Trí. Lễ hội truyền thống tổ chức hằng năm vào hai kỳ 14 tháng giêng tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Cả, Thánh Tử và mùng 8.11 tưởng niệm ngày mất của Thánh Mẫu, có tục rước kiệu thành hoàng, tế thần và diễn các tích chèo cổ, đánh cờ người.

Đình Đông Quan 

Đình Đông Quan ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) thờ Trung Liệt Đại vương, Viên Dương Đại vương và Thanh Độ Đại vương. Trong cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh, Trung Liệt giữ chức “Thống lĩnh Tiền quân quản sư thủy bộ chư quân sự”, Viên Dương giữ chức “Tham tán Mưu thần”, Độ Công giữ chức “Phó tướng Hậu quân”, chỉ huy ba đạo quân.

Thắng trận, nhà vua cấp cho 3 ông 30 gia thần, cho phép trở về trang Hồng Liễu hưởng lộc và miễn sưu thuế cho nhân dân. 3 ông mất, nhà vua vô cùng thương tiếc, sai đình thần đến hành lễ tế và sắc dân lập miếu phụng thờ.

Theo truyền ngôn, thủa sơ khai đình Đông Quan có quy mô nhỏ. Đến năm Bính Thìn - Hoàng triều Khải Định (1916), đình được trùng tu lớn. Trải qua hơn 100 năm, tuy được tu sửa nhiều lần nhưng đình vẫn giữ nguyên những yếu tố gốc cổ với tổng thể kiến trúc có cổng, sân, đại bái và hậu cung. Cùng với hệ thống vì kèo và các chi tiết mộc, đại bái còn lưu giữ nhiều bức cốn chạm liên hoàn hai mặt, không chỉ có tác dụng chịu lực, đỡ các đầu hoành mà còn là tác phẩm nghệ thuật giá trị với đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quí (tùng, trúc, cúc, mai), long ngư hý thuỷ, long quần, thuyền bè sông nước gắn với những chùa, tháp cổ. Lễ hội truyền thống đình Đông Quan tổ chức vào ngày 14 tháng giêng âm lịch. Ngoài phần lễ, tế thánh, phần hội diễn ra trò chơi đấu vật, bắt vịt, đi cầu kiều… tại sân và ao đình, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia.

Đình Đỗ Lâm Hạ


Đình Đỗ Lâm Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) - nơi thờ Lý Trí Thắng

Đình Đỗ Lâm Hạ ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) thờ Lý Trí Thắng. Lịch sử của ông và gia đình ghi chép khá rõ trong thần tích do Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc thứ 5 (1576): Thân phụ của Lý Trí Thắng họ Lý, tên húy là Hùng, thân mẫu họ Trần, tên húy là Hồng. Năm 14 tuổi, Lý Trí Thắng đã tinh thông võ nghệ, văn chương. Khi Nguyễn Bặc - tướng quân của Đinh Bộ Lĩnh tiến quân đến phủ Hạ Hồng thì gặp Lý Trí Thắng. Biết ông có tài, Nguyễn Bặc cùng ông về Hoa Lư ra mắt Đinh Bộ Lĩnh, được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng, phong chức “Tả đạo binh nhung” kiêm “Tham tán mưu sự”.

Khởi nghĩa thắng lợi, do có công lớn, ông được giao nhậm chức ở Hoan Châu. Khi mất, nhân dân tôn ông làm thành hoàng, lập đình phụng thờ.

Đình Đỗ Lâm Hạ xây dựng vào thời hậu Lê với quy mô lớn. Năm Thành Thái 10 (1898) được trùng tu, năm Bảo Đại 14 (1939) tu sửa. Năm 2019, đình tiếp tục được tôn tạo phần ngoại thất, sân vườn, khuôn viên di tích khang trang. Công trình có kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh gồm 5 gian đại bái, 5 gian trung từ và 4 gian hậu cung, chất liệu gỗ lim.
Lễ hội truyền thống của đình vào ngày 10 tháng giêng. Trong lễ hội, phần lễ có tổ chức rước nước, rước kiệu long đình và thi lợn thờ.

Đình Dậu Trì

Đình Dậu Trì ở xã Hồng Dụ (Ninh Giang) thờ Trần Minh Công. Khi nước ta có loạn 12 sứ quân, Trần Minh Công đã tụ binh khởi nghĩa, lấy lòng nhân đức để quy phục lòng người. Đinh Bộ Lĩnh đến thăm bằng lòng chuẩn y, cho nhập vào đại quân. Do lập nhiều công lao, Minh Công được nhà vua khen ngợi. Ông mất, nhà vua vô cùng thương tiếc, ban tiền xây miếu và giao cho khu Dậu phụng thờ, tôn làm thành hoàng.

Di tích khởi dựng vào năm Thành Thái - Kỷ Sửu (1889), trùng tu vào năm 1906 và 1916, kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu gỗ tứ thiết. Chính giữa hậu cung đặt ngai thờ Trần Minh Công cùng các đồ thờ tự khác như sập thờ, bát bửu, long đình… đều là những cổ vật giá trị có niên đại vào thời Nguyễn.

Lễ hội truyền thống của đình diễn ra từ ngày 11-11.11 âm lịch. Ngoài rước, tế thần và các trò chơi dân gian cờ người, đi cầu thùm… trong lễ hội còn diễn ra cuộc thi mâm ngũ quả, thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng.

Đền Phú Mỹ Xuân Hoa

Đền Phú Mỹ Xuân Hoa ở xã Bình Dân (Kim Thành) thờ Đặng Sĩ Nghị. Nghe chiếu truyền Đinh Bộ Lĩnh tuyển binh khởi nghĩa, Đặng Sĩ Nghị lấy gia thần được 6 vạn người đến ứng tuyển. Đinh Bộ Lĩnh thấy Nghị công văn võ toàn tài, trí dũng hơn người liền phong làm “Thống lãnh đại tướng quân”, sai dẫn quân tuần phong theo hướng đông nam. Khi đến trang Phú Nội, quận Trà Hương thì gặp quân phiến loạn, bèn cùng sĩ tốt và nhân dân xây dựng đồn trại để đối phó.

Thắng trận trở về, Nghị công được vua cho giữ chức Lễ bộ Tả thị lang, sau đó cử làm Tổng trấn Nghệ An. Sau khi ông mất, nhà vua sắc phong Phúc thần, ban chiếu trong thiên hạ, những nơi nào Nghị công thiết lập đồn lũy lập đền, miếu phụng thờ. Di tích khởi dựng từ khá sớm, trùng tu nhiều lần vào thời hậu Lê và thời Nguyễn, kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung, xây bít đốc quai chảo, chất liệu gỗ lim, nội thất có nhiều bức chạm tứ quý hóa long, nghê hý cầu nghệ thuật. Di tích có nhiều cổ vật quý, trong đó có tượng thành hoàng, cuốn thư, câu đối, đại tự, bia thần tích, sắc phong cùng hệ thống tháp gạch cổ.

Lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 14-16 tháng giêng âm lịch hằng năm. Trong lễ hội có tục tế tam sinh và rước lên chùa Bùi lễ Phật cùng một số trò chơi dân gian như vật, cờ người, đi cầu thùm.

Quy mô mỗi di tích thờ các nhân vật thời Đinh ở Hải Dương dù khác nhau nhưng đều có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. 

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 di tích tiêu biểu thờ các võ tướng thời Đinh