Đình Đồng Bình là nơi thờ Thành hoàng làng Đào Vinh Công, người có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông.
Đình Đồng Bình, xã Ninh Hải (Ninh Giang)
Đình Đồng Bình ở thôn Đồng Bình, xã Ninh Hải (Ninh Giang) thờ Thành hoàng làng Đào Vinh Công, người có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông.
Theo sử sách ghi lại, vào đầu thế kỷ thứ 13, quân Nguyên Mông do Toa Đô và Ô Mã Nhi sang xâm lược nước ta, vua Trần Nhân Tông tổ chức chiêu mộ các tướng tài trong thiên hạ để đánh giặc. Lúc này ở Vĩnh Lạc, Phả Lại có người tên là Đào Vinh Công tổ chức chiêu mộ binh dân trong vùng được hơn 2.000 người dẫn về Kinh đô ứng tuyển. Vua Trần Nhân Tông thấy Đào Vinh Công là người văn võ song toàn và đức độ liền phong ông làm Đô nguyên soái - Đại tướng quân. Sau đó, Đào Vinh Công dẫn 2.000 quân đi trước tuần phòng, khi quân đến trại Đồng Bình, Nhân Lý trang, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng thấy thế sông núi bao quanh, rồng chầu hổ phục, sơn thủy hữu tình, ông liền cho trú quân, xây dựng đồn để ứng phó với giặc; mua đất lập miếu thờ và dạy nhân dân trong làng cày cấy.
Khi đánh thắng quân Nguyên Mông trở về, Đào Vinh Công được vua ban thưởng và rời về Hải Dương nhậm sở. Sau khi ông qua đời, vua phong sắc thờ phụng vị thần bậc thượng đẳng và cho phép thôn Đồng Bình thờ mãi mãi.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân trong làng đã lập đình thờ và tôn ông là thành hoàng làng. Đến các đời vua Trần Dụ Tông, vua Lê Thái Tổ, triều Nguyễn Đồng Khánh, vua Duy Tân, vua Khải Định đều ban thêm mỹ tự và phong sắc chỉ cho thôn Đồng Bình trùng tu phụng thờ.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình Đồng Bình là nơi nuôi giấu cán bộ, hội họp của các lực lượng vũ trang và là nơi dạy học của Trường Tiểu học xã Ninh Hải. Khi hòa bình lập lại, đình Đồng Bình là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng. Hằng năm, vào ngày sinh (15 - 2 âm lịch) và ngày mất của ông (15 - 8 âm lịch), nhân dân địa phương lại mở hội cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ công lao của ông đối với đất nước.
Trải qua những biến động lịch sử và thăng trầm của thời gian, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Được sự đồng ý của các cấp ủy đảng và thể theo nguyện vọng của nhân dân, trong các năm 1948, 1981 và 1993, nhân dân địa phương đã góp tiền, góp của để trùng tu, tôn tạo ngôi đình. Hiện nay, đình Đồng Bình được xây trên một gò đất cao ở giữa làng theo kiểu kiến trúc chữ đinh gồm 3 gian tiền bái và 2 gian hậu cung với chiều rộng gần 70m2, gồm 4 vì kèo theo kiểu “ con chồng giá chiêng” và nhiều mảng chạm khắc đạt đến trình độ nghệ thuật cao như: các vẩy hiên, vì kèo chạm lá hoa long, lá lật, đặc biệt tại các vì kèo chạm rồng ngậm ngọc mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn. Hiện tại, ngôi đình còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như: sắc phong đời Vua Khải Định (1924), bức đại tự, câu đối, ngai thờ, bộ chấp kích, lư hương đá thời Nguyễn và tài liệu Hán - Nôm.
Với những giá trị về lịch sử và nghệ thuật đó, tháng 12 - 2011, UBND tỉnh đã xếp hạng đình Đồng Bình là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân trong làng mà còn là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Đồng Bình trong việc tôn tạo, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của ngôi đình, để đình Đồng Bình luôn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong làng và khách thập phương gần xa.
ĐỨC TÙY