Di tích chùa Mui

25/03/2012 09:36

Chùa Mui (xã Ngũ Hùng, Thanh Miện) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vui cũng là niềm tự hào của người dân thôn Cụ Trì.


Chùa Mui hiện còn giữ được một số cổ vật


Chùa Mui có tên tự là Viên Quang Tự, nằm ngay giữa thôn Cụ Trì (xã Ngũ Hùng, Thanh Miện), mặt tiền quay hướng đông nam nhìn ra ao đình. Trước kia, công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, xây dựng theo kiểu bít đốc bổ trụ. Phía sau chùa là khoảng sân rộng và 5 gian nhà tổ, 5 gian nhà tăng, phía trước là sân. Năm 1941, sư trụ trì đã cho nâng cấp gian tiền đường. Sau Cách mạng Tháng Tám, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân mà còn là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của xã Ngũ Hùng, là xưởng sản xuất vũ khí, là nơi mở các lớp bình dân học vụ và cũng là nơi mở lớp học của trường cấp I và cấp II xã Ngũ Hùng. Dưới nền hậu cung còn có hầm bí mật là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Những năm 1947 - 1948, chùa là nơi làm việc của Toà án Nhân dân huyện. Các năm 1948 - 1949, 5 gian nhà tổ, 5 gian nhà tăng bị thực dân Pháp đánh phá. Các năm 1950 - 1951, đây là nơi sản xuất vũ khí của Tỉnh đội Hải Dương, năm 1952 là trụ sở làm việc của Văn phòng Khu Tả Ngạn... Chùa vẫn còn giữ được khá nhiều phong tục lễ hội như: giỗ Mẫu 3 tháng 3 âm lịch, giỗ cụ sư Trọng 18-3 âm lịch, ngày Phật đản mồng 8 - 4, ngày lễ Vu Lan 15 - 7…

Trải qua những thăng trầm lịch sử, thể theo nguyện vọng của nhân dân, chùa đã được tu sửa nhiều lần. Hiện nay, chùa nằm trên một khu đất cao ráo. 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín vẫn còn khá nguyên vẹn cho tới nay. Năm gian tiền đường dài 10,83m, rộng 4,5m với kết cấu chính là 4 vì kèo chất liệu gỗ tứ thiết chắc khoẻ, hai vì kèo gian trung tâm có kiến trúc kẻ chuyền, chồng rường. Hai vì kèo gian bên kiểu chồng rường. Các chi tiết mềm mại, chau chuốt, liên quan với nhau bởi hệ thống mang mộng bén khít. Liên kết giữa các vì kèo là hệ thống lá mái, rui mái, hoành mái, thượng lương… Công trình có quy mô nhỏ, lòng nhà hẹp, kích thước của cột cái và cột quân nhỏ. Lòng mái mở theo thức “thượng tam, hạ tứ”, móng tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vảy cá truyền thống. Tại hiên gian trung tâm, còn lưu giữ được các bức chạm theo đề tài lá hoá long khá sống động, tinh vi của nghệ nhân dân gian. Ba gian hậu cung dài 6,93 m, rộng 6,68m gồm 3 vì kèo kiến trúc kiểu gạch cuốn vòm… Chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như các pho tượng gỗ, bát hương, nậm rượu, đĩa thế kỷ 19. Đặc biệt là có 5 bia đá cổ niên đại thời Nguyễn…

Năm 2011, chùa Mui được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vui cũng là niềm tự hào của các thế hệ người dân thôn Cụ Trì.

PHẠM LOAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích chùa Mui