Cùng với các giá trị văn hóa vật thể, Côn Sơn- Kiếp Bạc còn nổi tiếng với lễ hội cổ truyền đậm màu sắc dân gian, các trò chơi hội được nhân dân gìn giữ qua các thế hệ.
Tế lễ trên núi Ngũ Nhạc linh từ. Ảnh: Thành Chung
Với lịch sử hình thành hơn 7 thế kỷ, Côn Sơn- Kiếp Bạc là vùng đất nổi tiếng của danh sơn, huyền thoại, thiên nhiên kỳ thú, những công trình kiến trúc độc đáo, những địa danh lịch sử gắn với những chiến công oanh liệt của các triều đại trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc. Cùng với các giá trị văn hóa vật thể, Côn Sơn- Kiếp Bạc còn nổi tiếng với lễ hội cổ truyền đậm màu sắc dân gian, các trò chơi hội được nhân dân gìn giữ qua các thế hệ.
Tiếng chiêng trống nổi lên. Từ chân núi Ngũ Nhạc, đoàn hành lễ trong trang phục áo nâu, cờ hội tiến lên núi. Dưới tán thông xanh, trong tiếng trống chiêng, tiếng nhạc lưu thủy rộn vang núi rừng, đoàn tiến về Bắc Nhạc miếu. Tại đây, sau khi dâng lễ theo phương thức truyền thống, đoàn tiến về Trung Nhạc miếu, trung tâm của núi Ngũ Nhạc để hành lễ tế trời đất. Ngay từ sớm, tại Trung Nhạc miếu đã có rất đông các du khách thập phương tề tựu để tham dự lễ tế này. Trước trời đất, đại diện lãnh đạo các cấp cùng nhân dân, du khách thập phương thành tâm dâng hương khấn nguyện. Tiếp đến các nhà sư cùng các đội tế nam, nữ tổ chức tuyên đọc chúc văn trên nền trống điểm, cúng ngũ phương, cúng trời đất, cầu chúc quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, no đủ, thiên hạ thái bình. Kết thúc tế lễ là lễ ban ngũ cốc cho cơ quan, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã, nhân dân và du khách thập phương mong một năm no đủ, mùa màng tươi tốt. Rời Trung Cung, đoàn tiếp tục hành lễ tại Tây Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu và Nam Nhạc miếu. Đó là lễ tế độc đáo, đặc sắc trên núi Ngũ Nhạc, một trong nhiều nghi thức cổ truyền của Lễ hội xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc.
Tại Côn Sơn, cùng với lễ tế trên Ngũ Nhạc linh từ còn có lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Đán, lễ rước văn trang nghiêm từ chùa Côn Sơn về Đền thờ Nguyễn Trãi. Đắm mình vào lễ hội Côn Sơn, du khách còn được tham dự nghi lễ rước nước- lễ mộc dục (lấy nước tắm tượng) vào ngày 16 tháng giêng. Đây là một nghi lễ quan trọng của lễ hội xuân Côn Sơn thể hiện ước muốn cầu mùa, cầu nước, cầu phong đăng hỏa cốc, nhân khang, vật thịnh.
Lễ rước văn truyền thống tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Thành Chung
Lễ rước nước - lễ mộc dục diễn ra trong không khí linh thiêng thì lễ mông sơn thí thực tại lễ hội xuân Côn Sơn lại gần gũi, dân dã. Theo quan niệm của Phật giáo, cõi âm có rất nhiều các cô hồn không nơi nương tựa. Bởi vậy vào các dịp lễ hội, tại Côn Sơn thường tổ chức lễ đàn mông sơn nhằm thể hiện uy linh, tinh thần từ bi, hỉ xả cứu độ chúng sinh của nhà Phật, của Tam tổ Trúc Lâm và bố thí cho các cô hồn, cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình. Nghi lễ diễn ra vào buổi tối, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến.
Ngoài những nghi lễ được duy trì, gìn giữ, bảo lưu trong cộng đồng dân cư, thực hiện Đề án "Nâng cấp lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006-2010", nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian, diễn xướng cổ xưa có nguy cơ mai một đã được phục dựng thành công với nội dung phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu thu hút đông đảo nhân dân các vùng Quảng Ninh, Hải Phòng, Kênh Giang (Hải Dương). Nhân dân 2 làng Dược Sơn, Vạn Yên khôi phục truyền thống làm bánh xu xuê, gừng, bánh trong, bánh lọc, bánh mật, bánh gio, bánh giò tiến thánh. Các cơ cánh trong cả nước về tổ chức các khóa diễn xướng, hầu thánh ca ngợi công lao các bậc anh hùng triều Trần. Rồi các nghi lễ rước bộ, ban ấn, cầu an, hội hoa đăng tại đền Kiếp Bạc đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng.
Theo các tài liệu, hằng năm, theo lệ cổ, vào ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo (20-8 âm lịch) và ngày viên tịch của Tam tổ Huyền Quang (22 tháng giêng), triều đình đều cử các quan đại thần, các quan phủ, trấn vùng lân cận về dự tế, lễ tại Kiếp Bạc - Côn Sơn cầu cho quốc thái dân an. Nhân dân gần xa nô nức về trẩy hội. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành sự kiện sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong cộng đồng người Việt.
Ông Phạm Xuân Thúy, người xã Hưng Đạo cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Năm nay tôi gần 70 tuổi thì cũng mấy mươi năm tôi được tham gia các lễ hội độc đáo, đậm chất dân gian như lễ tiến cỗ lợn sống, lễ tiến bánh thánh, lễ rước bộ...”.
Làm lên sự độc đáo, hấp dẫn của lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc còn có các hoạt động hội đa dạng, phong phú gắn liền với sự tích, nhân vật được thờ nơi đây. Côn Sơn có hội vật truyền thống, đu tiên, chọi gà, viết thư pháp, cờ tướng. Kiếp Bạc lại cuốn hút với thi nấu cơm, múa rối, bắt vịt, đua thuyền chải. Năm 2012, lần đầu tiên Giải vô địch đua thuyền truyền thống các câu lạc bộ toàn quốc được tổ chức trên sông Lục Đầu và dự kiến sẽ tổ chức hằng năm đã tạo không khí mới cho lễ hội.
Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ là nơi của những công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo độc đáo, có giá trị từ thời Trần, vùng danh thắng với thiên nhiên kỳ thú, nơi hội tụ những vĩ nhân, Anh hùng dân tộc như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Pháp Loa, Trần Nguyên Đán mà còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý. Với những giá trị độc đáo, phong phú, hấp dẫn của lễ hội truyền thống được bảo lưu và phục dựng, năm 2013, Lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
NGỌC HÙNG