Đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo (Chí Linh) thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn). Ngôi đền được dựng sau khi ngài qua đời (năm 1300).
Bia "Cung tu vạn dược linh từ"
Đến nay đã hơn 700 năm, ngôi đền vẫn là nơi cầu đảo linh thiêng khi quốc gia có vận sự, dân chúng gặp tai ách.
Bố cục đền thờ mang phong cách độc đáo. Có lẽ chỉ ở đền Kiếp Bạc là có đủ các ban thờ của một gia đình, gồm cha mẹ, các con trai, con gái, con rể và hai vị gia tướng Yết Kiêu, Dã Tượng. Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc viết: “Phối thờ trong đền là gia quyến của đại vương, gồm 4 pho tượng thờ: Phu nhân của Trần Hưng Đạo, tướng quân Phạm Ngũ Lão, 2 người con gái của Trần Hưng Đạo. Tại vị trí trang trọng nhất của đền Kiếp Bạc, tượng Đức Thánh Trần bằng đồng, nặng hàng tấn ngự trên ngai sơn son thếp vàng đường bệ, uy nghi bao thế kỷ vẫn toát ra hùng tâm tráng chí và hào khí Đông A lẫm liệt”. Theo Luật Di sản văn hóa thì pho tượng đang trên ngai thờ là di sản vật thể. Còn di sản phi vật thể là những ghi chép trong sách, trong văn bia, trong truyện truyền khẩu về ý tưởng (duyên cớ) tạc tượng đến xác định kích cỡ, kiểu dáng pho tượng và mũ, áo, đai lưng, giày dép, ngai thờ, khám thờ, bát hương, đỉnh hương, mâm bồng; thời gian khởi công, hoàn thành; tổ chức, cá nhân cấp kinh phí để làm nên pho tượng. Di sản phi vật thể ở phần lớn những pho tượng thờ tại các di tích hiện nay vẫn còn là ẩn số. Riêng pho tượng Đức Thánh Trần và phu nhân ở đền Kiếp Bạc lại được phản ánh trong di sản phi vật thể khá rõ nét. Thông tin này được ghi chép trong văn bia “Cung tu vạn dược linh từ" nghĩa là "Cung kính trùng tu đền Vạn Kiếp Dược Sơn linh thiêng". Văn bia dựng tại nhà bia đền Kiếp Bạc.
Bia là khối đá hình chữ nhật 4 mặt, khổ 110 x 65 x 20 cm. Hoa văn rèm bia trang trí hình chim phượng, mây, lá. Bia bị vỡ làm 3 mảnh, được gắn lại bằng vữa xi măng. Một mặt viết chữ Hán, gồm 21 dòng, loại chữ thảo, chân phương. Nét chữ khắc nông, một số chữ bị mất nét. Niên đại tạo năm Thành Thái 18 (1906). Tác giả là Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn (1880?), chức Vinh lộc đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ Sung biện thanh tra Hội đồng sự vụ Gia Xuyên Đỗ Văn Tâm. Văn bia được giới thiệu trong sách di sản Hán Nôm Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Sơn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành năm 2006.
Đây là tư liệu di sản phi vật thể có lẽ thuộc loại quý hiếm, chỉ thấy ở đền Kiếp Bạc. |
|
Nội dung văn bia ghi về gia đình ông Lê Văn Thược, vợ người họ Nguyễn, vốn là người thôn Nam Ngư, TP Hà Nội về TP Hải Phòng sinh sống. Tuổi trung niên mà ông bà vẫn vất vả đường con cái nhưng nhờ đến đền Kiếp Bạc thành tâm lễ bái, cầu khấn, từ đó công việc kinh doanh đều trúng, con cái đông đủ, nên người. Ông bà nghĩ rằng thành công của gia đình đều do thánh thần ban phúc. Nhân đó chọn ngày tốt công đức một số hạng mục. Đặc sắc là pho tượng Trần Hưng Đạo và tượng Phu nhân của ông. Cả hai pho tượng đều làm bằng đồng. Văn bia ghi: Năm Nhâm Dần (1902), đúc tượng đại vương Trần Hưng Đạo bằng đồng, cao 4 thước 8 tấc 8 phân 7 li, rộng 1 thước 3 tấc; tượng Thánh mẫu (phu nhân Trần Hưng Đạo) bằng đồng, cao 4 thước 2 tấc, rộng 1 thước 5 phân. Mỗi tòa đều có áo mũ, cân đai, ngai ỷ đều bằng đồng ("Cung tu vạn dược linh từ", dòng 8 và 9). Văn bia ghi hệ đo lường cổ, đổi ra số đo hiện nay, pho tượng Trần Hưng Đạo cao gần 2 m, pho tượng phu nhân cao hơn 1,68 m. Kinh phí để tạo dựng pho tượng và áo mũ, cân đai, ngai, ỷ thờ đều là tiền riêng, không quyên góp một xu.
Nhiều di tích có đề cập tới di sản phi vật thể của nhân vật được thờ trong các tài liệu văn bia, thần tích, câu đối, hoành phi. Nhưng đó là bộc bạch nguyên cớ, đức độ, công trạng nhân vật được thờ, quy định nghi lễ cúng tế, lễ vật, văn tế. Một số văn bản có ghi chép về tô tượng, đúc chuông, nhưng thường là danh sách người công đức tiền, công đức ruộng. Hầu như không đề cập đến số đo của hình hài pho tượng. Ở đền Kiếp Bạc, pho tượng có số đo chính xác đến mm, có niên đại tuyệt đối, chất liệu đúc tượng, nguồn kinh phí đầu tư, người dầu tư và nguyên cớ công đức cũng rất rõ ràng. Trong 7 văn bia hiện còn ở đền Kiếp Bạc, chúng tôi chỉ gặp văn bia “Cung tu vạn dược linh” ghi từ số đo, chất liệu của pho tượng. Người kể sự việc là vị quan trông coi bản trấn, có học vị đại khoa. Đây là tư liệu di sản phi vật thể có lẽ thuộc loại quý hiếm, chỉ thấy ở đền Kiếp Bạc.
Tác giả văn bia ghi cảm tưởng về nghĩa cử của người công đức: “Năm Đinh Dậu (1897), ta vừa mới đến trông coi trấn (Hải Dương), (cho) tu bổ thêm (hạng mục của đền), nhưng công sức tiền của rất lớn, chưa thể quyên góp tương trợ đủ tiền tài. May nhờ có ông Lê Quân (Lê Văn Thược) giúp một khoản tiền lớn”. Số tiền gia đình ông Lê Văn Thược công đức từ năm 1895 đến năm 1906 là một vạn đồng, “đều là tiền riêng, không quyên góp một xu" (lời văn bia, dòng 11). Văn bia cho ta biết trong 11 năm gia đình ông Lê Văn Thược công đức các hạng mục: đúc tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân và trang phục, ngai ỷ thờ; cung tiến một quả chuông đồng cho đền Bắc Đẩu, sửa đường lên núi Nam Tào, chế tác hai chiếc kiệu long đình thếp vàng, tu sửa một tòa năm gian, đều dùng gỗ lim, trên lợp ngói, dưới đặt ba phiến đá vuông, xây tường.
Có ý kiến cho rằng tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thờ ở đền Kiếp Bạc với trang phục võ quan là không phù hợp, bởi tài văn võ song toàn và đức độ của ngài. Chuyện bàn luận cần được tôn trọng. Nhưng từ nguồn tư liệu chính sử và chuyện kể dã sử cùng những ghi chép trong văn bia “Cung tu vạn dược linh từ” thì pho tượng thể hiện năm 1902 vẫn là một giá trị chưa thể thay thế được.
VĂN LỘC