Doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị nghiêm cấm đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.
Từ ngày 20.5, Nghị định 38/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực. Một số quy định bắt buộc đối với NLĐ và doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động như sau:
1. Những việc NLĐ Việt Nam không được đến làm việc ở nước ngoài gồm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại; công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại; công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương); công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Nghiêm cấm NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tại khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc, đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
2. Doanh nghiệp đưa NLĐ đi nước ngoài phải có vốn pháp định 5 tỷ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, phải đáp ứng các điều kiện về vốn sau: vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
Các doanh nghiệp tham gia phải có đề án hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của đề án phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
NGỌC HÂN (tổng hợp)