Chỉ sau mấy ngày nắng rát, về thăm xã T. đã thấy màu xanh mạ non trải khắp các cánh đồng. Anh cán bộ nông nghiệp huyện ngỡ ngàng hỏi:
- Các ông có cấy đúng lịch và thời tiết chỉ đạo không đấy?
- Đúng chứ! Anh trông những cánh mạ non bắt đầu bén rễ xanh thế kia mà… - một thanh niên đáp.
- Nhưng làm thế nào mà cấy nhanh thế?
- Cấy cả ngày lẫn đêm.
- Đêm có trăng đâu mà cấy?
- Thế là anh chỉ quen nghe câu hát dân ca “Lên đầm bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” thôi. Còn đi cấy bằng đèn thì...
- Cấy bằng đèn? Sáng kiến đấy...
Cán bộ khuyến nông xã mới giải thích: Xã anh vốn là nơi có nhiều lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Nhưng rất nhiều gia đình “ly nông không ly hương” nên nhà nào cũng vẫn giữ một phần ruộng cấy đủ thóc ăn mùa này sang vụ khác. Hơn nữa, vụ lúa mùa này gấp quá, lại gặp phải cái tháng nắng nóng đều gần 40 độ. Ngày xưa cũng nắng nóng nhưng không “ác liệt” như bây giờ. Với lại các cụ ngày đó có cái áo tơi làm bằng lá gồi còn đỡ nóng, bây giờ chỉ có áo chống nắng bằng vải sợi thì chịu sao được. Vậy làm thế nào để cấy kịp thời vụ rồi còn làm vụ đông? Thế là nhiều nhà phải cấy đêm. Không có trăng thì dùng những chiếc đèn ắc-quy thường đi soi cá, bắt ếch mang theo người. Nhờ có ánh sáng từ đó mà vẫn thao tác dễ dàng khi rút mạ cấy theo hàng thẳng lối. Một vài người làm sau đó nhiều người bắt chước nên xã tôi mới cấy nhanh được chứ…
Anh cán bộ nghe xong thì vỗ tay cười: "Thế thì đúng là đi cấy bằng… đèn rồi!”.
TRỌNG NGUYỄN