"Dị bản" từ quảng cáo với góc nhìn văn hóa

19/10/2022 10:21

Không thể lạm dụng các hình thức quảng cáo một cách phản khoa học, phạm vào thuần phong mỹ tục, vào truyền thống văn hóa dân tộc.

Kinh tế thị trường phát triển thì quảng cáo cũng phát triển theo. Nhìn theo một góc độ nào đó, quảng cáo cũng là một kiểu thông tin cổ động, gõ trống rung chuông, gây tò mò để người ta ghi nhớ điều cần nói. 

Có đến "nghìn lẻ một” kiểu quảng cáo được ngụy biện bằng sự “sáng tạo”. Nó đang nở rộ như nấm sau mưa, từ hình thức sơ đẳng nhất cho đến sự hiện đại công phu nhất. Không hiếm sản phẩm được tôn lên là “tốt nhất”, “duy nhất”, là “số một” để tâng bốc chất lượng mà chưa có một cơ sở pháp lý nào minh chứng. Có khi là sử dụng chữ nước ngoài to hơn chữ Việt trên các tờ quảng cáo. Người ta treo những tấm biển to đùng, treo choán hết cả không gian, che chắn cả tầm nhìn trên đường phố… Đó là chưa kể các hình thức in tờ rơi dán cột điện, tường nhà dân, bờ rào, cổng trường học làm nhem nhuốc, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Vô tâm hay cố ý, ngay giữa trưa hè, chủ nhà đang giấc ngủ, vẫn có “khách không mời” đến từng nhà bấm chuông, gọi cửa hoặc nhét tờ rơi vào để quảng cáo bán hàng.  

Các nhà sản xuất lớn thì có cả một chiến lược marketing quảng bá hình ảnh sản phẩm rất bài bản. Họ quảng cáo trong "khung giờ vàng" trên tivi, phát quảng cáo xen kẽ trước, giữa hoặc sau trong những bộ phim đang ăn khách. Có khi vừa mới chiếu chưa được 2 phút, bỗng nhiên chuyển cảnh đến một chương trình quảng cáo, khiến khán giả ngồi trước màn hình tưng hửng... Thậm chí là phim đã hết, nhưng chèn thêm một quảng cáo để dụ người xem hồi hộp chờ xem tiếp, nhưng sau đấy chỉ có dòng chữ “hết tập...”.

Hình ảnh các diễn viên nổi tiếng, được gán vào các nội dung để quảng cáo, mà không hề xin phép, đến nỗi các nhân vật phải lên tiếng phê phán. Gần đây trên mạng xã hội ồn ào về các vụ lùm xùm một số nghệ sĩ có tên tuổi quảng cáo sản phẩm thuốc trên truyền hình quốc gia. Chẳng có quy định nào cấm nghệ sĩ quảng cáo? Nhưng tiếc thay, một số nghệ sĩ lại quảng cáo cho những sản phẩm chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định là có chất lượng tốt và được phổ biến. Bị phát hiện, phản đối… thì nghệ sĩ đã phải xin lỗi.

Quảng cáo phải lành mạnh, văn minh. Quảng cáo sai, không đúng sự thật, phải được coi là hành vi lừa dối đối với xã hội. Người đóng vai nói và diễn tả những điều dối trá là tiếp tay cho sự lừa đảo, cần lên án. Câu chuyện một số nghệ sĩ đi quảng cáo cho “thần y" chữa được bệnh ung thư, nhưng thực tế đã gây tử vong cho người bệnh, đang bị bóc trần.

Không thể lạm dụng các hình thức quảng cáo một cách phản khoa học, phạm vào thuần phong mỹ tục, vào truyền thống văn hóa dân tộc. Ví dụ như việc đã cấm quảng cáo hút thuốc trong các chương trình dành cho trẻ em.

Từ năm 2001, nước ta có Pháp lệnh Quảng cáo, năm 2012 lại có Luật Quảng cáo. Nhưng vấn đề quảng cáo vẫn còn nhiều điều cần bàn, vẫn đang gặp những khó khăn, phát sinh từ thực tế chủ quan và khách quan. Phải chấn chỉnh. Việc này phải được thực hiện đồng bộ, quyết tâm của các cấp, ngành, các tổ chức cơ quan và cá nhân. Cơ quan giám sát thông tin, kiểm tra cần nâng cao quyền năng và trách nhiệm. Không chỉ lấy tiêu chí phạt hành chính bằng tiền mà cần có hình thức răn đe mạnh mẽ hơn. 

KHÚC HÀ LINH  (TP Hải Dương) 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Dị bản" từ quảng cáo với góc nhìn văn hóa