Đền Xưa thờ Tuệ Tĩnh - nhà Đại danh y, ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam.
Sắc phong mang niên hiệu Bảo Đại năm thứ 15 (1940)
Ngôi đền nằm giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng mát ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), quê hương Tuệ Tĩnh và được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1990.
Đền Xưa được xây dựng vào thời Lê, sau đó được làm lại vào thời Nguyễn. Đền có kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, theo kiểu chồng giường đấu sen. Tất cả các đấu và con chồng đều được chạm trổ hoa lá cách điệu thanh thoát, nhẹ nhàng. Hiện tại di tích còn lưu giữ được một số hiện vật và tư liệu có giá trị như: Chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 8 (1855), sắc phong cho Tuệ Tĩnh vào các thời vua: Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), Tự Đức năm thứ 3 (1850), Duy Tân năm thứ 3 (1909), Khải Định năm thứ 9 (1924) và Bảo Đại năm thứ 15 (1940). Trong đó sắc phong mang niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940) được Bảo tàng Hải Dương cho là đạo sắc có niên đại muộn nhất cho đến nay. Đạo sắc phong thêm mỹ tự cho vị thần tôn kính là Tuệ Tĩnh.
Sắc phong có hình chữ nhật. Giấy được làm bằng chất liệu tốt màu mơ vàng, long vân chấm tròn, nhũ trắng xám, xung quanh hoa thị chấm tròn rất tinh tế và rõ nét, mang đậm dấu ấn thời Nguyễn. Ở cuối đạo sắc là con dấu “Sắc mệnh chi bảo” khắc bằng chữ Triện được in ngay dưới niên hiệu nhà vua. Sắc gồm 7 hàng và 76 chữ. Trải qua thời gian lâu năm nhưng sắc phong vẫn còn tươi nguyên màu mới, chưa hề bị hư rách, mép giấy cũng chưa quăn.
Nội dung sắc phong như sau:
Phiên âm: Sắc Hải Dương tỉnh, Cẩm Giàng huyện, Văn Thai tổng, Nghĩa Phú xã, phụng sự: “Tuệ Tĩnh tiên chủ Thánh Nam dược Tôn Thần”, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vị: “ Dực bảo Trung Hưng linh phù chi Thần”. Chuẩn y kỳ phụng sự, Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Bảo Đại thập ngũ niên cửu nguyệt nhị thập cửu nhật.
Tạm dịch: Sắc cho xã Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, phụng thờ: “vi Tôn thần Tuệ Tĩnh tiên chủ - ông Thánh thuốc Nam linh thiêng từ lâu”. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, trông lại sự che chở của Thần, nên phong là: “Vị Thần linh thiêng hiển ứng, có công giúp đỡ bảo vệ thời Trung Hưng”. Cho phép xã phụng thờ như trước, Thần sẽ giúp đỡ bảo vệ dân lành của ta. Kính thay!
Ngày 29 tháng 9 năm Bảo Đại thứ 15 (1940).
Việc phát hiện sắc phong này phong phú hơn những thông tin về thân thế, sự nghiệp của Tuệ Tĩnh - vị Đại y thiền sư của dân tộc, đồng thời cũng khẳng định hệ thống sắc phong của tỉnh Hải Dương rất phong phú và đa dạng.
HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN