Đền ơn, đáp nghĩa là trách nhiệm và đạo lý

15/07/2012 16:59

27-7 là một ngày kỷ niệm thiêng liêng, song đền ơn, đáp nghĩa lại không chỉ thực hiện một ngày, một tháng, mà phải được tiến hành thường xuyên, quanh năm.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để có được những thắng lợi cách mạng vẻ vang, các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt, của cải để gìn giữ độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn tươi đẹp cho muôn đời con cháu.

Kế thừa truyền thống quý báu đó của dân tộc ta, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước; với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đánh đổ ách thực dân, giải phóng một nửa giang sơn. Và với ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do", quân và dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ gian khổ, làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi..., tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam". Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.

Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh,  liệt sĩ để "tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái" với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công. Người yêu cầu phải quan tâm, báo đáp để các đối tượng chính sách "yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội", với phương châm "đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm".

Và hằng năm cứ đến tháng 7, cả nước lại tràn ngập không khí tri ân những người có công với nước. Ngày càng có nhiều hoạt động đền ơn nghĩa, quan tâm đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn đầy xúc động... Tri ân những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những việc làm đó còn có ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Năm nay dù kinh tế đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, tình hình lạm phát, giá cả tăng mạnh, thiên tai, dịch  bệnh... nhưng các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa vẫn diễn ra sôi nổi.

Tuy nhiên, vẫn còn nơi này, nơi khác thương binh, bệnh binh, những người thân của liệt sĩ chưa được hưởng chế độ chính sách một cách đầy đủ và hoàn thiện. Một thực tế khiến không ít người không khỏi đau lòng, đó là: trong những người rất nghèo hiện nay có không ít đồng bào, đồng chí đã từng vào sinh ra tử trong cuộc trường chinh của đất nước.

Vì sao còn những bất cập này? Có phải chính sách chưa đầy đủ, hoặc công tác tổ chức thực hiện chế độ chính sách với người có công ở địa phương còn thiếu sót, yếu kém? Người có công không đòi hỏi, song việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách dành cho người có công và thực hiện triệt để hơn chính sách này là việc làm cần thiết, vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của chúng ta đối với công lao của thế hệ cha anh đi trước. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đông bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ...".

27-7 là một ngày kỷ niệm thiêng liêng, song đền ơn, đáp nghĩa lại không chỉ thực hiện một ngày, một tháng, mà phải được tiến hành thường xuyên, quanh năm. Từ thực tiễn công tác thương binh, liệt sĩ và người có công những năm qua cho thấy, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi người có công với nước phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích cộng đồng xã hội đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa, đó còn là trách nhiệm và đạo nghĩa của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân  "con Lạc, cháu Hồng" đất Việt. Bên cạnh đó, nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo của các ngành, đoàn thể và địa phương trong việc chăm lo cuộc sống gia đình có công với cách mạng chính là thiết thực phát huy truyền thống và đạo lý dân tộc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

NGUYỄN THANH HOÀNG

(0) Bình luận
Đền ơn, đáp nghĩa là trách nhiệm và đạo lý