Cầu Phong Kiều trước cửa chùa Hàn Sơn (Tô Châu, Trung Quốc)
Hàng Châu là tỉnh lỵ tỉnh Chiết Giang, một trong những thành phố đẹp nổi tiếng của Trung Quốc. Ở đây phong cảnh đa dạng, có sông núi, ao hồ, vườn hoa, cây cảnh, một bức tranh thiên nhiên đặc sắc. Như viên ngọc giữa Hàng Châu, Tây Hồ rộng tới 6 km2, bao quanh nó nhiều cảnh đẹp, cả tự nhiên và nhân tạo. Từ một nhánh sông Tiền Đường huyền thoại, người ta lập ra hồ, trong đó có công của hai nhà thơ lớn đời Tống, Bạch Cư Dị và Tô Đông Pha, khi làm quan tại đây. Hai đoạn đê của các ông nay vẫn còn đó... Và tôi đã rung động làm ngay bài thơ Tây Hồ, với hai câu mở đầu:
Tôi đã gặp ở thắng cảnh này cả Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị
Đê Bạch, đê Tô là văn chương đích thực giữa đời thường
Liền ngay sau đó, tôi bỗng nhớ tới Nguyễn Du. Và tôi viết tiếp:
Lại tự hỏi Nguyễn Du đã từng ở đâu đây nhỉ
Sao thơ ông có sóng nước Tiền Đường?Thế là trong thời gian ngắn ngủi ở lại Hàng Châu, tôi đã cố công tìm hiểu những chuyện kể về Nguyễn Du, đến nay vẫn còn được truyền tụng.
Trong hai năm 1812 - 1813, Nguyễn Du được triều đình nhà Nguyễn phái đi sứ Bắc Kinh. Thầy trò phải trải qua một con đường dài gian nan vất vả. Trên đường về nước, Nguyễn Du quyết định dừng chân ở Hàng Châu. Ông đi thăm thú các di tích lịch sử, ngẫm nghĩ về những nhân vật anh hùng và cả những kẻ đớn hèn phản trắc. Ngay tại đây, ông đã sáng tác bài Mộ nhạc vũ mục, ca ngợi Nhạc Phi, vị tướng anh hùng lừng danh thời Tống, đã lập chiến công đánh lui quân Kim xâm lược. Có công lớn nhưng lại hàm oan sâu. Nhạc Phi bị bọn gian thần gièm pha, bị kết tội chết. Và nhà thơ đã viết tới bốn bài thơ vạch mặt chỉ tên vợ chồng Tần Cối - Vương Thị, những tên tội phạm đã sát hại cha con Nhạc Phi - Nhạc Vân.
Cũng tại Hàng Châu, Nguyễn Du còn tìm hiểu về chuyện nàng Tiểu Thanh, người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Ông đã đến viếng mộ nàng Tiểu Thanh quê ở Quảng Long, tỉnh Giang Tô. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sớm biết làm thơ, lại đàn giỏi hát hay. Năm 15 tuổi, mẹ mất, phải làm vợ lẽ nhà họ Phùng, một công tử con nhà giàu nhưng học hành kém cỏi. Vợ cả tính tình độc ác, hay ghen, thường bắt Tiểu Thanh ra ở riêng tại núi Côn Sơn, cấm gặp chồng, cả thư của chồng cũng không được phép nhận. Hoàn cảnh đó làm cho Tiểu Thanh luôn luôn phải giữ gìn.
Một hôm, vợ cả đi chơi thuyền, cho Tiểu Thanh theo hầu. Tới ngã ba sông, nhiều chàng trai trên bờ cứ ngó xuống ngắm nhìn. Một người bạn gái của vợ cả vốn cảm mến Tiểu Thanh, đã cố ý chuốc rượu cho bà này say mềm, rồi rủ Tiểu Thanh lên lầu thuyền ngắm cảnh. Bà còn ngỏ lời có thể cứu nàng ra khỏi nơi đây... Nhưng Tiểu Thanh đã từ chối. Rồi Tiểu Thanh ốm chết, để lại một tập thơ, nhưng vợ cả đem đốt, chỉ còn sót lại 11 bài, in thành sách Phần dư tập. Nguyễn Du thực sự xúc động về câu chuyện Tiểu Thanh và ông đã để lại cho đời một bài thơ có thể nói là tuyệt cú, bài Độc Tiểu Thanh ký (Đọc sách Tiểu Thanh). Bài thơ được Vũ Tam Tập sau này dịch ra như sau:
Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên sông mảnh giấy tàn
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?Hai câu thơ cuối bài nguyên văn chữ Hán là Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như, cho đến nay vẫn còn nguyên một nghi vấn văn chương chưa có lời giải mã trọn vẹn.
NGUYỄN HỮU PHÁCH