Một học sinh cấp III kể mình bị mẹ ''tặng'' một cái bạt tai thẳng tay khi phát hiện bao cao su trong túi quần jean em. Một em khác từ chối nhận cuốn sách giáo dục giới tính vì ''đem sách này về nhà cha em đánh chết''...
Các tình nguyện viên của dự án Lớn lên an toàn tổ chức lớp học về giáo dục giới tính cho trẻ ở Thái Bình
Giáo dục giới tính sau rất nhiều thập niên và hàng nghìn cuộc thảo luận khác nhau trên truyền thông vẫn là một hộp đen không được chạm vào, một vùng cấm không được nhắc đến trong gia đình. Chính sự chối bỏ, không thừa nhận ấy dẫn đến những tệ nạn, những hậu quả xót xa sau đó.
Giật mình với nỗi sợ của Tú
Tôi đưa cho Tú quyển sách Bí mật của con gái như chúng tôi vẫn luôn tặng sách cho trẻ sau mỗi lớp học "Lớn lên an toàn". Đó là cuốn sách mà tôi chọn lựa kỹ càng, trong đó có các tranh vẽ minh họa về quá trình thay đổi cơ thể người nữ khi lớn lên và những điều cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe và an toàn.
Tôi đã tưởng Tú sẽ hào hứng đọc như rất nhiều bạn nhỏ tò mò tôi từng gặp. Nhưng Tú mở sách, nhăn mặt, rồi trả lại. "Em không lấy đâu. Mang sách này về nhà cha em đánh chết" - Tú nói.
Tôi bị choáng. Đó là khoảnh khắc khiến tôi băn khoăn nhất trong hơn 2 năm tổ chức thực hiện dự án Lớn lên an toàn, tổ chức lớp học giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục cho hơn 2.000 trẻ em trên khắp cả nước.
Tôi nhận ra vấn đề khó nhất của quá trình thay đổi nhận thức không phải trẻ em không được giáo dục, mà là những trẻ em không được giáo dục ngày xưa giờ đã là phụ huynh và họ tiếp tục cấm đoán con em mình.
Tôi không biết được rằng có bao nhiêu em gái đang có những nỗi sợ như Tú. 11 tuổi, đầy những câu hỏi về bản thân nhưng không dám hỏi vì cha mẹ đã cấm rồi.
Bao cao su là... thứ tồi tệ?
Một bạn học sinh cấp III kể với tôi rằng mẹ em đã thẳng tay tặng cho em một bạt tai khi phát hiện một cái bao cao su trong túi quần jean của em. Cái bao cao su đó thật ra là do một tổ chức giáo dục vừa phát cho học sinh lúc tan trường. Bạn ấy không bao giờ quên cái tát đó mãi đến khi lớn lên. Em của bạn ấy, thấy chị mình bị tát, cũng luôn cho rằng bao cao su là một thứ tồi tệ.
Đe dọa thì dễ hơn là giáo dục. Trước những áp lực từ người lớn, những trẻ nhút nhát sẽ cố gắng xóa luôn sự tò mò muốn biết đó vì sợ. Các trẻ bạo dạn hơn sẽ tự tìm hiểu qua mạng, tự thực hành, đôi lúc tự mang thai, rồi tự phá thai.
Trong 300.000 ca phá thai được Bộ Y tế công bố năm 2018 có gần 70% là học sinh - sinh viên 15-19 tuổi. Dễ hiểu rằng các em sẽ khó mà tìm đến người lớn thêm một lần nữa nếu như trước đó từng có kinh nghiệm bị chối bỏ. Niềm tin đã bị ảnh hưởng rồi.
Trong hai thập niên mà tôi lớn lên, việc học giáo dục giới tính ở trường hầu như không thay đổi gì nhiều. Nếu không phải là do những vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng được phanh phui trong năm 2016-2017, có lẽ xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn là một vấn đề không được thừa nhận.
Cha mẹ cố lên!
Ai cũng có một tuổi thơ bị cấm đoán nói về giới tính. Tôi tiếp xúc với hơn 100 tình nguyện viên của dự án mình, chỉ khoảng 20% là có những cuộc trao đổi về giới tính từ khi còn nhỏ. Còn lại thì có những trải nghiệm tương tự như tôi khi học bài về cơ thể người trong tiết sinh học năm lớp 8: cô giáo không giảng một lời nào, yêu cầu học sinh mở sách tự chép bài.
Nếu không được học là một trải nghiệm chung của mọi người ngày xưa thì để thay đổi, bây giờ ta phải cùng nhau học. Cha mẹ cùng học với con cái, cả nhà cùng học. Học từ sách, từ phim giáo dục, từ chương trình tivi, từ những câu hỏi nhỏ của con được trả lời cặn kẽ, chứ không bị phớt lờ hay quát nạt. "Con sinh ra từ đâu?" chẳng hạn.
Thật khó để bắt đầu học một điều gì mới ở tuổi trung niên. Lại càng khó hơn rất nhiều nếu như đó là một thứ mình cho là bậy bạ, đáng xấu hổ, nhạy cảm. Vì vậy, người lớn cần phải cố gắng hơn rất nhiều khi học những nội dung này. Vì vậy, xin người lớn đừng nản chí, đừng ngại, đừng xấu hổ vì tụi con nít giỏi công nghệ sẽ học nhanh hơn mình…
Kết nối tốt hơn với trẻ Các tình nguyện viên của dự án Lớn lên an toàn tổ chức lớp học về giáo dục giới tính cho trẻ ở Tuyên QuangTrong vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh ở Hà Nội năm 2018, mẹ của nạn nhân đã nói rằng bà rất đau lòng vì "để con chịu đựng một thời gian dài mà không hề hay biết". Những vụ việc dụ dỗ, xâm hại trẻ em thường kéo dài, không phải ngày một ngày hai. Nếu như giữa cha mẹ và trẻ có một sự kết nối tốt hơn thì chúng ta đã có cơ hội ngăn chặn sự việc trước khi nó trở thành thảm kịch. |
Theo Tuổi trẻ