…Vào cái đêm thành phố Huế bắn pháo hoa mừng chiến thắng ngày 30 - 4 - 1975, tôi và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hẹn nhau có mặt ở một quán nhỏ ven bờ sông Hương. Thành phố Huế vừa trải qua chặng đường dài chiến tranh khốc liệt. Trong lúc chờ bắn pháo hoa, chúng tôi ngồi uống nước dừa, tận hưởng từng giây phút quá đỗi thanh bình. Đám sinh viên ngồi cạnh chúng tôi chợt cất tiếng hát vang bài "Nối vòng tay lớn" của Trịnh Công Sơn. Bao nhiêu người đồng loạt hát theo. Bên kia sông Hương cũng vang lên tiếng hò reo, tiếng trống, tiếng nhạc. Trước giờ bắn pháo hoa, không khí ở thành phố Huế rạo rực khác thường.
Hồi đó, tôi là phóng viên mới toanh của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hoàng Nhuận Cầm là lính ở Ban Tuyên huấn Quân khu Trị Thiên - Huế. Hai người đã đọc thơ, biết tên nhau trên báo, gặp nhau là quen thân ngay. Cầm quá trẻ và đẹp trai, trông giống một thư sinh Hà Nội hơn là một anh lính trận mạc. Còn tôi thì gầy, nước da tái xanh màu sốt rét. Nào ngờ, không hẹn hò mà hai chàng nhà thơ áo lính gặp nhau ở đất cố đô Huế, có núi Ngự Bình, có dòng sông Hương thơ mộng.
Những ngày ấy, Hoàng Nhuận Cầm đóng quân ở đồn Mang Cá, tôi nằm vùng ở một đơn vị bảo vệ cầu Tràng Tiền. Hai người cách nhau không xa nên thường tranh thủ tìm đến nhau luôn. Cầm là cây bút trẻ mới nổi tiếng trong làng thơ nên tôi đọc Cầm, thuộc Cầm khá nhiều. Tôi nhớ đến chùm thơ Hoàng Nhuận Cầm được giải nhất cuộc thi thơ năm 1971-1972 của Tuần báo Văn nghệ. Trong bài "Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt", Cầm viết: "Mẹ ơi đất nước cắt chia. Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim". Hoặc bài "Nhật ký", Cầm nhắc tới tâm trạng của mình trong một đêm ở rừng: "Tiếng tắc kè ném lưỡi vào đêm/Có ngủ được đâu nằm nghe lá thở/ Nằm nghe súng nổ/Đánh giặc lần đầu ai chả thế/Thôi sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ. Cuốn võng vào theo hướng súng mà đi".
Thơ Hoàng Nhuận Cầm giàu nhạc điệu và giàu sức ám ảnh người đọc, còn tính Cầm thật sôi nổi, dễ gần. Những ngày ở Huế, Cầm rủ tôi đi thăm hồ Tĩnh Tâm, Cố đô, lăng vua Tự Đức, chùa Thiên Mụ, núi Ngự. Biết tôi nhận được điện ở ngoài Bắc (qua đường dây quân sự) báo tin vợ tôi mới sinh con gái, Cầm hỏi: "Anh chị định đặt tên cháu là gì?". Tôi bảo: "Mình đang ở Huế, cháu sinh vào dịp giải phóng thành Huế nên vợ chồng mình đặt tên cháu là Hương". Cầm siết chặt tay tôi: "Tên con trùng với tên sông, thú vị thật". Mấy ngày sau Cầm đi chợ Đông Ba, mua tặng con gái tôi một bộ quần áo màu hoàng yến. Cầm còn kiếm cho tôi một cái túi mìn để đựng bản thảo, giấy bút và không rõ bằng cách nào, Cầm tìm được rất nhiều sách của các nhà văn, nhà thơ sống trong thời Mỹ - ngụy như Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam, Du Tử Lê, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Nhã Ca… Sách Cầm kiếm về nhiều, chúng tôi thay nhau đọc bằng hết, đọc rồi gặp nhau trao đổi, nhất là các tập thơ thì tôi và Cầm thuộc và nhớ vanh vách. Có lúc chúng tôi nhắc tới các nhà thơ cùng thế hệ mình với lòng tin yêu, ngưỡng mộ. Có lúc, chúng tôi bàn đến cả sự cách tân trong thơ. Làm sao mở được con đường đi cho riêng mình, mới nhưng hay, tìm tòi nhưng không sa vào vũng lầy, ngõ cụt? Chúng tôi nói những điều dông dài và những điều cao siêu. Hai người lúc thì hồn nhiên tươi trẻ, lúc thì triết lý, tranh luận như hai ông cụ non. Nhưng chắc chắn, mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều truyền cho nhau ngọn lửa của niềm say mê, tâm huyết. Cũng trong thời gian đó, tôi và Hoàng Nhuận Cầm thi nhau viết. Hoàng Nhuận Cầm viết hẳn một trường ca Giữa hai hàng lục bát, gồm năm chương. Tất nhiên viết được chương nào, đoạn nào, Hoàng Nhuận Cầm cũng đều đọc cho tôi nghe. Đọc nhiều lúc, nhiều lần, đọc để bạn khen, đọc rồi tự khen mình, yêu mình, yêu cả sự góp ý có phần nông nổi, chân tình của bạn. Ở trường ca "Giữa hai hàng lục bát", Hoàng Nhuận Cầm vừa giữ được chất giọng riêng của mình, vừa gia tăng được cảm xúc dạt dào:
Chúng con trào như gió xuống đồng bằng
Chân con mẹ về đặt trên đất mẹ
Đất ơi đất sao mà tha thiết thế
Đây bạt ngàn mắt lính có sông Hương.
Thượng Tứ kia rồi bóng mẹ nghèo thương
Dáng mẹ đấy chúng con thương mẹ lắm
Mấy mùa chớp nổi áo em còn cứ trắng
Tóc em thề giữa gió đợi chờ ta.
Mắt tôi nhòa giữa chợ Đông Ba
Hôn một cái vội vàng lên Đập Đá
Chân vấp ngã mấy lần bên Vĩ Dạ.
Một câu hò ai đã đỡ tôi lên...
Giọng Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ thật xúc động, tôi bị cuốn vào những câu thơ Cầm viết. Trường ca “Giữa hai hàng lục bát” có nhiều câu hay, đoạn hay. Tôi cảm giác như Hoàng Nhuận Cầm viết rất nhanh, viết cho kịp với những điều đang trào dâng, thổn thức. Cầm nói đây là trường ca đầu tiên và duy nhất trong đời thơ của mình. Tôi bảo Cầm đọc lại cho tôi nghe những câu nói về tâm trạng người con sinh ra ở đất Huế nay cùng với đoàn quân giải phóng trở về đất cũ. Hòa với niềm vui ấy, lời thơ òa lên, da diết: "Tôi lại về đất Huế đã sinh tôi/Nước mắt rơi đầy tay nóng hổi/Hai môi ướt cả điều tôi định nói/Tôi lại về đất quá mến thương ơi". Nghe Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ mới viết, tôi mừng cho Cầm rất nhiều. Mừng cho bạn, tôi tự nhủ thầm mình phải viết, viết cho hay về những gì mình nghĩ, mình cảm. Và chỉ một vài ngày sau, tôi lại có những bài thơ mới để "đáp lễ" Hoàng Nhuận Cầm.
Cho đến bây giờ, mấy mươi năm đã trôi qua, tôi vẫn hình dung rất rõ cái đêm thành phố Huế bắn pháo hoa, tôi và Hoàng Nhuận Cầm cùng nhìn lên bầu trời lung linh mà sung sướng hò reo đến lạc giọng. Cả thành phố Huế dào lên từng đợt sóng người. Dòng người đi qua cầu Tràng Tiền, dòng người trải dọc những con đường lớn, dòng người dày đặc dồn tới Phú Văn Lâu. Cả thành phố Huế bừng lên màu sắc huyền ảo. Màu pháo hoa nở bung trên vòm trời, màu điện sáng, lửa thắp nối nhau chi chít trên mặt đất. Có cảm giác, dòng sông Hương như sắp hóa thành dải lụa bay lên cùng đám mây bồng bềnh. Đêm không tiếng súng, tiếng bom, không tiếng xe quân cảnh nghiến nát mặt đường. Đêm không ánh đèn pháo sáng, không chớp đạn rạch ngang vòm trời, không lửa cháy và cái chết bay ra từ họng pháo kinh hoàng. Sau bao năm chiến tranh, từ nay thành phố Huế mới được hòa bình. Cái đêm pháo hoa ở Huế in rất đậm, rất sâu trong trí nhớ của tôi và Hoàng Nhuận Cầm. Từ đó đến nay, cuộc sống của chúng tôi có rất nhiều thay đổi; nhưng mỗi lần gặp nhau chúng tôi vẫn nhắc về những ngày ở Huế và cái đêm pháo hoa ở Huế. Là người lính đã trải qua đạn bom, trận mạc, chúng tôi quên sao được những thời khắc hòa bình, quên sao được những đam mê, khát vọng dành cho thi ca trong chặng đường ban đầu của người cầm bút.
NGUYỄN ĐỨC MẬU