Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai đã đề xuất như vậy tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức ngày 22-11.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016 - Ảnh: Tuấn Phùng |
Theo ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai, hiện nay phân chia xe biển trắng, biển xanh, trong biển xanh lại phân chia xe của Trung ương, địa phương là không bình đẳng.
Không châm chước xe biển xanh
Ông Sơn nêu thực tế nhiều xe biển xanh ra đường vi phạm không bị xử phạt, nhất là nhiều xe biển xanh 80B đi trên đường vi phạm luật. Có trường hợp người dân phát hiện xe biển xanh vi phạm đã bức xúc, tập trung truy đuổi để giao cơ quan chức năng.
Vì thế, ông Sơn đề xuất trong quá trình sửa Luật giao thông đường bộ chỉ nên quy định một màu biển đăng ký xe để tạo sự bình đẳng. Để phân biệt thì có loại biển cho xe con, xe tải.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an - bày tỏ đồng tình với kiến nghị trên.
Theo ông Hà, ngoài xe quân đội có đặc thù, các xe còn lại cần quy định một màu biển.
“Bây giờ người dân một biển, Nhà nước một biển, công an một biển, ông nào cũng cho mình to. Nhiều trường hợp xe mang biển kiểm soát 80 ra đường vẫn vi phạm. Trong quá trình kiểm soát xử lý vi phạm thông qua hình ảnh trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chúng tôi yêu cầu thông báo đến tất cả cơ quan có xe vi phạm, kể cả xe biển xanh” - ông Hà đồng thuận và cho biết hiện vẫn xử lý nghiêm cả xe biển xanh vi phạm chứ không có sự châm chước.
Chỉ thu phí ở làn đường mở rộng
Cũng theo ông Quyền, với đầu tư đường bộ theo hình thức BOT cũng cần sửa luật, quy định rõ nếu làm đường BOT mới thì để đường cũ cho người dân đi miễn phí.
Nếu mở rộng đường cũ thì chỉ thu phí ở làn đường mới mở rộng, còn làn đường cũ không thu phí. Các nước khác cũng thực hiện như thế nhằm để người dân có quyền lựa chọn.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - nhận định nhu cầu giao thông và phương tiện giao thông còn gia tăng nhanh chóng vượt khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông.
Vì vậy đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu các giải pháp kiểm soát, kiềm chế kéo giảm ùn tắc, đặt biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM; nghiên cứu các giải pháp có đủ tác động làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông…
TUẤN PHÙNG (Tuổi trẻ)